Nông dân trả đất lúa chỉ là cá biệt (!?)

Thứ năm, ngày 29/08/2013 08:25 AM (GMT+7)
“Thời gian qua, nông dân chuyển sang trồng màu là bị xử lý. Hiểu như thế là không đúng tinh thần, chủ trương của Đảng, Nhà nước” - Bộ trưởng Đam nói tại họp báo chiều 28.8 về phiên họp Chính phủ 8.2013.
Bình luận 0
Giữ CPI cả nămở mức 7%

Trong 2 ngày 27 - 28.8, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8. Thảo luận tình hình, trong 8 tháng đầu năm, các bộ ngành địa phương đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm có những chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Song những kết quả đạt được còn chưa vững chắc, có mặt còn chậm, có mặt còn giảm. Thủ tướng đặt ra nhiệm vụ những tháng cuối năm 2013 với tinh thần chung là tiếp tục kiên định, không chủ quan, lơ là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời phải duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý, khoảng 5,4%.

img
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 8. 2013 của Chính phủ.

Tại cuộc họp báo sau phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ thêm: Tốc độ cải thiện của nền kinh tế vẫn chậm. Tốc độ tăng trưởng của các lĩnh vực như công, nông nghiệp, dịch vụ không cao như mong muốn. Đặc biệt trong tháng 8, chỉ số CPI tăng vọt lên 0,83%, lý do một phần bởi chính sách tiền tệ, một phần do giá cả, cụ thể do điều chỉnh một bước giá dịch vụ y tế ở Hà Nội.

“Như vậy, bình quân 8 tháng năm 2013, CPI tăng ở mức 6,9%. Trong những tháng cuối năm, còn có một số yếu tố tác động khiến CPI có thể tăng, tuy nhiên, Chính phủ vẫn chủ động điều hành để làm sao chỉ số CPI cả năm giữ ở mức 7%” - Bộ trưởng Đam khẳng định.

Hiểu linh hoạt hơn về việc chuyển đổi đất lúa

Trả lời câu hỏi của báo giới về quan điểm của Chính phủ trước tình trạng hiện nay tại một số địa phương ở khu vực miền Bắc, người nông dân bỏ ruộng, trả đất lúa (NTNN đã phản ánh), người phát ngôn của Chính phủ cho biết: Hiện tượng một số địa phương người dân trả đất lúa chỉ là rất cá biệt, chứ không phải trên phạm vi cả nước. Chúng ta cần phải nhìn nhận thực tế, đất nước ta là đất nước nông nghiệp, mấy chục năm trước đây ta còn không đủ ăn. Nhờ đổi mới chính sách về nông nghiệp, giờ chúng ta vươn lên, đứng trong top đầu thế giới về xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, bên cạnh đó đảm bảo được an ninh lương thực. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nêu ra rằng, VN chỉ cần làm lúa ở mức đủ dùng, không cần trở thành nước xuất khẩu gạo số 1, số 2 thế giới (?).

Tuy nhiên, Chính phủ nhận thấy, thực tế nhiều vùng nông thôn, nhất là ở khu vực ĐBSCL, thói quen canh tác của người nông dân nhiều đời vẫn chỉ là trồng lúa vì phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đấy. Vì thế, Đảng và Nhà nước vẫn khuyến khích nông dân trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực. Không chỉ vậy, chúng ta còn coi đây là một ngành sản xuất. Nếu có đầu tư và định hướng đúng mức sẽ đạt hiệu quả.

Còn về chủ trương giữ 3,8 triệu ha đất lúa mà Đảng đề ra, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng cần phải hiểu một cách linh hoạt đất lúa ở đây là đất nông nghiệp, có thể chuyển đổi cây trồng phù hợp trên diện tích này chứ không phải nhất thiết trồng lúa. “Thời gian qua, có nhiều khu vực chỉ cho nông dân trồng lúa trên đất lúa mặc dù có thể canh tác được những cây khác cho năng suất, giá trị cao hơn. Nông dân chuyển sang trồng màu là bị xử lý. Hiểu như thế là không đúng tinh thần chủ trương của Đảng, Nhà nước” - Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Không tăng giá điện 2 lần trong 3 tháng

Với câu hỏi: Trong cuộc họp báo tháng trước, Bộ trưởng vừa khẳng định giá điện chưa thể tăng ngay và nếu có ý định tăng, EVN phải xin ý kiến nhân dân thì ngay hôm sau, EVN đã quyết định tăng giá điện thêm 5%. Trong phiên họp lần này, Chính phủ lại bàn về giá điện, người dân có nên lo lắng về một đợt tăng giá điện tiếp theo? Bộ trưởng Đam, thay mặt Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, cho biết: Bộ trưởng Hoàng đã thừa nhận trong đợt tăng giá điện vừa qua, Bộ Công Thương đã chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích cho nhân dân. Vì thế, bộ sẽ rút kinh nghiệm và làm tốt hơn trong thời gian tới. Còn về chuyện liệu có tăng giá điện lần nữa, Chủ nhiệm VPCP khẳng định: Theo quy định, sẽ không có chuyện tăng giá điện 2 lần trong 3 tháng!

Về vụ nhân bản kết quả xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), Bộ trưởng Vũ Đức Đam chia sẻ: Chúng ta (kể cả Bộ trưởng Y tế) có thể dùng từ “không thể chấp nhận được” với những tiêu cực kiểu như vậy vì đây là chuyện liên quan tới sức khỏe, tính mạng của con người. “Đây là một bài học đau xót, một cơ hội để ngành y tế chấn chỉnh nghiêm khắc trong toàn ngành” - Chủ nhiệm Vũ Đức Đam nhấn mạnh.


Một vấn đề cũng khá thu hút sự quan tâm của dư luận liên quan tới chuyện lãnh đạo của một số doanh nghiệp (DN) công ích của TP.HCM có thu nhập tới 2,6 tỷ đồng/năm, Bộ trưởng Vũ Đức Đam giải thích: Lương của DN và các viên chức quản lý các doanh nghiệp nhà nước đã được quy định tại các Nghị định 50, 51 của Chính phủ một cách hết sức chặt chẽ, rõ ràng. Theo đó, mức lương cao nhất là của chủ tịch HĐQT tập đoàn, tổng công ty với mức lương là 36 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, trường hợp DN đó kinh doanh tốt, mức thu nhập được phép tăng, nhưng không quá 1,5 lần mức lương.

“Còn mức lương của lãnh đạo các DN công ích của Nhà nước ở TP.HCM như thế là không đúng quy định và phải xử lý, thẩm quyền xử lý thuộc về địa phương quản lý các DN đó”- Bộ trưởng Đam khẳng định. Chia sẻ thêm về mức lương hiện tại của Thủ tướng, Bộ trưởng Đam cho biết không nắm rõ cụ thể là bao nhiêu. “Nhưng theo tôi nhớ, mức lương cao nhất của đồng chí lãnh đạo Nhà nước hưởng theo hệ số là 14, nghĩa là trên 15 triệu đồng/tháng. Còn Thủ tướng chưa phải là người hưởng mức cao nhất”- ông Đam nói.
Hải Phong (Hải Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem