Nóng tuần qua: Cá hồi Sa Pa giảm giá “sốc” vẫn ế hàng

Thu Trang Chủ nhật, ngày 05/04/2020 15:55 PM (GMT+7)
Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh đến kinh tế trong nước. Sức cầu giảm khiến hoạt động mua bán ngưng trệ.
Bình luận 0

Cách ly toàn xã hội 15 ngày: Hàng hóa vẫn lưu thông bình thường

Trưa 31/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc. Ngay trong chiều chỉ thị được công bố, các siêu thị lớn, chợ dân sinh tại 2 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM đã đón lượng khách mua sắm khủng.

Nhiều người dân đi mua sắm thực phẩm dự trữ cho những ngày tới để hạn chế ra đường trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các mặt hàng được mua nhiều nhất gồm: thịt lợn, cá, rau củ quả, giấy vệ sinh, mì tôm. Tại các chợ dân sinh, hàng hoá nhanh chóng “cháy hàng” do sức mua lớn.  

img

Người dân đổ xô đi mua hàng sau khi có lệnh cách ly toàn xã hội

Bộ Công Thương khẳng định, trong thời gian "cách ly toàn xã hội", siêu thị vẫn hoạt động, xe vận chuyển hàng hoá của các doanh nghiệp vẫn được lưu thông, hoạt động bình thường. 63 tỉnh, thành đều đã có "kế hoạch tác chiến", kịch bản ứng phó dịch bệnh theo 5 cấp độ, gồm cả tình huống cung ứng hàng hoá khi cách ly những thành phố lớn, các thành phố vệ tinh.

Cá hồi Sa Pa rớt giá chưa từng có

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng loạt nhà hàng, khách sạn khắp các khu du lịch phải ngừng hoạt động do không có khách khiến cho các trang trại nuôi cá hồi Sa Pa điêu đứng, không có nơi tiêu thụ. Theo thống kê của UBND xã Ngũ Chỉ Sơn, hiện trên địa bàn xã có khoảng 70 cơ sở nuôi cá nước lạnh của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tập trung tại các thôn Phìn Hồ, Kim Ngan...

img

Tất cả đều đang gặp khó khăn do không tiêu thụ được. Sau Tết Nguyên đán, giá cá hồi vẫn được người dân nơi đây bán 200.000 đồng/kg nhưng từ đầu tháng 3 trở lại đây không ai mua. Thậm chí, những bà con dân tộc nuôi nhỏ lẻ vài tạ rao bán chỉ 150.000đ-160.000 đồng/kg nhưng cũng không có người mua. Với giá này, mỗi kg cá hồi người nuôi lỗ khoảng 50.000 đồng. 

Giá xăng giảm mạnh chưa từng có, người dân đổ xô mua xăng tích trữ

Sau khi biết giá xăng giảm sâu kỷ lục, tại một số địa phương khác có hiện tượng người dân tập trung mua xăng dầu tích trữ do giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước giảm mạnh theo diễn biến giá xăng dầu thế giới và trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Ngày 31-3, Bộ Công Thương đã khuyến cáo người dân không mua tích trữ xăng dầu, chỉ mua phục vụ nhu cầu tiêu dùng thường ngày.

Bộ Công Thương cho rằng việc mua tích trữ xăng dầu sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy, đe dọa tính mạng, tài sản của chính người mua tích trữ và cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, việc tập trung đông người để mua xăng dầu có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm, lây lan dịch bệnh và không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung xăng dầu trong nước luôn đáp ứng đủ để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Chỉ thị giảm giá từ 1/4, giá lợn có đi xuống?

Trong phiên họp cuối ngày 31/3, các doanh nghiệp chăn nuôi lợn tham dự cuộc họp ngày 30/3 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì đã cam kết đưa giá heo hơi sẽ hạ xuống mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4, lộ trình đến cuối quí II và quí III sẽ xuống mức 65.000 đến 60.000 đồng/kg.

img

Giá lợn vẫn neo ở mức cao

Theo đó, giá lợn hơi trên thị trường có giảm nhưng vẫn ở mức khá cao. Đến ngày 4/4, giá lợn hơi tại miền Bắc dao động từ 76.000 - 80.000 đồng/kg, miền Trung từ 73.000 - 76.000 đồng/kg và miền Nam từ 70.000 - 79.000 đồng/kg.

Hiện tại, giá bán lẻ thịt lợn trên thị trường vẫn duy trì ở mức cao chót vót. Cụ thể: thịt ba chỉ giá 170.000 đồng/kg, thịt nạc vai 160.000 đồng/kg, thịt mông sấn 140.000 đồng/kg, sườn thăn 170.000 đồng/kg,...

Bộ Công Thương  cho biết, giá thịt lợn thành phẩm luôn có độ trễ giảm giá hơn so với giá lợn hơi bởi các cơ sở giết mổ có thể vẫn còn tồn kho một số lượng lợn hơi. Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, việc thiếu hụt nguồn cung lợn tại một số địa phương vẫn chưa phục hồi.

EVN bất ngờ đề xuất giảm 10% giá điện trong 3 tháng vì Covid-19

Để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa đề xuất giảm giá điện cho một số đối tượng. Theo đó, mức giảm dự kiến được đề xuất vào khoảng 10% và áp dụng trong vòng 3 tháng căn cứ trên những tính toán về thông số sản xuất đầu vào của EVN. 

Trước đó, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và địa phương đề xuất Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp chi phí sinh hoạt cho người dân thông qua giảm 50% giá điện và cho nợ 50% áp dụng trong ba tháng được cho là đỉnh điểm khó khăn của mùa dịch là tháng 4, 5 và 6/2020. Theo đó, các khoản nợ 50% tiền điện sẽ được chia đều thanh toán vào năm 2021.

Cùng với việc Bộ Công Thương đề xuất giảm giá điện sinh hoạt, ngày 31/3, EVN cũng có đề xuất Bộ Công Thương, Chính phủ miễn toàn bộ giá điện cho các cơ sở điều trị bệnh nhân nhiễm Sars Cov-2 và giảm 50% giá điện cho các cơ sở có hoạt động xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm Sars Cov-2.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem