Nóng trong tuần: Sập tường công trình ở Đồng Nai, 10 người tử vong

Vũ Trí Quân (Tổng hợp) Chủ nhật, ngày 17/05/2020 20:48 PM (GMT+7)
Tròn 31 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng; Sập tường công trình ở Đồng Nai, 10 người tử vong... là những tin nóng nhất tuần qua.
Bình luận 0

Sập tường công trình ở Đồng Nai, 10 người tử vong

Chiều 14/5, một vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại công trình xây dựng nhà máy của Công ty AV Healthcare (Đường số 08, Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), do nhà thầu là Công ty TNHH Hà Hải Nga thi công. Vụ tai nạn lao động đã cướp đi sinh mạng của 10 người và làm 15 người bị thương nặng. 

img

Lực lượng cứu hộ bới tìm các nạn nhân trong đống đổ nát.

Đại tá Trần Tuấn Triệu - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai tiết lộ, thời điểm xảy ra vụ việc có hơn 50 công nhân đang làm việc.

Trong đó có khoảng 35 người thoát nạn, không bị thương cũng được cơ quan điều tra ghi lời khai, phục vụ điều tra. Đáng nói, nhiều người thoát nạn cho biết hiện họ chưa có hợp đồng lao động, chưa được quán triệt về an toàn lao động.

Ngày 15/5, Đại tá Nguyễn Văn Kim cho biết cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự ông Hà Duy Hải, Giám đốc Công ty TNHH Hà Hải Nga, cùng 2 nhân viên của công ty này. Đây là đơn vị nhà thầu thi công công trình xây dựng Nhà máy Công ty AV Healthcare.

2 sĩ quan quân đội liên quan dự án gần 100 triệu USD bị bắt

Nguồn tin từ viện kiểm sát quân sự xác nhận, 2 sĩ quan bị khởi tố bắt tạm giam trước ngày lễ 30/4 gồm: Trung tá Phan Văn Thành - Giám đốc Chi nhánh Miền Trung thuộc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12) và Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc xí nghiệp rà phá bom mìn thuộc Tổng công ty hợp tác kinh tế Quân khu 4. Cả hai sĩ quan này đều bị khởi tố về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Hai người này bị xem là đồng phạm với 4 cán bộ tại Ban quản lý Dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới, đã bị khởi tố, tạm giam trước đó vì những sai phạm tại 2 dự án rà phá bom mìn thực hiện cuối năm 2018.

img

Cơ quan tố tụng đang khám xét, thu thập tài liệu tại trụ sở BQLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới phục vụ công tác điều tra

Trước đó, ngày 10/12/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với nguyên giám đốc Nguyễn Văn Thuận, phó giám đốc Lê Anh Tuân và 2 cán bộ kỹ thuật Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Văn Linh của BQLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tổng toàn bộ dự án này là 96 triệu USD, do BQLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới làm đại diện chủ đầu tư. Ngày 14/12/2018, ông Nguyễn Văn Thuận ký hợp đồng chỉ định thầu với Tổng Công ty Hợp tác kinh tế (Quân khu 4) về việc điều tra, khảo sát, lập phương án và dự toán rà phá bom mìn, vật nổ (RPBMVN). 

Trong khi ngày 14/12 ông Thuận mới ký hợp đồng điều tra khảo sát, từ ngày 5/12, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (nhà thầu thi công) đã triển khai quân về hiện trường thực hiện RPBMVN. Và phải đến ngày 21/12, ông Thuận mới ký hợp đồng chỉ định thầu RPBMVN với Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn. Tức là đơn vị thi công đã thực hiện công việc của mình trước khi đơn vị tư vấn giám sát được ký hợp đồng điều tra, khảo sát, lên phương án và lập dự toán cho gói thầu.

Tròn 31 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng

Theo Bộ Y tế, tính từ 6h ngày 16/4 đến 18h ngày 17/5, đã 31 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Từ ngày 15/5 đến 17/5, 3 ngày liên tiếp ghi nhận 32 ca mắc COVID-19 nhập cảnh vào Việt Nam. 32 ca này được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

0h ngày 14/5, ổ dịch tại thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội), ổ dịch cuối cùng của Thủ đô Hà Nội. đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa. 

Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta không còn tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, không được mất cảnh giác khi dịch bệnh còn lây nhiễm ở nhiều nước và chưa có vaccine, thuốc đặc trị.

Ở một diễn biến khác, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, tính đến tối 14/5 đã có 30 người mong muốn được hiến tặng một thùy phổi cho bệnh nhân 91, 43 tuổi là phi công Vietnam Airlines. Trong đó, người trẻ nhất mới 35 tuổi. 

CSGT ra quân tổng kiểm tra kiểm soát phương tiện giao thông 

Từ ngày 15/5 đến 14/6, lực lượng CSGT trên toàn quốc ra quân tổng kiểm soát xử lý vi phạm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. 

Các đơn vị đã huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Theo kế hoạch này, thời gian thực hiện tổng kiểm soát, CSGT các đơn vị, địa phương được dùng kiểm soát các loại giấy tờ theo quy định như: Giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật.

img

 Nhiều người tỏ ra bất ngờ khi bị CSGT kiểm tra nhưng họ đều đồng thuận với lực lượng chức năng, ủng hộ đợt tổng kiểm soát lần này.

Trong đó, tập trung vào các lỗi vi phạm như: vi phạm nồng độ cồn, ma túy, chở quá số người, vận chuyển chất cháy nổ, hàng nguy hiểm, chở hàng quá tải, quá khổ, chở vật liệu để rơi vãi, đi đường cấm, khu vực cấm, đi không đúng phần đường, làn đường... Trường hợp phương tiện đã được kiểm soát tại các địa bàn, nếu phát hiện vi phạm mới thì được tiếp tục kiểm soát, xử lý theo quy định khác.

Trong kế hoạch lần này, người dân được quyền giám sát hoạt động của lực lượng tuần tra, kiểm soát bằng ghi âm, ghi hình trực tiếp. Tuy nhiên, việc ghi âm, ghi hình cũng phải diễn ra ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm nội dung ghi âm, ghi hình không bị cắt xén, chỉnh sửa, đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Nhìn lại 1 năm “bảo bối” của Nhật xuất hiện ở Hồ Tây

Ngày này đúng 1 năm về trước (16/5/2019), Hà Nội bắt đầu đưa vào thí điểm công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản để làm sạch sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây. Dự án do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) thực hiện bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản.

Sau 1 năm, khu thí điểm một góc Hồ Tây vẫn được duy trì, tuy nhiên, nó đang bị hư hỏng. Những tấm tôn quây đã hoen rỉ, bạt rách khiến nước bên trong khu xử lý và bên ngoài hồ thông với nhau. Màu nước bên trong và bên ngoài cũng không còn có sự khác biệt.

img

Nước Hồ Tây cũng đang thấp khiến hệ thống máy sục khí Nano nổi lên trên mặt nước.

Một bảo vệ của công ty JVE cho biết, khoảng 1 tháng trước, ông phát hiện một số tấm tôn bị hoen rỉ, thủng lỗ khiến một số con cá Koi to đã chui ra ngoài. Về vấn đề này, đại diện JVE cho hay, do khu vực thử nghiệm ở hồ Tây được quây bằng tôn nên theo thời gian (cụ thể là 1 năm) ngâm dưới nước, cùng với mưa to, gió lớn nên lớp tôn bị hỏng là chuyện không thể tránh khỏi.

Đại diện JVE cho biết, hiện ở Hồ Tây vẫn duy trì công nghệ Nano-Bioreactor với 02 máy Nano và các tấm Bioreactor đặt chìm ở dưới lòng Hồ từ thời điểm ban đầu. Sau một thời gian nước đã được xử lý đạt QCVN thì không cần vận hành máy 24/24h như ban đầu nữa, mà chỉ cần vận hành 6/24h vào ban tối khi hàm lượng oxy hòa tan DO xuống thấp hoặc hoàn toàn không cần vận hành (0/24h) tùy vào tình trạng nước trong khu xử lý.

Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đoàn chuyên gia Nhật không thể nhập cảnh sang Việt Nam. Tuy nhiên, JVE và đoàn chuyên gia vẫn trao đổi thông tin qua các phương tiện trực tuyến do đó, việc vận hành và duy trì công nghệ không gặp khó khăn gì.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem