Nới lỏng giãn cách, nông dân Hà Nội tất bật hái rau ở "vùng xanh"

Kim Anh Chủ nhật, ngày 19/09/2021 06:00 AM (GMT+7)
Về "vùng xanh" thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội) – nơi được mệnh danh là "vựa rau" lớn nhất nhì TP.Hà Nội những ngày này, không khí tất bật khẩn trương của bà con nông dân lại "hồi sinh" sau những ngày giãn cách xã hội.
Bình luận 0

Nông dân hồ hởi xuống đồng

Từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Hoa (61 tuổi, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt) đã có mặt tại ruộng rau của gia đình để cắt rau, chuẩn bị đủ hàng xuất cho nhà xe thu mua.

"Tối qua, thương lái đã gọi điện thông báo cho gia đình hôm nay sẽ lấy khoảng 3 tạ rau để đưa vào nội thành. Vì vậy, sáng nay tôi đã phải từ rất sớm dậy sớm để chuẩn bị", bà Hoa nói.

Đôi tay thoăn thoắt cắt rau, gương mặt bà Hoa toát lên niềm phấn khởi, hân hoan sau những ngày giãn cách được đi làm đồng trở lại. Bà cho biết, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19, các thôn đều lập chốt kiểm soát, rau không tiêu thụ được ra bên ngoài, nhiều diện tích rau phải nhổ bỏ.

Nới lỏng giãn cách, nông dân Hà Nội tất bật hái rau ở "vùng xanh" - Ảnh 1.

Sau những ngày nới lỏng giãn cách xã hội, các khu vực hoạt động ở vùng xanh của Hà Nội được rộng hơn, người dân lại khẩn trương thu hoạch trên những ruộng rau gia đình để kịp thời cung cấp hàng hoá. Ảnh: Kim Anh.

Công việc của bà cũng như nhiều nông dân khác trong thôn phải ngưng lại do không có người thu mua. Thời gian đó, ở nhà nhiều, bà Hoa ngày nào cũng ngóng trông, xem ti vi, cập nhật tin tức qua báo, đài chờ ngày được giãn cách.

"Nhà tôi có 4 sào rau, tháng trước mưa nhiều, lại không sản xuất được, nhiều khi chỉ có 1.000 – 1.500 đồng/kg nên gần như là đến vụ rau phải bỏ đi hết. Cả nhà tôi đều làm nghề trồng hoa, rau; lứa trước chi phí tiền giống, phân bón vẫn phải bỏ ra mà không thu được. Chúng tôi chỉ mong vụ này trồng rau có thể đủ 'đôi ba nồi gạo' để trang trải cuộc sống", bà Hoa vừa cắt rau vừa tâm sự.

Nới lỏng giãn cách, nông dân Hà Nội tất bật hái rau ở "vùng xanh" - Ảnh 2.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa là một trong những nông hộ canh tác rau màu lâu năm tại thôn Đông Cao. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gia đình bà Hoa vẫn cố gắng duy trì sản xuất với diện tích trên 3 sào rau an toàn. Sau khi được nới lỏng giãn cách, để kịp thu hoạch rau cải cho tiểu thương đặt hàng, cùng với 2 nhân công trong gia đình, bà Hoa phải mượn thêm 3 người cùng thu hoạch. Ảnh: Kim Anh.

Nhìn lứa rau cải xanh mướt vào đúng vụ thu mua, chị Võ Thị Thắm (50 tuổi, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt) không giấu được niềm vui mừng, hạnh phúc.

"Cũng may mắn đúng đợt thu hoạch rau thì TP bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, Mê Linh được là "vùng xanh" nên bà con nông dân có thể bán được. Như 2 tháng trước thất thu toàn bộ mấy sào rau, nhìn thấy mà không làm gì được, người lúc nào cũng như "ngồi trên đống lửa vậy", chị Thắm bộc bạch.

Gia đình chị Thắm có 4 sào rau, mùa nào thức nấy, đến vụ gì là chị lại trồng rau đó. Có mùa rau củ, chị phải đi làm từ 2 giờ đêm để về nhà còn rửa củ, đóng túi kịp chuẩn bị hàng cho thương lái. Vụ này, gia đình chị trồng chủ yếu là rau ăn lá.

Nới lỏng giãn cách, nông dân Hà Nội tất bật hái rau ở "vùng xanh" - Ảnh 3.

Thời gian này, người dân chủ yếu trồng rau ăn lá. Mỗi sào canh tác tốt có thể cho thu hoạch khoảng 8 tạ rau. Khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, việc tiêu thụ bắt đầu tốt hơn nên họ cũng yên tâm hơn khi canh tác, với mức giá 4.000 – 6.000 đồng/kg rau cải người nông dân cũng kiếm thêm được "đồng ra đồng vào". Ảnh: Kim Anh.

"Cứ trung bình 1 tháng là có 1 lứa rau cải thìa mới, 1 năm sẽ có khoảng từ 5-7 lứa. Mỗi sào gia đình tôi có thể thu được vài tạ, nhưng nếu có thiên tai, dịch bệnh thì lại chẳng bán được lứa nào. Như hiện nay, với mức giá 4.000 – 6.000 đồng/kg rau cải thì gia đình còn có thể kiếm được ít tiền đong gạo, nếu dịch bệnh kéo dài như trước thì chúng tôi lo lắm", chị Thắm chia sẻ.

Mong muốn lớn nhất của những người dân lúc này là dịch bệnh mau chóng qua đi, để hàng hóa có thể lưu thông, người dân trở lại với cuộc sống bình thường mới,  yên tâm sản xuất, thu hoạch.

Tích cực gieo trồng, không quên phòng, chống dịch

Trao đổi với Dân Việt, ông Đàm Văn Đua - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội) cho biết, trong thời gian vừa qua, địa phương thực hiện giãn cách xã hội, bà con nhân dân vẫn có ruộng nhưng người ta phải phòng dịch nên không triệt để trong công tác sản xuất.

HTX cũng đã khuyến cáo bà con nhân dân giảm thiểu xuống giống, xuống hạt. Song, một số ruộng vẫn duy trì sản xuất nhằm cung ứng các loại chủng rau ăn lá cho thị trường Hà Nội và hạn chế đứt gãy trong quá trình sản xuất.

"Sau khi nới lỏng giãn cách, bà con nhân dân tiếp tục xuống những thửa ruộng còn lại tiếp tục sản xuất, đảm bảo nguồn cung, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, ổn định giá cả, tránh để tình trạng giá cả leo thang", ông Đua nói.

Nới lỏng giãn cách, nông dân Hà Nội tất bật hái rau ở "vùng xanh" - Ảnh 4.

Hệ thống phun nước từ máy bơm được các hộ dân đầu tư để phục vụ cho quá trình canh tác sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách. Ảnh: Kim Anh.

Ông Phạm Thành Đô - Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết, do tác động dịch bệnh ảnh hưởng tới một số hàng hoá nông sản chủ lực của Mê Linh.

Để thích ứng với điều kiện sản xuất và tình hình dịch bệnh hiện nay, huyện cũng đã khuyến cáo người dân tăng cường gieo trồng các loại rau ăn lá, các loại nông sản ngắn ngày để cung ứng cho thị trường.

Trong vụ đông, sẽ có khoảng 1.700-1.800 ha trồng rau. Các sản phẩm hoa, địa phương cũng đã khuyến cáo người dân hạn chế gieo trồng, nhất là các loại hoa cúc, thay vào đó chuyển dần sang các cây màu khác như ngô, đậu tương…

Nới lỏng giãn cách, nông dân Hà Nội tất bật hái rau ở "vùng xanh" - Ảnh 5.

Lãnh đạo phòng Kinh tế huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, trong vụ đông, sẽ có khoảng 1.700-1.800 ha trồng rau. Các sản phẩm hoa, địa phương cũng đã khuyến cáo người dân hạn chế gieo trồng, nhất là các loại hoa cúc, thay vào đó chuyển dần sang các cây màu khác như ngô, đậu tương…Ảnh: Kim Anh.

Ông Đô cho biết, huyện cũng có ý kiến chỉ đạo tới các đơn vị phối hợp như điện lực, thuỷ lợi, các cửa hàng vật tư nông nghiệp chuẩn bị đầy đủ giống, phân phục vụ bà con trong quá trình sản xuất.

Đồng thời, các đơn vị cũng tăng cường tập huấn, hướng dẫn về mặt khoa học kỹ thuật, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa tạo ra được những sản phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, địa phương đang tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch bệnh Covid-19 và chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội. Thời gian tới, sẽ tiếp tục xem xét việc nới lỏng quy định giãn cách xã hội và cho phép hoạt động trở lại các loại hình dịch vụ khác.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Mê Linh đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, đại diện UBND huyện cho biết công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn sẽ được địa phương thực hiện nghiêm túc. Các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch sẽ bị xử lý nghiêm để bảo đảm mục tiêu kép.

Tối 15/9, Sở Y tế Hà Nội có văn bản số 14625 thông tin về quận, huyện, thị xã không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng.

Theo đó, tính từ 6 giờ ngày 6/9 đến 18 giờ ngày 15/9, có 19 quận, huyện, thị xã không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng.

Cụ thể, gồm các đơn vị: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa và Tây Hồ.

Theo công văn hỏa tốc số 3084 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, từ 12 giờ ngày 16/9, đối với các địa bàn các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng (từ thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 3/9 của Chủ tịch UBND TP, có hiệu lực từ 6 giờ ngày 6/9) được hoạt động một số cơ sở kinh doanh.

Cụ thể: Các cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem