Nông dân Việt Nam xuất sắc: Những "cột mốc sống” ngoài biển khơi

Nguyên An Thứ ba, ngày 11/10/2022 15:25 PM (GMT+7)
Không chỉ bám biển, giỏi làm ăn, nhiều lão ngư là nông dân Việt Nam xuất sắc trong hành trình 10 năm qua còn can trường, dũng cảm, luôn nêu cao ý thức bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo của Tổ quốc, được người dân địa phương ví như những “cột mốc sống” ngoài biển khơi.
Bình luận 0

Khi lòng dân hướng về chủ quyền biển đảo, sức mạnh của thế trận biên phòng toàn dân được nhân lên. Ngư dân chính là chỗ dựa vững chắc cho bộ đội biên phòng trong thực thi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển, đảo của Tổ quốc. Ngư dân được ví như những "cột mốc sống" khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia trên biển, đảo.

Giữ cột mốc như giữ nhà mình vậy!

Ở đất Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu không ai không biết đến người đàn ông này. Không phải vì ông giầu nhất, cũng không phải vì ông có quyền chức lớn nhất. Mà bởi, ông được mệnh danh là người ngư phủ có trái tim Đan Kô dũng cảm vô song. Ông là Nguyễn Trính, người ngư dân của mảnh đất đỏ miền Đông Nam Bộ, Long Hải, Phước Tỉnh.

Còn nhớ, cách đây hàng chục năm, biển Đông lúc ấy đang dậy sóng, ngư dân Việt Nam đi đánh bắt xa bờ thường bị chèn ép, đánh chặn, cướp phá hải sản. Nguyễn Trính đã xây dựng đội quân tự vệ trên biển, thường xuyên diễn tập và liên kết với Ban chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, BCH Quân sự xã Phước Tỉnh, đáp ứng mọi tình huống ngoài khơi xa khi có điều động từ trên.

Nông dân Việt Nam xuất sắc: Những "cột mốc sống” ngoài biển khơi - Ảnh 1.

Lão ngư Nguyễn Trính cùng một lúc làm chủ 2 doanh nghiệp lớn là HTX dịch vụ khai thác thủy sản Quyết Thắng và Công ty sửa chữa tầu thuyền Tân Bền.

Chưa hết, cũng từ năm 2008, ông cũng tình nguyện đưa đội tàu gồm 4 chiếc, chở bộ đội biên phòng, hải quân, từ trong bờ đi ra nhà giàn DK1 trong điều kiện hết sức khó khăn.

Năm 2010, ông lại tình nguyện đăng ký đến 6 chiếc tàu tham gia đi quần đảo Trường Sa, luôn trong tình trạng sẵn sàng, phục vụ bất kỳ lúc nào xã cần, huyện cần, đất nước cần.

Năm 2014, khi giàn khoan HD981 tiến vào sâu trong thềm lục địa của ta, Nguyễn Trính ngay lập tức lại bàn giao 6 chiếc tàu với đầy đủ trang bị, sẵn sàng lên đường bám biển, bám ngư trường, phục vụ cho công tác của BCH quân sự tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Tất cả các đội tàu ấy, đều được Nguyễn Trính âm thầm chuẩn bị, lặng lẽ bàn giao và tận hiến sức lực của mình mà chẳng đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào. Khi được hỏi vì sao, nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 chỉ cười và nói: Khi Tổ quốc cần, khi biển gọi, tôi có thể hiến tặng cả trái tim mình….

Hiện, lão ngư Nguyễn Trính cùng một lúc làm chủ 2 doanh nghiệp lớn là HTX dịch vụ khai thác thủy sản Quyết Thắng và Công ty sửa chữa tầu thuyền Tân Bền, số lao động địa phương thu hút được lúc nào cũng trên 100 người, thu nhập bình quân từ 180-200 triệu đồng/người/năm. Tổng thu nhập của năm đạt 25 tỷ đồng, đóng góp thuế cho Nhà nước 480 triệu đồng/năm.

Vài năm trở lại đây, mặc dù bị đại dịch Covid-19 tràn qua, để lại không ít hậu quả nhưng xưởng đóng tàu Tân Bền của ông vẫn có doanh thu lên tới hàng chục tỷ đồng. Chưa hết, tại đây thu hút tới 100 công nhân, thợ đóng tàu lành nghề của địa phương, tạo thu nhập trung bình mỗi người cũng gần chục triệu đồng mỗi tháng.

Vừa bám biển, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Lênh đênh sóng biển từ năm 13 tuổi, cậu bé ngày nào nay đã trở thành một ngư dân bản lĩnh. Ông tên là Lê Văn Chiến (56 tuổi, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).

Thuyền trưởng Chiến là cái tên không còn xa lạ gì đối với người dân làng biển Xuân Hà nói riêng và ngư dân Đà Nẵng nói chung. Hơn 40 năm theo tàu đối mặt với sóng dữ, chèo lái con thuyền vượt qua bao khó khăn, hiểm nguy, giúp đời, nên ông được mọi người quý trọng, kính nể.

Nông dân Việt Nam xuất sắc: Những "cột mốc sống” ngoài biển khơi - Ảnh 1.

Việc tham gia đánh bắt xa bờ của ông Lê Văn Chiến vừa để làm kinh tế, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Ảnh: Trần Hậu

Nhiều năm trước, biển cả thuận lợi, ông Chiến đánh bắt xa bờ 7-8 chuyến mỗi năm. Nhưng gần đây gặp nhiều khó khăn nên số chuyến đi giảm hẳn, chỉ chừng 4-5 chuyến/năm.

Ông Chiến kể: "Mới đầu, tôi làm lái tàu cho những chủ tàu trong vùng, sau nhiều năm tích góp và vay mượn thêm nhiều nơi thì tôi đã làm thuyền trưởng trên chính con tàu do mình làm chủ. Đến năm 2013, tôi mạnh dạn vay vốn để đóng mới con tàu vỏ gỗ công suất lớn 840CV, mang biển số ĐNa 90351TS. Đồng thời đầu tư, mua sắm trang thiết bị hiện đại để giúp tôi thực hiện khát khao vươn khơi làm giàu, bám biển dài ngày hơn".

Ông Chiến chia sẻ, đối với một người làm thuyền trưởng, thì niềm vui lớn nhất là đưa cả đoàn cập bến bình an với một khoang tàu đầy ắp cá tôm. Dẫu biết biển cả lắm gian nan, trắc trở, nhưng biển chính là hơi thở, là quê hương in sâu trong máu thịt của những người con sinh ra và lớn lên từ biển như ông.

Còn nhớ, năm 2014, những ngày bám trụ trên biển để tham gia đẩy đuổi tàu Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương–981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước ta là kỷ niệm mà ông Chiến không bao giờ quên được.

Nông dân Việt Nam xuất sắc: Những "cột mốc sống” ngoài biển khơi - Ảnh 2.

Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Chiến còn giải quyết hàng chục lao động có thu nhập ổn định. Ảnh: Trần Hậu

Thay lá cờ mới cho tàu, ông Chiến bồi hồi nói: "Nghề nào cũng có nhiều khó khăn, nhưng với nghề đi biển, không yêu nghề thì không thể gắn bó lâu dài. Biển là hơi thở, là cuộc sống và là một phần máu thịt, nên dù gặp nhiều khó khăn nhưng tôi chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Cứ khi nào còn sức khoẻ là tôi còn dong thuyền ra khơi đánh bắt".

Hiện, ông Chiến là Đội trưởng Đội dân quân tự vệ biển của quận, uỷ viên Ban chấp hành Hội Nông dân quận Thanh Khê, tham gia đấu tranh, kiên trì bảo vệ biển, đảo Tổ quốc. Ông nhận được nhiều Bằng khen của các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Trong gian khó càng thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường

"Tôi sinh ra và lớn lên ở bán đảo Bảo Ninh (TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào biển, trong đó chủ yếu là khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản. Với nhận thức của bản thân, tôi luôn trăn trở phải làm thế nào để nâng cao năng suất, sản lượng đánh bắt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho gia đình cũng như người dân địa phương" - đó là câu chuyện của ngư dân Phạm Tuyền - nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Quảng Bình.

Theo ngư dân Phạm Tuyển, năm 2010, ông mạnh dạn đầu tư 10 tỷ đồng để đóng mới 2 tàu, cải hoán nâng cao mã lực, có công suất 420 CV trở lên được trang bị ngư lưới cụ, máy móc, phương tiện hiện đại để vươn khơi bám biển. Năm 2016, ông Tuyển tiếp tục đầu tư cải tạo tàu cá, mua máy dò hiện đại, trang bị thêm các ngư lưới cụ trên 2 tỷ đồng để mở rộng đánh bắt ở các ngư trường mới.

Nông dân Việt Nam xuất sắc: Những "cột mốc sống” ngoài biển khơi - Ảnh 3.

Chuyến đi biển đáng nhớ nhất của ngư dân Phạm Tuyển, trúng đậm 250 tấn cá nục. Ảnh: Trần Anh

Tuy nhiên, việc đánh bắt thủy hải sản trên biển nhất là đối với các vùng biển xa bờ ngư dân luôn gặp nhiều khó khăn, rủi ro như thiên nhiên bất trắc, đau ốm, tàu hư hỏng và đặc biệt là các tàu lạ nước ngoài gây hấn va đâm trong các ngư trường thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.

Nhận thức được việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo nên ngư dân Phạm Tuyển đã chủ động cùng với Hội Nông dân xã nhà tuyên truyền, vận động anh em ngư dân tham gia và thành lập Tổ hợp tác đánh bắt thủy sản gồm 6 tàu tham gia, bản thân ông Tuyển là tổ trưởng. 

"Khi tham gia Tổ hợp tác, các thành viên được hỗ trợ trang thiết bị, thông tin, tài liệu, được ưu tiên xét, cấp phương tiện, trang bị thông tin liên lạc, định vị vệ tinh, quan sát... Nếu thành viên nào trong tổ đau ốm, tàu bị hư hại hay chìm do thời tiết thì các thành viên còn lại của tổ sẽ tham gia đóng góp, hỗ trợ. Bản thân tàu của chúng tôi cũng đã nhiều lần tham gia cứu nạn, cứu hộ khi tàu bạn có sự cố và cũng đã được các tàu trong tổ giúp đỡ khi gặp sự cố khai thác, đánh bắt trên biển xa" - ông Phạm Tuyển chia sẻ.

Đồng thời, thông qua hoạt động của tổ đoàn kết, các thành viên trong tổ, lao động trên tàu đã được nắm bắt đầy đủ các thông tin, quy định của pháp luật Việt Nam, Công ước Luật Biển 1982 và các quy định về hoạt động khai thác khơi xa để đánh bắt, khai thác đúng ngư trường quy định của nước ta trên khu vực biển Đông". ông Tuyển cho hay.

Mỗi con tàu, mỗi ngư dân là một cột mốc chủ quyền trên biển

Hơn 40 tuổi nhưng hơn 15 năm qua, ngư dân Nguyễn Tuấn Anh (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã là một thủ lĩnh đầy bản lĩnh và trách nhiệm của những chiếc tàu cá chuyên đánh bắt ở vùng biển xa như Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa...

Anh kể, mới qua tuổi 12 anh đã bắt đầu theo cha đi những chuyến biển đầu tiên. Tính đến nay, chính anh cũng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần dong tàu ra biển. Với Nguyễn Tuấn Anh bây giờ, tàu cá là nhà, biển cả là quê hương, đất liền chỉ là bến trọ.

Nông dân Việt Nam xuất sắc: Những "cột mốc sống” ngoài biển khơi - Ảnh 4.

Ngư dân Nguyễn Tuấn Anh bên tàu cá neo tại sông Roòn (xã Cảnh Dương). Ảnh: P.P

Kể với chúng tôi về những chuyến đánh bắt ở vùng biển xa, đặc biệt là ở vùng biển Hoàng Sa, Anh không giấu được niềm tự hào: "Những vùng biển xa như Hoàng Sa thường rất lắm tôm, nhiều cá nhưng hiểm nguy cũng nhiều. Ngoài việc đối mặt với sóng to gió lớn của tự nhiên, nhiều thời điểm chúng tôi còn phải đối mặt với những gây hấn từ những tàu lạ… Nói thật không có chút can đảm, không có lòng yêu biển, yêu chủ quyền Tổ quốc thì chúng tôi không thể đến đó được đâu!".

Không phải ngẫu nhiên mà hơn 15 năm qua Nguyễn Tuấn Anh được nhiều bạn tàu tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ đoàn kết trên biển của hàng chục chiếc tàu cá với hơn 100 thuyền viên, dù tuổi đời anh còn rất trẻ. Quanh năm lênh đênh trên biển, hơn ai hết Anh thấu hiểu được nỗi vất vả gian truân và lắm rủi ro của nghề biển. Thế nên, ngoài việc thành lập tổ hợp tác để hỗ trợ nhau, Nguyễn Tuấn Anh đã nhiều lần xả thân cứu người trên biển mà không chút đắn đo.

Là một người tổ trưởng, khi gặp những hoạn nạn trên biển, Anh luôn là người nhận thiệt hại về mình, tận lực giúp đỡ nhiều chiếc tàu cá hư hỏng có thể an toàn cập bến.

Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, Nguyễn Tuấn Anh luôn nhắc đi nhắc lại một điều: "Làm nghề chi cũng phải lấy cái tâm làm đầu, nghề biển càng phải thế. Mình giúp người lúc này chưa chắc sau này người đó giúp lại mình, nhưng chắc chắn một điều sẽ có người khác giúp mình khi mình gặp hoạn nạn…". Và Nguyễn Tuấn Anh đã luôn tin điều đó, anh lấy đó làm "kim chỉ nam" cho nghề đi biển khơi xa đầy sóng gió mà anh đã nguyện theo nó đến hết cuộc đời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem