Nóng tuần qua: Thu ngân sách nhà nước thấp kỷ lục trong 10 năm

Theo Thiên Lý Chủ nhật, ngày 08/11/2020 16:29 PM (GMT+7)
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư thương mại và tài chính toàn cầu đồng thời cũng khiến thu ngân sách nhà nước năm 2020 thấp nhất trong 10 năm qua.
Bình luận 0

Thu ngân sách thấp nhất 10 năm

Trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội chiều 5/11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng được giao báo cáo Quốc hội để làm rõ 4 nhóm vấn đề gồm dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020; đánh giá tài chính ngân sách 5 năm 2016-2020; dự toán NSNN năm 2021 và kế hoạch tài chính ngân sách 2020-2025.

img

Số thu ngân sách 10 tháng đầu năm nay phản ánh rõ khó khăn của doanh nghiệp.

Theo tư lệnh ngành tài chính, dự toán thu NSNN năm 2020 được xây dựng trên tinh thần quyết tâm cao, hoàn thành hoặc vượt mức các chỉ tiêu kinh tế xã hội. Dự toán được xây dựng trên cơ sở dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,8%, lạm phát dưới 4%, kim ngạch xuất khẩu tăng 7%, kim ngạch nhập khẩu tăng 9%.

Tuy nhiên, bước vào năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư thương mại và tài chính toàn cầu. Trong điều kiện Việt Nam hội nhập sâu rộng, đại dịch đã ảnh hưởng rất lớn đến tất cả ngành, lĩnh vực, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Số thu ngân sách 10 tháng đầu năm nay phản ánh rõ khó khăn của doanh nghiệp và tác động của các chính sách miễn, giảm thuế, phí. Thu ngân sách 10 tháng đầu năm đạt 75,2% dự toán, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Bộ Giao thông Vân tải hỗ trợ các hãng hàng không thế nào?

Để hỗ trợ các hãng hàng không của Việt Nam bị ảnh hưởng trong dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp với các doanh nghiệp hàng không.

Theo đó, Bộ GTVT xem xét hỗ trợ trong lĩnh vực hàng không theo 2 nhóm. Thứ nhất liên quan đến trách nhiệm của Bộ GTVT, trong thời gian qua, Bộ đã thực hiện 4 giải pháp để giúp đỡ các hãng hàng không.

img

Bộ GTVT xem xét hỗ trợ trong lĩnh vực hàng không theo 2 nhóm.

Cụ thể, tăng cường các chuyến bay giữa các sân bay lẻ nếu các hãng hàng không đăng ký; làm việc với các hãng, đơn vị, đặc biệt là Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam để giảm một số giá dịch vụ cất, hạ cánh, hoạt động ở sân bay; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có phương án kinh doanh mới, như Bamboo đã mua tàu bay phản lực kết nối từ Hà Nội đến Côn Đảo; điều chỉnh lại lịch bay của các hãng để tất cả đều có điều kiện kinh doanh, phát triển.

Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, nhanh nhất có thể để phát triển hàng không nội địa. Đến thời điểm này, hàng không trong nước đã cơ bản bằng với cuối năm 2019, còn hàng không nước ngoài bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì Covid-19.

Trong khi đó, nhóm hỗ trợ thứ hai liên quan đến doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Bộ GTVT cùng các bộ ngành đã tham mưu đầy đủ đề xuất của các hãng tới Chính phủ. Chính phủ đã lấy ý kiến và ban hành các nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp hàng không.

Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng rất lớn tới ngân sách, do đó, Bộ này kiến nghị hoãn, giảm hoặc chậm trả lãi vay ngân hàng cho các hãng hàng không để tái cơ cấu.

Bộ Công Thương sẽ siết chặt hoạt động thủy điện

Bộ Công thương cho biết hiện nay cả nước có 429 đập thủy điện với các quy mô khác nhau, dung tích trữ nước 56 tỷ m3, công suất khoảng 20.000 MW, chiếm 37% công suất nguồn điện hiện nay. Đây là nguồn năng lượng rất quan trọng, phục vụ nhu cầu năng lượng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Bên cạnh chức năng phát điện, các hồ chứa nước của các đập thủy điện còn có tác dụng tích nước, tùy công suất có thể cắt giảm, điều tiết lũ, cũng như phục vụ nhu cầu phát triển khác của từng địa phương. Tuy nhiên, thủy điện có tác động tiêu cực nhất định đến môi trường và đời sống dân sinh.

Bộ Công thương khẳng định, hàng năm, đều có các cuộc kiểm tra giám sát, báo cáo đầy đủ về độ an toàn của đập hồ thủy điện, sự vận hành hệ thống các công trình thủy điện và trong việc tham gia phòng chống lũ bão, thực hiện phòng chống thiên tai tại địa phương.

Từ năm 2016, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành, địa phương không bổ sung bất kỳ dự án thủy điện nào nếu sử dụng đất rừng tự nhiên. Diện tích chiếm dụng đất từ các dự án được bổ sung quy hoạch trên thực tế đã giảm, chỉ có trung bình 1,9 ha đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng trồng, rừng nghèo cho 1 MW điện.

Đại diện Bộ Công Thương cũng khẳng định tới đây, Bộ sẽ làm việc với các bộ ngành, địa phương để nghiên cứu cụ thể, đánh giá các mặt còn hạn chế, tích cực. Từ đó, tham mưu chính sách với Chính phủ để phủ siết chặt hoạt động thủy điện, hạn chế những tác động tiêu cực và khai thác tốt nguồn tài nguyên của đất nước.

Một số dự án yếu kém ngành Công Thương được hỏi mua

Báo cáo trước Quốc hội ngày 6/11, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết trong số 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, một số đã tìm được đối tác hợp tác đầu tư, hoặc nhà đầu tư quan tâm mua lại, như: Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy gang thép Thái nguyên giai đoạn 2 và Dự án Thép Việt Trung.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định việc xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương được tập trung chỉ đạo, từng bước phân nhóm các dự án để xác định phương án xử lý cụ thể, khả thi, dứt điểm, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị và theo Đề án được Thủ tướng phê duyệt.

Cụ thể, xử lý trên nguyên tắc đề cao tự chủ, tự quyết của doanh nghiệp, theo nguyên tắc, cơ chế thị trường, Nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án, hạn chế thiệt hại cho Nhà nước, quan tâm tới quyền lợi của người lao động, an sinh - xã hội, môi trường và ổn định xã hội.

Nợ xấu tăng nhanh tại ngân hàng lớn

Hầu hết ngân hàng thương mại đến nay đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2020 và 9 tháng từ đầu năm. Trong đó, con số tuyệt đối biến động lớn nhất được ghi nhận tại nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh, cũng là những ngân hàng có quy mô cho vay lớn nhất thị trường hiện nay (BIDV, VietinBank và Vietcombank).

Đặc biệt, đây cũng là nhóm ngân hàng có dư nợ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19 từ đầu năm.

Riêng quý III, tổng lợi nhuận trước thuế của 3 ngân hàng kể trên đạt gần 10.600 tỷ đồng, thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm liền trước. Trong đó, Vietcombank và VietinBank là 2 nhà băng ghi nhận lợi nhuận giảm, lần lượt 7% và 21%. Ngược lại, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 16% trong quý, đạt 2.703 tỷ đồng.

Biến động đáng chú ý nhất của nhóm ngân hàng quốc doanh từ đầu năm chính là việc nợ xấu (nợ nhóm 3-5) có xu hướng gia tăng nhanh, đặc biệt là nợ nhóm 3 - nợ dưới tiêu chuẩn.

Theo thống kê, cả 3 nhà băng này đều chứng kiến xu hướng nợ xấu tăng sau 9 tháng với BIDV tăng 16%, Vietcombank tăng 36% và VietinBank tăng 66%.

Đến cuối tháng 9, tổng nợ xấu nội bảng của 3 nhà băng này tăng hơn 12.000 tỷ đồng, cao hơn 34% so với đầu năm. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với một số nhà băng tư nhân khác trong hệ thống như 15% tại VPBank, 26% tại VIB…

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem