“Nhạc kịch hóa chuyện tình đẹp đẽ của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, tại sao không?”

Hà Tùng Long Thứ hai, ngày 21/02/2022 13:30 PM (GMT+7)
Đó là câu hỏi của NSƯT Cao Ngọc Ánh khi bắt tay dựng vở nhạc kịch "Sóng" - vở nhạc kịch đầu tiên lấy cảm hứng từ chuyện tình đẹp đẽ của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.
Bình luận 0

Từng khá thành công với Variety show "Trời biếc thu sang" lấy cảm hứng từ một số bài thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh như: Trời trở rét, Thơ tình cuối mùa thu, Lại bắt đầu... Sắp tới đây, NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục cho ra mắt vở Sóng dựa trên cảm hứng về chuyện tình đẹp đẽ của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ.

Dân Việt đã có buổi trò chuyện với NSƯT Cao Ngọc Ánh để hiểu hơn về đam mê nhạc kịch của chị.

Điều gì thôi thúc chị đam mê với nhạc kịch đến vậy, trước kia là "Trời biếc thu sang" và sắp tới là "Sóng" - nhạc kịch lấy cảm hứng từ chuyện tình đẹp của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh?

- Sau Đại hội 13 của Đảng và Hội nghị Văn hoá Toàn quốc lần thứ 2, những người làm văn hoá như chúng tôi có một niềm tin, một sự thúc đẩy, cảm thấy vai trò của văn hóa đã được đánh giá và coi trọng. Trong đó có lĩnh vực công nghiệp văn hóa cũng được đưa lên trở thành mũi nhọn để phát triển.

NSƯT Cao Ngọc Ánh: “Nhạc kịch hóa chuyện tình đẹp đẽ của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, tại sao không?” - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Cao Ngọc Ánh trong buổi ra mắt dự án nhạc kịch "Sóng".

Với nghệ thuật, tính sáng tạo luôn được đưa lên hàng đầu nên tôi phải luôn luôn tìm tòi và sáng tạo. Nhà hát Tuổi trẻ là Nhà hát duy nhất của Bộ VHTTDL có đầy đủ các lĩnh vực nghệ thuật như kịch và ca - múa -nhạc. Vậy thì với trách nhiệm của người làm văn hoá, trách nhiệm của những nhà sáng tạo nghệ thuật, chúng tôi phải có một nhiệm vụ mang lại cho khán giả Việt Nam được hưởng thụ văn hóa như các nước tiên tiến.

Tôi cùng một nhóm nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ từng được một quỹ Japanfoundation tài trợ đi học tại Nhật Bản để học hỏi những tinh hoa làm nhạc kịch ở nước bạn, có thể áp dụng cho Việt Nam. Chúng tôi từng được xem vở Lion King Mamma Mia ở Tokyo.

Ngay lúc đó tôi đã ao ước đến bao giờ thì trẻ em Việt Nam hay khán giả Việt Nam được xem những vở nhạc kịch như thế này ở tại Việt Nam? Điều đó đã thôi thúc tôi phải ra được sản phẩm gì đó như là kết quả của quá trình thu nạp kiến thức mà các thầy cô đã truyền cho. Và tôi đã xác định cho mình khi học khoá học đó là sẽ làm nhạc kịch.

Những có rất nhiều vở nhạc kịch kinh điển chị có thể dựng lại theo phong cách Việt Nam, sao chị cứ phải dựng mới hoàn toàn và vẫn là cảm hứng từ thơ và cuộc đời của Xuân Quỳnh?

- Nếu chọn một tác phẩm có sẵn như "Những người khốn khổ" hay những vở kinh điển sẵn có thì có lẽ sẽ đông người xem. Đấy là cách làm dễ và cách làm an toàn. Nhưng tôi đang muốn làm nhạc kịch của Việt Nam mà lại mang vở nước ngoài về dựng thì còn gọi gì là thuần Việt nữa.

Ở Nhà hát Tuổi Trẻ, năm nào chúng tôi cũng có tháng kịch Lưu Quang Vũ. Trong một cuộc họp, anh Chí Trung (NSƯT Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - PV) có bảo: "Năm sau chúng ta làm gì nhỉ, chúng ta lật lại xem còn bao nhiêu kịch bản và kịch bản nào có thể dựng lại được?".

Tôi cũng ở trong Hội đồng nghệ thuật của Nhà hát và trong ban Giám đốc thì tự nhiên tôi chợt nảy ra rằng: "Tại sao cứ nói về anh Vũ? Còn người một lần nữa sinh ra anh Vũ thì sao? Nếu anh Vũ nếu không gặp chị Quỳnh ở thời điểm đó, chắc gì chúng ta đã có Lưu Quang Vũ bây giờ?".

Hai người gặp được nhau như thuyền được thả ra biển. Họ yêu nhau là vì họ cảm nhau về mặt tư tưởng, họ đồng điệu rồi họ mới yêu nhau, họ mới vượt qua tất cả mọi hà khắc về quan niệm sống lúc bấy giờ để đến với nhau. Vì họ cảm thấy rằng, có nhau thì con người họ mới được tròn trịa là mình, mới được thật sự thỏa mãn cả tâm hồn và thể xác.

NSƯT Cao Ngọc Ánh: “Nhạc kịch hóa chuyện tình đẹp đẽ của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, tại sao không?” - Ảnh 2.

Chuyện tình đẹp đẽ của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh trở thành nguồn cảm hứng của nhạc kịch "Sóng". Ảnh: TL.

Tôi nghĩ chúng ta cứ khai thác các tác phẩm của họ, tại sao chúng ta không nói về chính họ? Tôi đã đọc thơ của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ. Càng đọc càng bị cuốn vào và thấy mảng thơ của hai người rất đẹp. Nó đẹp nên nó đúng, đúng đến tận bây giờ.

Tôi nghĩ trong xã hội phải đến 65% khi được hỏi có thuộc câu thơ nào của Xuân Quỳnh không thì ít nhất họ thuộc một câu. Xuất phát từ đó mà tôi đã đã dàn dựng "Trời biếc thu sang" và bây giờ là "Sóng" - nhạc kịch thuần Việt phong cách broadway.

Thêm vào đó, khi khai thác về chủ đề tình yêu thật sự vừa dễ vừa khó, nhưng dễ nhiều hơn khó. Tình yêu là chủ đề phù hợp với mọi tầng lớp. Và tình yêu không đơn giản chỉ gói gọn trong tình yêu đôi lứa. Bởi vì trong thơ của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ đâu chỉ có tình yêu đôi lứa mà còn là tình yêu đất nước, kể cả những khái niệm về chiến tranh, về vũ trụ, về tình mẫu tử và nhiều phạm trù khác nữa. Nên cuối cùng tôi chọn chủ đề tình yêu.

Tình yêu của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đã trở thành "huyền thoại", một vở nhạc kịch trong vòng 120 phút liệu có nói hết được tình yêu đẹp đẽ đó?

- Tôi không dại gì để đem cả cuộc đời đầy sóng gió, đầy cung bậc cảm xúc, cao nhất của hạnh phúc rồi đau đớn tột cùng của họ vào 120 phút, làm sao mà diễn tả được hết. Tôi chỉ dựa trên câu chuyện tình yêu của họ để kết nối những bài thơ của họ trở thành vở nhạc kịch chứ không phải là một vở nhạc kịch kể về cuộc đời của họ.

Tôi làm mới và đưa thơ Xuân Quỳnh lên một tầng bậc nữa đó là được phổ nhạc vào thơ... Và đó chính là sự sáng tạo trong vở nhạc kịch này hơn 20 bài thơ được phổ nhạc gần như được giữ nguyên bản lời thơ đến 90% không chỉnh sửa. Tôi khai thác ở 3 khía cạnh. Đó là một Xuân Quỳnh hài hước, táo bạo, nhưng cũng rất đỗi trong sáng và nhân văn. Những người có những phẩm chất như vậy thì họ luôn vượt qua khó khăn thử thách trong cuộc đời một cách nhẹ nhàng hơn.

Tôi cố gắng khắc họa một nhân vật điển hình đại diện cho người phụ nữ Việt Nam có những tố chất tốt đẹp đó và có cả một thông điệp rất là lớn nữa là "Con người sống thì phải có ước mơ và dám hi sinh và dám đấu tranh cho ước mơ của mình".

NSƯT Cao Ngọc Ánh: “Nhạc kịch hóa chuyện tình đẹp đẽ của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, tại sao không?” - Ảnh 3.

Hai nhân vật chính của nhạc kịch "Sóng" do Thu Thảo và Lê Việt Anh đảm nhận. Ảnh: NVCC.

Đó là một Xuân Quỳnh với tình yêu dành cho người chồng thứ nhất - Lưu Tuấn. Lưu Tuấn đơn giản chỉ muốn làm một nghệ sĩ chơi đàn violin thôi và thế là đủ rồi. Tại sao cứ phải nghĩ nhiều như thế? Tại sao cứ phải đau đáu nhiều như thế về xã hội? Về nhân tình thế thái?... Thế nên họ dần xa dần nhau về tư tưởng về quan niệm sống.

Đấy cũng là một góc về đời sống tình cảm về câu chuyện tình yêu trong xã hội chứ không phải đơn giản là cứ yêu nhau điên cuồng, vượt qua bố mẹ cấm đoán, xong cứ thế là dắt nhau đến tận cuối đời. Mà vấn đề là có cùng điểm xuất phát nhưng quá trình chung sống họ có còn đi song song với nhau nữa không?

Đó là một Xuân Quỳnh đã yêu Lưu Quang Vũ "ngay cả khi chết đi rồi", yêu mà trong mơ cũng vẫn còn thấy. Tức là lúc nào trong đầu cũng chỉ có hình ảnh của người chồng ấy thôi. Đó cũng là câu chuyện của người phụ nữ Việt Nam, khi mà họ yêu và sùng bái thì cái gì cũng cạn, cạn đủ mọi thứ từ thể xác đến tâm hồn, tất cả mọi thứ đều dồn cho người mình yêu.

Cuối cùng thì chân lý của tình yêu vẫn không chỉ riêng về tình yêu, tất cả vạn vật, cái gì mà thuộc về mình thì sẽ trở về với mình và rõ ràng là mình phải muốn nó trở về nữa.

Xuất thân là biên đạo múa, giờ làm tổng đạo diễn nhạc kịch chị có cảm thấy khó khăn?

- Dù xuất thân từ diễn viên múa, sau làm biên đạo múa nhưng từ tấm bé, tôi đã được tắm trong bầu không khí của nghệ thuật. Nhà ở khu văn công Mai Dịch - nơi mà các nhà hát Tuồng, Chèo, Xiếc, Sân khấu, Điện ảnh, Nhạc vũ Kịch… tụ hội hết thì cứ mở mắt ra tới khi ngả lưng đi ngủ đều được nghe những thanh âm nghệ thuật vang lên.

img
img

Nghệ sĩ Cao Ngọc Ánh (áo xanh) cùng ê-kíp trong buổi casting diễn viên cho nhạc kịch "Sóng". Ảnh: NVCC.

Bản thân bố mẹ tôi cũng làm nghệ thuật nên nhà lúc nào nhà cũng là trụ sở của các bác, các cô, các chú đến để đàm đạo câu chuyện nghệ thuật. Tôi đã sống trong môi trường nghệ thuật ngay từ bé như thế nên tôi yêu tất thảy các loại hình nghệ thuật. Cứ đoàn nào, nhà hát nào ra vở mới là tôi đi xem, xem xong về lại cùng bạn bè tập lại y chang như thế.

Thế nên, khi tôi là đạo diễn của "Trời biếc thu sang" và bây giờ là "Sóng" có thể nhiều người sẽ thắc mắc tôi đã đi học đạo diễn sân khấu ngày nào đâu mà đứng tên Tổng đạo diễn. Nếu nói về ngành ngạch hành chính thì ngạch biên đạo múa bây giờ được đổi sang ngang là ngạch đạo diễn. Còn dù chưa đi học đạo diễn nhưng quá trình làm nghệ thuật tôi đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm. Từ khi về Nhà hát Tuổi trẻ, lúc đó cô Thành (NSND Phạm Thị Thành - PV) đã có tư tưởng nghệ thuật rất cởi mở, cô luôn muốn có cả ca, múa, nhạc trong một vở kịch.

Tôi đúng như cá gặp nước, được thỏa đam mê xem kịch lại được làm biên đạo múa cho các vở kịch của NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Phạm Thị Thành, NSND Lê Hùng, NSƯT Chí Trung... dù mảng múa trong kịch chỉ là sự dẫn dắt từ cảnh này sang cảnh kia mà thôi. 

Nhưng để biên đạo được đoạn múa ngắn đó hoà quyện với vở tổng thể của vở diễn thì tôi cũng phải ngồi xem theo dõi các đạo diễn làm việc dàn dựng cả một vở và đó chính là những bài học thực tế về nghề đạo diễn. 

Tôi đã được học trực tiếp từ các đạo diễn tên tuổi đó và với kinh nghiệm đã từng làm tổng đạo diễn cho nhiều chương trình lễ hội cấp Quốc gia tôi tự tin vào năng lực tổ chức, kiến thức về nhạc kịch và thẩm mỹ nghệ thuật của cá nhân mình với vai trò là tổng đạo diễn của Sóng.

Từ xưa đến nay, với những ai hiểu tôi thì đều đánh giá tôi luôn làm những việc quá sức của mình, làm cái gì cũng phải với một tí. Tôi cũng rất trăn trở xem mình có nên làm hay không. Nhưng tại sao tôi vẫn quyết tâm làm, bởi vì tôi nhận thấy, trên con đường mới đang phát quang này tôi không đi một mình. Khi nảy ra ý tưởng, tôi bàn bạc với đồng nghiệp và các bạn trong nhóm cùng đi Nhật.

Ít nhất tôi cũng có được những quan điểm chung trong cách làm việc nên tôi không cần phải giải thích nhiều về ý tưởng và ước mơ của mình. Tôi có trợ lý Vũ Minh Ly, đạo diễn sân khấu Duy Anh, đạo diễn nhạc kịch Triều Dương, thiết kế sân khấu Phùng Nam Thắng, nhạc sĩ Minh Đạo, nhạc sĩ Tường Văn, các biên đạo tên tuổi và các nhóm truyền thông do Phan Hương phụ trách… đồng hành với tôi nên tôi không cảm thấy khó khăn. Khó khăn lớn nhất chắc vẫn là… tiền để làm (cười).

Cảm ơn NSƯT Cao Ngọc Ánh đã chia sẻ thông tin.

Sóng là vở nhạc kịch thuần Việt mang tính thời đại với câu chuyện dựa trên cuộc đời nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, phản ánh câu chuyện khát vọng theo đuổi ước mơ của phụ nữ Việt. Nhạc kịch Sóng dự kiến công diễn vào đầu tháng 3/2022 tới đây.

Câu chuyện của Sóng bắt đầu khi Xuân Quỳnh là một cô diễn viên múa 18 tuổi xinh đẹp của Nhà hát Ca Múa Nhạc, tính tình hoạt bát sôi nổi. Tại đây cô nảy sinh tình yêu trong sáng với anh nhạc công Trọng Khoa. Hai người kết hôn và sinh một cậu con trai.

Bên cạnh là một diễn viên múa, cô luôn khao khát trở thành một nhà thơ - nhà văn nên đã chuyển sang học viết văn và làm việc tại nhà xuất bản khi được in những tập thơ đầu tiên. Trong thời gian làm việc ở tòa soạn, Quỳnh có gặp Đăng Dương, con của một người bạn thơ lớn tuổi.

Đăng Dương cảm mến văn tài và rung động trước vẻ đẹp cũng như tính cách hoạt bát, sôi nổi của bậc đàn chị Xuân Quỳnh. Khi Quỳnh dần đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp thi ca cũng chính là lúc cuộc hôn nhân đầu tiên rạn nứt.

Quỳnh cảm thấy cô đơn vì không tìm được sự hòa hợp trong tâm hồn với chồng. Quỳnh đi đến quyết định chia tay Khoa và tái hôn với Đăng Dương trước những kỳ thị của xã hội, không đồng thuận của người thân.

Cuộc sống gia đình tuy vất vả khó khăn trong kỳ bao cấp nhưng vẫn rất ấm áp bởi sự hòa thuận cộng hưởng của những trái tim nhân hậu. Ít có gia đình nào vào lúc bấy giờ mà trong một căn nhà 6m2 mà con anh, con tôi, con chúng ta lại nhiều tiếng cười vui vẻ như vậy.

Cho đến khi Dương dần gặt hái những thành công trong nghề, thường xuyên đi công tác xa nhà và được nhiều bóng hồng ngưỡng mộ. Cùng lúc này, căn bệnh tim của Quỳnh tái phát khiến cô nhập viện. Quỳnh bắt đầu tự vấn về cuộc đời, ước mơ và tình yêu đích thực.

Xuyên suốt vở nhạc kịch Sóng, ê-kíp sử dụng lời thoại được sáng tạo dựa trên các bài thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh như: Sóng, Nếu ngày mai em không làm thơ nữa, Tự hát, Dẫu em biết chắc rằng anh trở lại… để nói lên tiếng lòng của nhân vật, đồng thời tạo sự gần gũi với các tầng lớp yêu thơ Xuân Quỳnh.

Những bức thư tình vượt thời gian của cặp vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ cũng được biên kịch gửi gắm vào vở nhạc kịch, nhằm làm tròn trịa hơn không khí lãng mạn, yêu đương rất đời và cũng rất thơ thời bấy giờ.

Điểm đáng chú ý nhất trong dàn dựng của Sóng là hình tượng thuyền và biển được khai thác tối đa để khắc họa cuộc đời và những thăng trầm của nữ thi sĩ. Cụ thể trong dàn dựng sân khấu, ca khúc Thuyền và biển được với phối khí như người kể chuyện. Các bối cảnh, công nghệ và đạo cụ sân khấu như đèn led, màn nhung đen, lụa xanh… cũng được hình tượng hoá để thể hiện rõ nét nhất hai biểu tượng này. Chỉ khi con thuyền - Xuân Quỳnh được xuống biển - Đăng Dương, chỉ khi gặp được đúng người đàn ông của cuộc đời, nhân vật mới đạt đến độ chín muồi của bản thể mình.

Ước mơ của Quỳnh lần đầu tiên có cảm giác trọn vẹn cả về tình yêu lẫn sự nghiệp. Thuyền bên biển như một tri kỉ đầy thấu hiểu, bên nhau để không bao giờ cảm thấy cô đơn. Nhà hát Tuổi trẻ đặt mục tiêu xây dựng Sóng là vở nhạc kịch thuần Việt mang tính thời đại với ê-kíp thực hiện cũng như cốt truyện đậm chất Việt.

Đơn vị này cũng hy vọng sẽ đặt nền móng chuyên nghiệp hóa nhạc kịch nước nhà bằng việc hình thành quy trình, tiêu chuẩn và trực tiếp sản xuất và dàn dựng một chương trình nhạc kịch thuần Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem