Nơi mỗi ngày có dăm bảy người bị rắn vồ, cứ nuôi là cụt ngón tay

Thứ hai, ngày 04/05/2020 14:19 PM (GMT+7)
Họ bảo, nhìn những đôi bàn tay thiếu ngón, cụt đốt, những vết sẹo chi chít… là nhận ra ngay người làng rắn Vĩnh Sơn.
Bình luận 0

Những ngày này về xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đi vào đường làng, ngõ xóm nào cũng bắt gặp những gương mặt được che kín mít.

Đi chợ… đeo khẩu trang. Dọn dẹp, vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ… đeo khẩu trang. Giao tiếp với hàng xóm… cũng đeo khẩu trang… để phòng, chống dịch Covid-19.

Ấy vậy mà người dân xã Vĩnh Sơn ra đường vẫn nhận ra nhau, không phải qua đôi mắt – phần để hở ra khỏi chiếc khẩu trang trên gương mặt, cũng chẳng phải qua giọng nói thân quen hay đặc trưng nào cả mà qua đôi bàn tay.

img

Ăn, ngủ cùng rắn, người dân Vĩnh Sơn phải tự học cách bảo vệ mình trước loài vật đáng sợ này. Ảnh Hoàng Cúc.

Họ bảo, nhìn những đôi bàn tay thiếu ngón, cụt đốt, những vết sẹo chi chít… là nhận ra ngay người làng rắn Vĩnh Sơn.

Những câu chuyện như rắn sổng chuồng bò vào nhà, vào phòng ngủ hoặc “chạy rông” ngoài đường… thường làm cho người nghe không giấu được nỗi khiếp sợ. Đến Vĩnh Sơn, dù bạn cố né, cố cảnh giác cao độ để không “bị” đứng gần, nhìn thấy cái con vật đáng sợ đó… thì cũng vô ích mà thôi.

Ngay dưới chỗ bạn ngồi, ngay dưới chân bạn đứng… rất có thể đều là hang rắn. Đâu đâu cũng là nhà của rắn.

Nhưng đừng sợ, chúng đã bị khóa chặt trong hang bởi những cánh cửa chắc chắn; trừ trường hợp đặc biệt, mới có chuyện rắn sổng chuồng. Đừng sợ. Tại sao phải sợ. Bởi, minh chứng là từ khi nghề nuôi rắn có mặt ở Vĩnh Sơn và phát triển thành nghề truyền thống, người dân Vĩnh Sơn vẫn ăn chung, ngủ chung với rắn và giàu lên nhờ rắn.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Tạ Văn Hùng cho biết: Trong tổng giá trị chăn nuôi toàn xã năm 2019 đạt 65 tỷ đồng thì riêng nghề nuôi rắn ước đạt 60 tỷ đồng. Trong đó, 57,6 tỷ đồng thu được từ bán trứng và 26 tỷ đồng từ 70 tấn rắn thương phẩm. Toàn xã hiện có khoảng 850 hộ nuôi rắn với tổng đàn gần 250.000 con.

Chuyện thu cả tỷ tiền mỗi năm ở các hộ gia đình là có thật. Riêng với trứng rắn thôi, cũng đã có giá dao động từ 80 – 100 nghìn đồng/quả. Với một con hổ mang thường, sẽ cho khoảng 20 – 30 quả trứng/năm; tương đương mỗi con rắn sẽ đẻ ra khoảng… 2 – 3 triệu đồng/năm.

Đừng vội ngạc nhiên về số tiền này mà hãy nhẩm phép tính nhân 2 – 3 triệu đồng với 1.000 con rắn sẽ ra ngay con số trên cả vài tỷ đồng. Hiện ở Vĩnh Sơn có gần 300 hộ nuôi rắn với quy mô đàn 1.000 – 2.000 con.

Câu chuyện kinh tế nói với nhau thì nghe chừng đơn giản, tiền kiếm được dễ như “gió vào nhà trống”; thế nhưng khi đến từng hộ chăn nuôi, mới hiểu được phần nào cuộc sống của người dân làng rắn.

Người dân Vĩnh Sơn phần đa đều nhường diện tích, không gian sinh hoạt của gia đình để làm nhà cho… rắn. Nói là nhà nhưng thực chất đó là chuồng nuôi với những chiếc hang nhỏ, thiết kế đơn giản. Diện tích mỗi hang chỉ đủ cho một con rắn có thể cuộn tròn trong đó.

Kinh phí làm hang cũng chẳng tốn kém là bao. Chỉ cần ốp hai hàng gạch chỉ vào tường, xây chia thành các ô vuông nhỏ, giống kiểu ngăn tủ gửi đồ ở siêu thị. Cửa hang làm bằng gỗ, chốt chặn cẩn thận.

Cẩn thận đến là thế nhưng vẫn có chuyện rắn sổng chuồng đi lang thang khắp xóm. Tôi hỏi ông Phạm Xuân Thủy, một người nuôi rắn lâu năm ở thôn 1, Vĩnh Sơn, rằng có chuyện rắn sổng chuồng không.

Ông cười, bảo, đó là chuyện bình thường. “Thế mọi người không sợ rắn ẩn nấp đâu đó rồi cắn trộm?”. “Dân ở đây bắt rắn có nghề rồi cô ạ. Sợ con rắn chưa kịp tìm được chỗ ẩn nấp mới thì đã được đưa về chuồng... nhà người khác”.

Nói vậy thôi, chứ cái cảnh sống chung với rắn, mấy ai can đảm bảo là không sợ. “Sinh nghề, tử nghiệp”, cả làng Vĩnh Sơn đã có hơn chục người chết vì bị rắn hổ mang cắn. Loại rắn hổ mang phì mới là cực độc. Chỉ cần 1cc nọc độc của rắn hổ mang phì là đủ làm chết cả nghìn người.

“Ở làng này, ai nuôi rắn độc cũng bị vài ba chục nhát vào tay. Nhẹ thì tháo đốt, nặng thì chặt bỏ ngón… Ấy vậy mà nhiều người vẫn tự tin với kinh nghiệm bắt rắn tay không. Còn tôi, sau lần mất một ngón tay, không bao giờ chủ quan, ỉ lại vào kinh nghiệm nữa” – Ông Thủy nói.

Đồng tiền nào cũng phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, đôi khi bằng cả máu và mạng sống… Thế nhưng, ở làng rắn Vĩnh Sơn, bao thế hệ vẫn bám nghề và giữ nghề với một tình cảm và sự gắn bó đặc biệt. Không chỉ riêng những câu chuyện buồn vui với nghề nuôi rắn, nhiều năm qua, chuyện cái nghĩa láng giềng, cái tình hàng xóm vẫn luôn thắm đượm trong từng người dân làng Vĩnh Sơn.

Nếu không có cái nghĩa tình ấy, thì có lẽ, nhiều người đã không kịp giữ lại cả mạng sống cho mình.

Ông Hạ Văn Hùng kể, năm 2016, ở làng có người bị con rắn hổ mang cắn. Tình hình xác định không kịp chờ để đến viện cấp cứu. Người dân đã nhanh tay chế một ống nhựa dẫn khí luồn trực tiếp vào phế quản của nạn nhân. Sau đó đưa đi cấp cứu. Nhờ cái sáng kiến bất đắc dĩ đó mà nạn nhân đã được cứu sống.

Ông Hùng còn nói vui, ở làng rắn, nhà nào lắm tiền nhiều của cũng chẳng bằng lắm dây chun, thuốc chống sốc, chống dị ứng và nhiều số điện thoại sẵn trong nhà. Nào là số của xe chuyên chở người đi viện, số của hàng xóm, bạn bè, số của thầy lang, số của hội những người có kinh nghiệm chữa rắn cắn…

Với 850 hộ nuôi rắn, mỗi ngày do bất cẩn, dăm bảy người ở làng bị rắn vồ là chuyện bình thường. Thế nên có ông thầy lang Hạ Văn Vừa ở Vĩnh Sơn, nắm trong tay bài thuốc gia truyền, luôn trong tư thế sẵn sàng đấu tranh với “tử thần” giành giật lại sự sống cho nhiều người dân làng rắn.

Để không phải đối mặt với những sự trả giá được xem là “đắt đỏ” đó, nhiều người nuôi rắn đã tự bảo vệ mình bằng găng tay và nhiều biện pháp phòng vệ chủ động khác khi tiếp xúc với rắn. Tuy nhiên, cái sự chẳng may thì không ai nói trước được. Thế nên, chuyện ăn - ngủ với rắn, sống chết cùng rắn… vẫn diễn ra hằng ngày tại làng rắn Vĩnh Sơn.

Những năm gần đây, thay vì nuôi rắn theo kinh nghiệm truyền thống, các hộ đã đẩy mạnh việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, từ đó, sản lượng và chất lượng rắn ngày càng được nâng lên. Bên cạnh rắn thương phẩm, trứng rắn, người dân Vĩnh Sơn đẩy mạnh hoạt động chế biến các sản phẩm từ rắn như: Rượu rắn, nọc rắn, cao rắn và bắt đầu liên kết với các đơn vị làm ra các sản phẩm viên nang.

Mặc dù mang lại giá trị kinh tế cao, song, hiện nay, làng nghề rắn Vĩnh Sơn vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Các sản phẩm của làng nghề chưa được đa dạng hóa, các cơ sở chế biến sản phẩm làng nghề chủ yếu mang tính thủ công, xuất bán thô.

Đầu ra cho các sản phẩm trứng rắn và rắn thương phẩm hiện nay vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Song, việc xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn thông qua đường tiểu ngạch nên khó tránh khỏi bị thương lái Trung Quốc ép giá. Bên cạnh đó, việc tận dụng đất ở để làm nghề ngay trong khu dân cư cũng đặt ra nhiều vấn đề về an toàn cũng như vệ sinh môi trường tại địa phương.

Thiết nghĩ, việc quy hoạch và xây dựng Cụm làng nghề rắn Vĩnh Sơn nếu sớm được thực hiện, sẽ không chỉ giúp Vĩnh Sơn giải quyết được khó khăn về mặt bằng sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất mà còn tạo điều kiện để địa phương phát triển du lịch làng nghề.

Hoàng Cúc (Báo Vĩnh Phúc)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem