Nộp 20 triệu khắc phục sai phạm 357 tỷ đồng, cựu Chủ tịch Khánh Hòa được xem xét ra sao?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 20/01/2024 15:05 PM (GMT+7)
Trong vụ án sắp được xét xử, ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nộp khắc phục 20 triệu đồng cho sai phạm gây thiệt hại 357 tỷ. Chuyên gia pháp lý đã bình luận về vấn đề này.
Bình luận 0

Cựu Chủ tịch Khánh Hòa khắc phục 20 triệu cho sai phạm 357 tỷ đồng

Ngày 18/1, TAND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định đưa 9 bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh này ra xét xử vì có sai phạm trong quá trình thực hiện dự án Khách sạn và căn hộ cao cấp OCEANUS (nay đổi tên là Mường Thanh Viễn Triều, ở đường Phạm Văn Đồng, TP Nha Trang) ra xét xử vào ngày 23/1.

Nộp 20 triệu khắc phục sai phạm 357 tỷ đồng, cựu Chủ tịch Khánh Hòa được xem xét ra sao?- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trong một vụ án xét xử trước đó. Ảnh: Xuân Ngọc

Trong 9 bị cáo có ông Nguyễn Chiến Thắng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa), Đào Công Thiên (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh), Võ Tấn Thái (cựu Giám đốc Sở TN&MT), Nguyễn Ngọc Tâm (cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính)…

Cả 9 người này đều bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Đây là vụ án thứ 4 ông Nguyễn Chiến Thắng bị xét xử về các sai phạm liên quan giao đất "vàng" cho doanh nghiệp. Tổng hình phạt ông Thắng bị tuyên phạt trong 3 vụ án trước là 17 năm 6 tháng tù.

Trong phiên tòa xét xử vụ án ở khu đất 28E đường Trần Phú (TP Nha Trang), tòa đã tuyên mở phong tỏa đối với 22 tài khoản với tổng số dư hơn 30 tỷ đồng và hàng trăm nghìn ngoại tệ của vợ cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng. Riêng số tiền hơn 500 triệu đồng có trong tài khoản ngân hàng của ông Thắng vẫn bị phong tỏa.

Trong vụ án này, VKS xác định thiệt hại cho Nhà nước 357 tỷ đồng (thời điểm phát hiện sai phạm). Ông Thắng chỉ nộp khắc phục 20 triệu, các bị cáo khác nộp tổng cộng 50 triệu đồng.

Khắc phục 20 triệu cho sai phạm 357 tỷ đồng, được xem xét thế nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, trong vụ án này, ông Nguyễn Chiến Thắng là người có chức vụ quyền hạn, có hiểu biết pháp luật, đặc biệt đã trải qua nhiều vụ án hình sự xét xử trước đó với thân phận bị cáo nên có thể nhận thức rõ được việc bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án, quyết định hình phạt.

Qua những vụ án đã xét xử có thể thấy ông này có nhiều tài sản giá trị, trước đó bị kê biên, phong tỏa nhưng cũng đã được giải tỏa kê biên. Vợ con ông hoàn toàn có thể bán những tài sản này để bồi thường khắc phục một phần hậu quả.

Tuy nhiên, có thể đây là vụ án này có nhiều bị cáo và chưa xác định được phần trách nhiệm (liên đới) đối với từng bị cáo đối với tổng thể giá trị thiệt hại hoặc đang còn quan điểm khác nhau giữa bên buộc tội và bên gỡ tội liên quan đến tổng giá trị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra (tính theo thời điểm thực hiện hành vi phạm tội hay tính theo thời điểm hiện nay) nên việc bồi thường chưa được thực hiện đầy đủ.

Theo ông Cường, trong vụ án hình sự sẽ giải quyết hai vấn đề là trách nhiệm hình sự (tội phạm, hình phạt) và trách nhiệm bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả (nếu có).

Việc bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả có thể do bị can, bị cáo tự nguyện hoặc cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế để phong tỏa, kê biên, thu hồi tài sản do phạm tội mà có, vật chứng của vụ án hoặc thu hồi tài sản để bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả.

Nếu trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà bị can, bị cáo tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả hoặc tác động để người thân tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thay cho bị can, bị cáo, đây là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.

Bộ luật hình sự không quy định cụ thể việc bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả là bao nhiêu sẽ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này. Pháp luật quy định tùy nghi cho cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng trên cơ sở nguyên tắc phải bồi thường một mức "đáng kể" đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Trong trường hợp thiệt hại do nhiều người (đồng phạm) gây ra, bị can, bị cáo phải bồi thường một phần đáng kể đối với phần thiệt hại mà mình phải chịu liên đới trong tổng mức thiệt hại.

Vì vậy, trong trường hợp tổng thiệt hại là hơn 350 tỷ đồng nhưng nếu kết quả xét xử cho thấy phần trách nhiệm bồi thường của bị cáo chỉ là một phần nhỏ khoảng 40-50 triệu đồng thì phần bồi thường thiệt hại 20 triệu cũng có thể được xác định là đáng kể.

Hoặc trường hợp bị cáo đã bán hết tài sản, không còn tài sản nào khác, số tiền như vậy cũng được xác định là đáng kể. Còn trường hợp nếu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bị cáo hàng tỷ đồng, khả năng bồi thường thiệt hại của bị cáo cao hơn nhưng việc bồi thường chỉ có 20 triệu đồng, có thể xác định là bồi thường không không đáng kể. Việc này phụ thuộc vào nhận định đánh giá của HĐXX khi xét xử vụ án.

Ngoài ra, trường hợp Nhà nước đã thu hồi lại được lô đất (lô đất được xác định là tài sản của Nhà nước bị thất thoát, lãng phí do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra), tuyên bố hủy bỏ các quyết định giao đất, toàn bộ tài sản đã trở về với Nhà nước, vấn đề thiệt hại đã được khắc phục nên cũng có thể tòa án sẽ không tuyên trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho các bị cáo. Trong tình huống này, số tiền 20 triệu mà bị cáo đã nộp có thể sẽ được hoàn lại.

Từ phân tích trên, vị chuyên gia cho rằng, có lẽ việc cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa bồi thường thiệt hại 20 triệu đồng là do còn tranh cãi về việc xác định thiệt hại tính ở thời điểm thực hiện hành vi phạm tội hay đến thời điểm xét xử sơ thẩm hoặc cũng có thể quan điểm của bị cáo là thiệt hại này đã được khắc phục do thửa đất bị thất thoát do hành vi của các bị cáo trước đây đã được thu hồi về cho Nhà nước nên thiệt hại đến nay không còn.

Vấn đề này HĐXX sẽ làm rõ và quyết định trong phiên tòa hình sự sơ thẩm tới đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem