Long An: Nông dân kêu khó xuất khẩu thanh long vì vướng bản quyền bảo hộ

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 12/07/2022 12:35 PM (GMT+7)
Trong khi các nông dân trồng thanh long ruột đỏ LD1 ở Long An đang kêu khó vì giống đã được bán bản quyền cho doanh nghiệp thì phía Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam và đại diện công ty cam kết sẵn sàng hỗ trợ người dân trong việc chứng nhận xuất xứ.
Bình luận 0

Nông dân kêu khổ vì thanh long ruột đỏ LD1 đã bị bán bản quyền

Chia sẻ với Dân Việt sáng 12/7, ông Nguyễn Vạn Thành, Giám đốc Hợp tác xã thanh long Vạn Thành (xã Hiệp Thạnh, Châu Thành, Long An) cho biết, các thành viên của hợp tác xã đang gặp khó khăn trong việc chứng nhận nguồn gốc xuất xứ giống thanh long ruột đỏ LD1 liên quan đến việc bản quyền giống.

Mọi chuyện bắt đầu từ khi Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam quyết định bán bản quyền giống thanh long LD1 cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit với giá 5 tỷ đồng vào ngày 15/5/2017. 

Nhưng trước đó, nông dân ở Châu Thành đã mua giống từ Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam về trồng với diện tích giống thanh long LD1 lên đến 7.000 – 8.000ha.

Nông dân kêu khổ vì khó xuất khẩu thanh long do bản quyền đã bán cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Vạn Thành, Giám đốc Hợp tác xã thanh long Vạn Thành (Châu Thành, Long An) cho biết, các thành viên của hợp tác xã đang gặp khó khăn trong việc chứng nhận nguồn gốc xuất xứ giống thanh long ruột đỏ LD1 liên quan đến việc bản quyền giống. Ảnh: Báo Long An.

Theo ông Thành, do bản quyền giống thanh long LD1 hiện đã thuộc về Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit nên các cơ sở, hợp tác xã, nông dân muốn xuất khẩu thanh long gặp nhiều khó khăn.

"Hiện nay, các thị trường nhập khẩu đều đòi hỏi phải có nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, trong tờ khai hải quan phải thể hiện nguồn gốc giống đó ở đâu, như vậy, nếu chúng tôi muốn xuất khẩu thanh long phải có chứng nhận của Công ty Hoàng Phát Fruit về xuất xứ. Chúng tôi rất lo phải mất thêm phí bản quyền thì mới có thể xuất khẩu", ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, hiện nay, thị trường xuất khẩu cho trái thanh long ruột đỏ LD1 rất rộng mở, nhưng đang rất khó khăn trong việc chứng nhận nguồn gốc xuất xứ.

"Chúng tôi mua giống thanh long ruột đỏ LD1 của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam để sản xuất, giờ viện bán bản quyền giống đó cho doanh nghiệp, chúng tôi biết phải làm sao để đảm bảo đủ chứng nhận, điều kiện phục vụ xuất khẩu", ông Thành nói.

Khi được hỏi, hiện đã bị thu phí bản quyền giống thanh long LD1 chưa thì ông Thành cho biết: "Hiện chưa mất tiền nhưng đang gặp khó trong việc chứng nhận nguồn gốc xuất xứ".

Nông dân kêu khó khi vướng bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1, viện nghiên cứu, doanh nghiệp nói gì?

Trong khi đó, đại diện đơn vị lai tạo giống, TS.Trần Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, cho biết, Viện không bán đại trà giống thanh long LD1 cho nông dân mà chỉ bán một số lượng hạn chế để thực hiện khảo nghiệm. Sau đó, thấy hiệu quả, bà con tự nhân giống bán cho nhau nên Viện không thể can thiệp được.

Nông dân kêu khổ vì khó xuất khẩu thanh long do bản quyền đã bán cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Ngày 15/5/2017, TS Nguyễn Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam trao bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1 cho ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit. Ảnh: VNCCAQMN.

"Lúc đó, Viện chỉ thực hiện khảo nghiệm diện hẹp nhưng bà con đã tự động nhân giống bán cho nhau. Thực tế, chúng tôi nghiên cứu được khoảng 14 dòng thanh long ruột đỏ, về nguyên tắc các dòng đều phải trải qua thời gian khảo nghiệm rồi mới được công nhận giống chính thức", bà Yến cho biết.

Khẳng định việc Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam bán bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1 cho Công ty Hoàng Phát Fruit là hoàn toàn đúng quy định pháp luật, bà Yến cho rằng, việc đảm bảo bản quyền giống là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi chung của nông dân và doanh nghiệp.

"Thực tế, đã có nhiều loại giống chất lượng của Việt Nam bị nước ngoài đăng ký mất bản quyền ở thị trường nước ngoài nên không thể xuất khẩu sang thị trường đó. Câu chuyện gạo ST25 bị doanh nghiệp ở Mỹ đăng ký bản quyền ở thị trường đó là một ví dụ", bà Yến nói.

Cũng theo bà Yến, khi bán bản quyền giống thanh long LD1 cho Công ty Hoàng Phát Fruit, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đã làm việc với doanh nghiệp và đề nghị doanh nghiệp phải đảm bảo quyền lợi cho nông dân và bên Hoàng Phát cũng cam kết sẵn sàng hợp tác với nông dân sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu.

"Phía Hoàng Phát khẳng định sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ nông dân đã dùng giống khảo nghiệm của Viện trước đây, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cũng sẵn sàng chứng nhận. Tuy nhiên, đối với những diện tích bà con tự nhân rộng thì bà con cần đàm phán với Hoàng Phát, quan trọng là thanh long của bà con trồng có đúng dòng LD1 hay không vì thực tế có nhiều dòng do viện nghiên cứu", bà Yến nói thêm.

Nông dân kêu khổ vì khó xuất khẩu thanh long do bản quyền đã bán cho doanh nghiệp - Ảnh 3.

Chứng nhận bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1.

Trả lời câu hỏi của Dân Việt về việc Hoàng Phát có được thu phí bản quyền không, bà Yến cho rằng: "Hoàng Phát có quyền thu phí nhưng tôi nghĩ không đáng kể, công ty cũng hứa sẽ hợp tác, hỗ trợ nông dân, trong trường hợp có gì khó khăn người dân có thể nhờ chính quyền can thiệp", bà Yến nói.

Cũng theo bà Yến, thực tế, vấn đề bản quyền giống đang khiến những đơn vị nghiên cứu như Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đau đầu dù quá trình nghiên cứu, lai tạo được một giống mới rất vất vả. Do vậy, theo bà Yến, hành lang pháp lý về bản quyền giống cần chặt chẽ hơn, đồng thời ngành chức năng cũng phải tăng cường kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.

Trao đổi với Dân Việt sáng 12/7, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit cho biết, việc doanh nghiệp quyết định mua giống thanh long ruột đỏ LD1 là hoàn toàn theo đúng thông lệ quốc tế về bản quyền giống cây trồng.

"Nếu không kịp thời mua bằng bảo hộ, với những giống có chất lượng như thanh long ruột đỏ LD1 sẽ rất dễ bị "cướp tay trên". Thực tế, nếu chúng ta không bảo hộ sớm, Campuchia cũng sẽ đăng ký bảo hộ giống thanh long này tại thị trường Nhật Bản và khi đó chúng ta mất quyền xuất khẩu", ông Huy nêu một thực tế.

Theo ông Huy, việc doanh nghiệp và viện nghiên cứu hợp tác mua bản quyền giống cây trồng các nước tiên tiến trên thế giới đã làm từ lâu để đảm bảo minh bạch nguồn gốc xuất xứ và cũng là con đường tất yếu.

"Tuy nhiên, khâu quản lý giống của chúng ta còn nhiều kẽ hở, bởi ngay cả khi giống thanh long ruột đỏ LD1 mới trong giai đoạn khảo nghiệm thì đã có những cơ sở sản xuất, kinh doanh giống tự ý nhân giống và bán cho người dân", ông Huy nêu một thực tế.

Ông Huy cũng cam kết, sẵn sàng hợp tác với các cơ sở trồng thanh long chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, ghi tên khoa học để đảm bảo các yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem