Nông dân ngụp lặn trong bão giá, Hà Nội lo ngành chăn nuôi bất ổn

Nguyễn Ngọc Sơn Thứ hai, ngày 14/03/2022 08:00 AM (GMT+7)
Dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp, cộng với chiến sự Nga – Ukraina không ngừng leo thang, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã khiến người chăn nuôi Hà Nội đứng trước nhiều thách thức, khó hoạch định cho tương lai.
Bình luận 0

Nông dân ngụp lặn trong bão giá thức ăn chăn nuôi, Hà Nội lo ngành chăn nuôi bất ổn

Thành phố Hà Nội hiện có 7.528 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ, bao gồm 110 trang trại lớn, 1.609 trang trại vừa, 5.809 trang trại nhỏ.

Về số lượng, đàn trâu đạt 27,5 nghìn con, tăng 5,4% so với cùng kỳ; đàn bò 130,5 nghìn con, tăng 0,1%; đàn lợn 1,37 triệu con, tăng 09%, đàn gia cầm là 39,9 triệu con, tăng 2,1% so với cùng kỳ.

Sản lượng trâu hơi xuất chuồng ước tính đạt 1.871 tấn, tăng 6,2%; bò hơi 10.608 tấn, tăng 0,4%; lợn hơi 228,3 nghìn tấn, tăng 11,1%; gia cầm hơi 164,6 nghìn tấn, tăng 5,9%.

Bên cạnh đó, người chăn nuôi Thủ đô còn sản xuất khoảng 2.564 triệu quả trứng/năm. Sản lượng sữa bò tươi đạt 38,7 nghìn tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, bước sang năm 2022, nông dân cũng như ngành chăn nuôi của Thủ đô đứng trước những thách thức lớn.

Nông dân ngụp lặn trong bão giá, Hà Nội lo ngành chăn nuôi bất ổn - Ảnh 1.

Mô hình nuôi bò lai F1 BBB tại xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì, Hà Nội) đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hữu Tiệp

Về thị trường sản phẩm chăn nuôi chắc chắn có nhiều biến động đáng kể, khó lường. Từ năm 2021 đến 3 tháng đầu năm 2022, giá lợn hơi xuất chuồng biến động quá mạnh, dao động từ 40.000 – 75.000 đồng/kg. Đặc biệt có thời điểm giá lợn hơi giảm chỉ còn 30.000 – 35.000 đồng/kg do ảnh hưởng của giãn cách xã hội và dịch bệnh DTLCP tại một số huyện.

Thời gian tới, khi mà dịch bệnh Covid vẫn diến biến phức tạp, cộng với Chiến sự ở Nga – Ukraina không ngừng leo thang, Chính phủ cho mở cửa du lịch thì giá thịt lợn chắc chắn có nhiều biến động, người chăn nuôi khó tính toán được việc nhập đàn, tái đàn, xây dựng kế hoạch, quy mô sản xuất.

Với sản phẩm gia cầm, hiện nay Hà Nội đã đáp ứng cơ bản nhu cầu cho người dân Thủ đô nên dự báo giá gia cầm sẽ không có biến động nhiều. Song giữa giá gà công nghiệp và giá gà lông màu sẽ chênh nhau khá nhiều. Có thời điểm, giá gà lông trắng giảm chỉ còn dưới 15.000 đồng/kg do giãn cách xã hội. Trong khi giá gà lông màu khá ổn định, bình quân dao động từ 50.000 – 70.000 đồng/kg.

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tiếp tục nhiều biến động, đây sẽ là thách thức lớn nhất đối với ngành. Vừa ảnh hưởng của dịch Covid, vừa ảnh hưởng của xung đột chính trị giữa Nga – Ukraina thì chắc chắn việc nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về Việt Nam sẽ rất khó khăn.

Trong năm qua, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 20-40% tùy loại, dẫn đến giá thức ăn hỗn hợp tăng cao. Nguyên nhân dẫn đến tăng giá thức ăn chăn nuôi là giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới đều tăng cao do chi phí sản xuất tăng cao, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng, các quỹ đầu tư lớn chuyển hướng sang đầu cơ nông sản và Trung Quốc tăng mua ngũ cốc phục vụ sản xuất, chăn nuôi trong nước.

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 nên chi phí vận chuyển tăng cao, trung bình từ 200-300% so với bình thường. Giá xăng dầu trên toàn cầu tăng mạnh trực tiếp ảnh hưởng đến việc lưu thông vận chuyển tất cả các mặt hàng liên quan đến chăn nuôi như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật…

Chi phí đầu vào tăng cao sẽ gây biến động khó lường đến cục diện chung của ngành.

Trong khi đó, dịch bệnh truyền nhiễm trên người (dịch Covid) và động vật (Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục trên trâu bò...) vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; tác động rất lớn đến chuỗi cung ứng trong nước cũng như toàn cầu, làm phát sinh những biến động lớn của thị trường.

Bệnh mới, chủng mới xuất hiện ngày càng nhanh, nhiều (năm 2021 Hà Nội đã xuất hiện chủng mới Cúm A/H5N8), công tác phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, khi chăn nuôi càng thâm canh, mật độ cao, nếu không đảm bảo an toàn sinh học sẽ làm phát sinh các dịch bệnh, tình trạng kháng kháng sinh trên vật nuôi và cả con người sẽ gia tăng.

Toàn cầu hóa về thị trường xen lẫn các hình thức bảo hộ sản xuất và chiến tranh thương mại tác động lớn các chuỗi cung ứng; cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi ngày càng diễn ra căng thẳng khi Việt Nam là thành viên, đối tác tham gia 17 hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới…

Yêu cầu sản phẩm chăn nuôi ngày càng phải ngon hơn, an toàn thực phẩm cao hơn, giá thành sản xuất phải rẻ hơn mới tạo được lợi thế cạnh tranh.

Nông dân ngụp lặn trong bão giá, Hà Nội lo ngành chăn nuôi bất ổn - Ảnh 3.

Trang trại chăn nuôi gà tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: N.N.S

Hà Nội là thành phố có số đầu gia súc gia cầm lớn, đứng tốp đầu cả nước cũng bị tác động trực tiếp, liên quan nhiều đến thị trường tiêu thụ.

Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 tạo ra những đột phá trong quản lý, quản trị và sản xuất với xu hướng và yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi số gắn với chăn nuôi công nghệ cao; các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiêp tuần hoàn, nông nghiệp số; đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Nếu ngành căn nuôi Hà Nội không đổi mới, tăng khả năng thích ứng và bắt kịp xu hướng phát triển thì mất cơ hội cạnh tranh, rất khó khôi phục, hội nhập.

Vậy cơ hội và giải pháp cho ngành chăn nuôi Hà Nội là gì?

Về cơ hội năm 2022 đối với ngành chăn nuôi sẽ là rất lớn, từ cuối tháng 3/2022 Việt Nam sẽ mở cửa du lịch. Số lượng người đi du lịch trong nước cũng như khách du lịch đến Việt Nam tăng mạnh, đây chính là cơ hội lớn để việc sử dụng động vật, sản phẩm động vật tăng nhanh.

Hà Nội hiện đã và đang có nhiều chính sách phát triển chăn nuôi, đó là chính sách về hỗ trợ giống, phòng chống dịch bệnh, liên kết tiêu thụ sản phẩm; thực hiện tái cấu trúc ngành chăn nuôi.

Riêng với chăn nuôi bò sữa, bò thịt, Thành phố đã ban hành kế hoạch phát triển giai đoạn 2022- 2025 và hiện nay mới đáp ứng khoảng trên 20%, còn lại vẫn phải nhập từ các tỉnh và nước ngoài.

Để thích ứng với tình hình và bối cảnh mới, ngành chăn nuôi Hà Nội đã đề ra một số giải pháp:

Tập trung phát triển theo hướng sản xuất giống, thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện quản lý giống vật nuôi theo Luật Chăn nuôi, tổ chức kiểm tra, đánh giá để tiếp tục nâng cao chất lượng giống.

Tăng cường chỉ đạo phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường. Khuyến khích phát triển chăn nuôi tuần hoàn, theo chuỗi khép kín, chăn nuôi hữu cơ, thực hành chăn nuôi tốt.

Xây dựng mã định danh quốc gia cho cơ sở chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi gắn với chuyển đổi số. Triển khai các kênh theo dõi sát diễn biến về thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới.

Tăng cường giám sát, quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi. Phối hợp với các tổ chức khoa học, doanh nghiệp để nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển sản xuất thức ăn cho gia súc ăn cỏ.

Về môi trường và công nghệ chăn nuôi, tập trung thực hiện việc tổng hợp, cập nhật dữ liệu môi trường chăn nuôi 2022 về số trang trại lớn, vừa, nhỏ; nông hộ; xử lý chất thải; các loại công nghệ áp dụng.

Tổng hợp dữ liệu, đôn đốc triển khai nội dung trong Luật Chăn nuôi và Thông tư 23 về điều kiện chăn nuôi. Tổ chức tốt việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi trang trại quy mô lớn; quy định mật độ; chính sách hỗ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi tại các quận (theo Nghị quyết 02 ngày 7/7/2020 của HĐND Thành phố).

Làm việc với các huyện chuẩn bị lên quận (Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì) để rà soát hạn chế chăn nuôi.

Khảo sát công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi, công nghệ chuồng trại, đánh giá cho phù hợp với quy mô chăn nuôi trang trại, khoảng cách chăn nuôi.

Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh; tổ chức tốt việc tổng tẩy uế môi trường để ngăn chặn, hạn chế các mầm bệnh, nhất là đối với các bệnh mới, chủng mới (Cúm A/H5N8, A/H5N9…). Củng cố, nâng cấp chuồng trại nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết.

Tổ chức xây dựng các vùng an toàn dịch, cơ sở an toàn dịch, tập trung ở các xã, vùng trọng điểm, các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại.

Phối hợp với Cục Chăn nuôi để tổ chức xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi, hỗ trợ công tác quản lý, thống kê, truy xuất nguồn gốc nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Tăng cường xây dựng liên kết dọc và liên kết ngang để tiếp cận vào chuỗi giá trị sản phẩm của các doanh nghiệp, chủ động tiêu thụ sản phẩm và cân đối cung cầu. Tổ chức kết nối, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, công ty chăn nuôi mở rộng thị trường, đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi...


 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem