Nóng cuộc đua trung gian thanh toán, ngân hàng “buộc phải” trở về đúng quỹ đạo?
Hiện có nhiều kênh thanh toán hứa hẹn sẽ khuấy động thị trường thanh toán tại Việt Nam trong thời gian tới như ví điện tử, QR Code, gần đây kênh thanh toán Mobile Money cũng được cân nhắc xem xét.
Mảnh đất màu mỡ, xuất hiện nhiều "tân binh"
Thống kê cho thấy, bên cạnh hơn 40 ngân hàng đang cung cấp các dịch vụ thanh toán di động, 78 công ty fintech được cấp giấy phép hoạt động, còn có đến 30 trung gian thanh toán góp mặt trên thị trường, chủ yếu là ví điện tử.
Một số ví điện tử đang chiếm lĩnh thị trường hiện nay như MoMo, ZaloPay, Payoo, Moca... Chỉ riêng MoMo, số lượng ví tính đến nay tăng hơn 2 triệu so với cuối năm 2018, lên hơn 12 triệu ví và dẫn đầu về số lượng trên thị trường hiện nay.
Ngay cả các ngân hàng thương mại cũng đua nhau phát hành ví điện tử tích hợp vào ứng dụng của ngân hàng mình. Chẳng hạn như VPBank với ứng dụng YOLO, hay Ví Việt của LienvietPostBank, MSB có MEED, TPBank có QuickPay…
Cái tên mới nhất hiện nay là Công ty CP Giải trí di động (Me Corp, trụ sở tại TP HCM) cũng vừa được NH Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Hay như một "ông lớn" khác cũng được NH Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ ví điện tử là Công ty CP VinID (thuộc Tập đoàn Vingroup).
Cùng với ví điện tử, hiện nay cả 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VNPT (công ty mẹ của Vinaphone) đều đã triển khai đăng ký thêm ngành nghề "Trung gian thanh toán".
Đây không phải là trùng hợp ngẫu nhiên mà là động thái dọn đường cho việc ứng dụng thanh toán bằng tài khoản thuê bao di động (Mobile Money), dịch vụ cho phép chủ thuê bao di động thanh toán trực tiếp các giao dịch giá trị nhỏ bằng tài khoản viễn thông.
Cả 3 nhà mạng lớn này đều đã đề nghị Chính phủ cho phép cung cấp dịch vụ Mobile Money để giúp cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho các thuê bao của mình.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thanh toán điện tử cao nhất thế giới với tốc độ khoảng 35%/năm. Điều này dẫn tới sự phát triển nhanh và rất mạnh của các loại hình thương mại điện tử.
Còn theo kết quả khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2019 do PwC công bố, tỷ lệ người tiêu dùng tại Việt Nam sử dụng thanh toán di động tăng từ 37% năm 2018 lên 61% vào năm 2019, nhu cầu sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đã thay đổi mạnh mẽ. Đây là mảnh đất màu mỡ cho trung gian thanh toán phát triển.
Ngân hàng về đúng "quỹ đạo"?
Đánh giá về sự xuất hiện của nhiều "tân binh" mới trên thị trường thanh toán, chuyên gia tài chính ngân hàng Phạm Quốc Khánh cho rằng, tính đến hết tháng 6/2019, cả nước có 134,5 triệu thuê bao điện thoại di động, trong đó có 51,1 triệu thuê bao di động băng rộng nên nếu đưa vào sử dụng Mobile Money sẽ là đối thủ đáng gờm của các ví điện tử cũng như với dịch vụ thanh toán di động khác của các ngân hàng.
Vị chuyên gia này phân tích, nếu như muốn sử dụng ví điện tử, khách hàng cần có tài khoản ngân hàng và smartphone nên sẽ bị hạn chế số lượng người có điều kiện sử dụng. Trong khi đó, dịch vụ Mobile Money có thể cung cấp dịch vụ thanh toán bằng tài khoản viễn thông đến tất cả khách hàng sử dụng dịch vụ di động và thậm chí với điện thoại "cục gạch" cũng có thể dùng được nên có khả năng phủ đến mọi người dân.
Vì vậy, Mobile Money là cơ hội để mở ra không gian phát triển mới cho các công ty viễn thông trong bối cảnh các dịch vụ viễn thông truyền thống đang bão hòa. Xét về tiện ích, theo ông Khánh, Mobile Money rất phù hợp với quốc gia như Việt Nam. "Mobile Money cùng với sự có mặt của VinID trên thị trường thanh toán sẽ dẫn tới một sự "cải tổ" trong lĩnh vực này và buộc các ngân hàng về đúng quỹ đạo, đúng phân khúc của mình. Trọng trách của các ngân hàng nằm ở nhiều phân khúc khác. Hiện tại các ngân hàng Việt Nam đang "gánh" trên vai quá nhiều việc", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank Nguyễn Đình Thắng lại cho rằng, ngân hàng ủng hộ sự phát triển của mô hình Mobile Money. Bởi đây là hệ thống thanh toán nhỏ lẻ, không cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng. Thậm chí, lãnh đạo ngân hàng này còn kỳ vọng Mobile Money trở thành cánh tay nối dài của ngân hàng để tiếp cận khách hàng nhanh hơn.
Thực tế, dù Ví Việt của LienVietPostBank đang phát triển rất tốt, nhưng lại gặp khó khăn là người ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn không thể nạp tiền vào ví để chi tiêu. Do vậy, nếu cho phép mô hình này vận hành và Mobile Money được nạp tiền vào ví điện tử hoặc có hệ thống đại lý nạp tiền vào ví thì rất tốt.
Ông Nguyễn Tuấn Lương - Phó Tổng giám đốc VNPay cũng có quan điểm tương đồng, thay vì đối đầu, các công ty Fintech và ngân hàng nên bắt tay hợp tác. Công ty Fintech sẽ là cánh tay nối dài của ngân hàng, thông qua ứng dụng ngân hàng số của ngân hàng cung cấp dịch vụ đến người tiêu dùng.
"Hiện chúng tôi đang phát triển hệ sinh thái kết nối ngân hàng qua Mobile Banking, QR Code… giúp người dân tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt dễ dàng nhanh chóng như thanh toán viện phí, y tế, điện nước, viễn thông… Xu hướng hợp tác này đang phát triển rất tốt", ông Lương chia sẻ thêm.
Hiện, NHNN Việt Nam đang phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu và đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép thí điểm các tổ chức trung gian thanh toán và ngân hàng Việt Nam hợp tác thanh toán với tổ chức trung gian thanh toán, ngân hàng nước ngoài hay mô hình dịch vụ tương tự mô hình NHTM giao đại lý cung ứng các dịch vụ thanh toán.
NHNN cũng đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile Money), Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm (regulatory sandbox) cho hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng...