Nói "không đưa nhà cao tầng vào trung tâm", sao làm ngược lại?

Vinh Hải Thứ ba, ngày 08/12/2015 15:37 PM (GMT+7)
Việc chậm di dời trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học, nhà máy… ra khỏi đô thị được coi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.
Bình luận 0

Sáng nay (8.12) Ủy ban ATGT Quốc gia đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm công tác đảm bảo trật tự ATGT giai đoạn 2011 – 2015.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, Hà Nội và TPHCM vẫn là hai địa phương tập trung các điểm nóng về ùn tắc giao thông. Sau 5 năm thực hiện nhiều giải pháp được coi là đột phá, hai địa phương đã khắc phục được phần nào hiện trạng trên.

img

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia

Cụ thể, tại Hà Nội còn 44 điểm ùn tắc (giảm 34 điểm sao với năm 2011), TPHCM không còn vụ ùn tắc giao thông nào trên 30 phút (giảm 31 điểm tương đương 100%).

Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết thời gian gần đây ùn tắc giao thông kéo dài đang có diễn biến phức tạp tại Hà Nội và TPHCM. Nguyên nhân được nêu lên đầu tiên là sự bất cập trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị.

Trước tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp thời gian gần đây, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội mong nhận được sự chia sẻ của các cấp TƯ.

Ông Hùng cho hay: “Áp lực giao thông ở Hà Nội rất lớn, lượng người tham gia giao thông đông, phương tiện tăng nhanh lại kết nối với các tuyến quốc lộ, cao tốc. Về lâu dài, phải di chuyển các nhà máy, bệnh viện, trường học, trụ sở làm việc để giảm lưu lượng người vào nội đô”.

Còn ông Nguyễn Ngọc Tường – Phó Ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM cho biết: “TPHCM đã có kiến nghị di dời trường học, bệnh viện, trụ sở làm việc các bộ ngành. Dù đã có kế hoạch nhưng đến nay vẫn chưa có Bộ, ngành nào di dời cả”.

Thiếu tướng Trần Sơn Hà – Cục trưởng Cục CSGT cũng đánh giá năm 2016 dự báo Hà Nội và TPHCM sẽ gặp nguy cơ lớn về ùn tắc giao thông.

Ông Hà phân tích: “Hà Nội đăng ký hộ khẩu chính thức 7 triệu người nhưng lưu lượng người là trên 10 triệu, TPHCM đăng ký 8 triệu nhưng cũng đổ về từ 11 – 12 triệu người. Việc di dời trụ sở, bệnh viện, trường học, nhà  máy ra khỏi nội đô kết hợp với các phương tiện giao thông công cộng là phương án tối ưu để giảm ùn tắc”.

Theo thống kê của Cục CSGT, trong số 677 vụ ùn tắc giao thông kéo dài hơn một giờ thì phần lớn ở TPHCM và Hà Nội. Còn các địa phương khác thường xảy ra ùn tắc kéo dài khi xảy ra tai nạn giao thông trên tuyến.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã đặt câu hỏi: “Tại sao bảo không đưa nhà cao tầng vào khu trung tâm nhưng lại làm ngược lại? Trụ sở ở Hà Nội phải di chuyển ra ngoài Mỹ Đình nhưng lại tiếp tục xây nhà cao tầng trong nội đô”.  

"Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc phải thực hiện tổ chức giao thông tốt trong thời gian tới, đặc biệt là hai thành phố Hà Nội và TPHCM. Phó Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục kéo giảm ùn tắc tại hai thành phố này. Trong đó, tổ chức quản lý đô thị phải làm tốt không để mọc lên nhà cao tầng trong trung tâm thành phố sau khi di dời trường học, bệnh viện, trụ sở làm việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem