Nông dân kêu khó tạm trữ lúa gạo

Thứ tư, ngày 31/10/2012 09:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một số cơ quan nhà nước khăng khăng không bàn lùi phương án hỗ trợ trực tiếp cho nông dân tạm trữ lúa gạo, trong khi chính những người trong cuộc đã nhìn thấy sự bất khả thi.
Bình luận 0

Theo khảo sát của NTNN, ngoài hệ thống kho doanh nghiệp đã hình thành từ nhiều năm nay, các hộ nông dân cũng như hợp tác xã tại vùng ĐBSCL rất ít đầu tư làm kho đủ tiêu chuẩn để tự trữ lúa gạo. Theo tập quán, bà con chỉ để bồ hoặc kho tạm cạnh chái bếp để dành chút lúa cho nhu cầu trong nhà, còn thì bán ngay khi gặt, phần lớn bán ngay tại ruộng.

img
Nhiều nông dân ngại dự trữ lúa (ảnh minh họa).

Nhiêu khê chuyện cái kho

Nông dân Huỳnh Thanh Sơn ở Thạnh Hóa (Long An), cho biết: “Để tạm trữ lúa được an toàn thì phải xây được nhà kho cỡ bán kiên cố, mà nông dân lấy tiền đâu để xây kho?”.

Theo tính toán của anh Sơn, để xây được nhà kho tạm trữ 5 tấn lúa có nền hạ chắc chắn, đảm bảo chống sụt lún cũng như tránh ngập nước khi trời mưa, nông dân phải đầu tư ít nhất 15 – 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, chưa tính phí lò sấy và tiền thuê ghe chở lúa, nông dân muốn sấy 5 tấn lúa phải tốn thêm 500.000 đồng tiền vận chuyển, bốc xếp từ ruộng đến lò sấy. “Tiền lãi suất hỗ trợ tạm trữ là 1,2 triệu đồng (theo dự thảo), trừ 500.000 đồng phí vận chuyển lúa đi sấy, trừ thêm phí sấy lúa khoảng 500.000 đồng nữa, chỉ còn vỏn vẹn 200.000 đồng cho khấu hao nhà kho và công bảo quản lúa này nọ không biết có đủ không?” - anh Sơn tính rành rọt.

Ông Nguyễn Văn Cường ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành (An Giang), cũng cho rằng, việc phơi sấy trong vụ đông xuân thì còn dễ chứ vụ hè thu mưa nhiều, lúa ngập nước, không xử lý kịp, lúa sẽ lên mầm, thối hạt.

Xây kho, nông dân lỗ nhiều hơn?

Ông Trần Thanh Bình – Tổ trưởng Tổ hợp tác ấp Đắc Thắng (xã Hồ Đắc Kiện, Châu Thành, Sóc Trăng), thì cho biết, hầu hết nông dân sau khi thu hoạch đều phải bán lúa tại ruộng để có tiền lo cho chi tiêu của gia đình. “Tạm trữ 5 tấn lúa, nghĩa là giam khoảng 30 triệu đồng trong nhà thì nông dân lấy tiền đâu để trang trải các khoản?” - ông Bình giải thích.

“Để tạm trữ lúa được an toàn thì phải xây được nhà kho cỡ bán kiên cố, mà nông dân lấy tiền đâu để xây kho?”.

Còn theo một chuyên gia có hàng chục năm theo dõi ngành lúa gạo, với mức hỗ trợ lãi suất như dự thảo về tạm trữ lúa gạo của Bộ NNPTNT hiện nay nhiều khả năng nông dân chịu phần lỗ hơn là có lãi sau 3 tháng tạm trữ. “Bỏ công bỏ sức bảo quản 5 tấn lúa trong 3 tháng chỉ để thu về 200.000 đồng, liệu có bao nhiêu người sẵn sàng tham gia chương trình?”. Đó là chưa kể sau khi tạm trữ, chất lượng lúa sụt giảm, doanh nghiệp chê, không mua hoặc mua giá thấp thì ai là người chịu trách nhiệm?” - chuyên gia này nói.

Anh Huỳnh Thanh Sơn cho rằng, nông dân ĐBSCL dù rất hào hứng khi nghe chủ trương hỗ trợ trực tiếp cho nông dân của Bộ NNPTNT, nhưng với phương thức theo như dự thảo thì ông thà bán lúa tươi tại ruộng, giá thấp chút nhưng lấy tiền ngay, đỡ vất vả và tránh được nhiều rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tạm trữ. Anh Sơn nêu nguyện vọng: “Nếu được, khi nào giá lúa xuống sâu thì Nhà nước dựa vào diện tích đất canh tác của từng hộ mà hỗ trợ trực tiếp một khoản để họ đầu tư vụ mới, vừa đơn giản, vừa công bằng cho tất cả nông dân”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem