Nông thôn khủng hoảng vì dịch tả lợn: Lúng túng ngăn chặn dịch

Trần Quang Thứ bảy, ngày 01/06/2019 06:10 AM (GMT+7)
(Bài 3)- Xác lợn vứt trôi nổi khắp kênh mương, cán bộ thực hiện tiêu hủy chậm trễ, sơ sài... là thực trạng yếu kém, bất cập tại nhiều địa phương ở miền Bắc trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Thực trạng này khiến dịch bệnh nguy hiểm ngày càng lây lan nhanh, thậm chí mất kiểm soát.
Bình luận 0

“Coi thường” dịch, tiêu hủy lợn ẩu

Có mặt tại ổ DTLCP ở xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) vào dịp giữa tháng 4/2019, chính phóng viên Báo NTNN cũng bất ngờ khi phát hiện cả đống xác lợn hàng chục con được vứt bên con đường mới đổ bêtông của xã này.

img

Việc cán bộ thú y dùng xe kéo đưa lợn đi tiêu hủy gây bức xúc cho người dân ở xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình (Bắc Ninh).  Ảnh: Trần Quang

Ông Nguyễn Văn Vịnh, một chủ trang trại mới bị thiệt hại do DTLCP ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) cho biết: Qua đợt dịch này cho thấy, người dân phòng, chống dịch rất yếu, một số người thiếu ý thức, lợi dụng đêm tối vứt trộm xác lợn chết ra kênh mương, đường đi.

Điều đáng nói là hàng ngày có nhiều người qua lại đoạn đường trên, nhưng các xác lợn vẫn không được phản ánh và xử lý. Mãi tới khi phóng viên trực tiếp gửi ảnh và phản ánh thông tin qua điện thoại cho lãnh đạo Cục Thú y (Bộ NNPTNT) thì địa phương này mới sốt sắng vào cuộc xử lý.

Mấy ngày sau, chúng tôi tiếp tục về xã Nhân Thắng để ghi nhận công tác phòng, chống DTLCP. Theo phản ánh của bà con thôn Hương Triện, số lượng lợn chết vì bị DTLCP tăng chóng mặt, nhưng do lực lượng thú y quá mỏng, xử lý không xuể dẫn đến tình trạng có hộ báo lợn chết trương phềnh trong chuồng 2 ngày mới thấy cán bộ thú y đến kiểm tra, đưa đi tiêu hủy.

Ngoài việc xử lý lợn dịch chậm trễ, theo ghi nhận thực tế của phóng viên trong ngày 18/4, trên các tuyến đường liên xã, liên thôn, xóm ở Nhân Thắng không hề có  chốt kiểm dịch nào được lập. Điều đáng nói là lực lượng xử lý dịch, tiêu hủy lợn ở Nhân Thắng chỉ có 2 - 3 cán bộ thú y, họ vừa lo đi thống kê, xử lý lợn dịch, vừa lo điều xe tiêu hủy, tiêu độc, khử trùng... Cũng vì thế mà công tác phòng, dập dịch và tiêu hủy lợn dịch ở đây được thực hiện rất sơ sài, thậm chí không có đồ bảo hộ, có người còn phải dùng tay không. Điều đáng nói, việc vận chuyển lợn dịch đi tiêu hủy ở thôn này không có sự giám sát của lãnh đạo địa phương nên mọi thứ hầu như bị thả nổi.

Cũng trong thời điểm đó, chúng tôi liên tục bắt gặp cảnh các xe công nông, xe máy tự chế kéo vận chuyển xác lợn chết nhưng chỉ phủ bạt sơ sài, khiến phân, máu, chất thải của vật nuôi rơi vãi khắp đường dẫn ra khu tiêu hủy. Chứng kiến tình trạng này, bà Nguyễn Thị Hòa - chủ trại lợn hơn 60 con ở thôn Hương Triện rất bất bình. Bà Hòa cho biết,  đàn lợn của gia đình bà chưa bị dịch nhưng do nằm tiếp giáp với các trại có lợn bị dịch nên vợ chồng bà rất lo lắng.

"Chống dịch như thế này chẳng khác nào rắc dịch từ nơi này sang nơi kia. Nếu cán bộ thú y xã không làm đúng quy trình thì đàn lợn của tôi và một số hộ còn lại e khó mà thoát được án tử” - bà Hòa nói.

Lợn chết nhiều, thiếu người tiêu hủy

Do lợn bị chết vì DTLCP rất nhiều nên ở nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng tiêu hủy lợn ẩu, sai quy trình. Điển hình mới đây là vụ việc người dân ở xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ (Hưng Yên) phát hiện cán bộ địa phương dùng "công nghệ" cuốc, xẻng để tiêu hủy lợn dịch. 

Anh Phạm Văn Minh - người dân huyện Phù Cừ cho hay: “Tận mắt chứng kiến cảnh cán bộ kéo lợn khắp làng, đưa ra góc ruộng rồi dùng cuốc, xẻng... đào chôn lợn, tôi và bà con rất bức xúc. Cách làm này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh sang các hộ chăn nuôi khác”.

Tiếp đó, theo phản ánh và chỉ dẫn của người dân, đầu tháng 5, chúng tôi có mặt tại cánh đồng thôn Cẩm Bào, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và nhận thấy ở đây có nhiều xác lợn chết đang trong thời kỳ phân hủy mạnh được chôn lấp rất sơ sài, lộ cả một số bộ phận của lợn lên mặt đất, có chỗ xác lợn còn bị vứt bừa bãi, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

img

Cán bộ dùng "công nghệ" cuốc, xẻng tiêu hủy lợn gây búc xúc cho người dân ở xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Ảnh: Trần Quang

Phản ánh với phóng viên, bà Nguyễn Thị Tuyết ở xã Xuân Cẩm bức xúc: Sự việc này đã được người dân phát hiện sớm vài ngày trước nhưng đến sáng 2/5, các xác lợn này vẫn không được xử lý khiến bà con sống gần đó rất khổ cực, nhiều nguời có ruộng cũng không dám ra thăm đồng.

"Qua sự việc này cho thấy cách phòng, chống dịch của chính quyền địa phương không chỉ lơ là mà còn có phần vô trách nhiệm, coi thường dịch. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho dịch bệnh lây lan mạnh và khó kiểm soát hơn" - bà Tuyết khẳng định.

Nói về vấn đề này, ông Ngô Khắc Tình - Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm cho rằng: Đây là sự việc không mong muốn nhưng do những ngày qua, trên địa bàn xã có nhiều lợn chết dịch, lại có mưa lớn, đồng thời xã phải chỉ đạo việc chôn hủy lợn tại cả 5 thôn nên thiếu lực lượng giải quyết.

Hơn nữa, Xuân Cẩm nằm ở cuối dòng kênh tưới A1 (dẫn nước từ Thái Nguyên về Hiệp Hòa) nên thường xuyên phải vớt và chôn hủy xác lợn do các hộ chăn nuôi phía đầu nguồn vứt ra. “Hơn 1 tháng qua, chúng tôi đã phải thuê máy xúc vớt và chôn hủy gần 30 con lợn trôi dạt từ Thái Nguyên và các xã đầu nguồn về” - ông Tình.

Được biết, Hiệp Hòa là địa phương đầu tiên công bố DTLCP và số lợn chết do nhiễm bệnh này tại đây (tính đến ngày 24/5) đã lên tới hơn 20.000 con, cao nhất tỉnh và vẫn đang tăng lên từng ngày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem