Nữ bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan: Người "giải mã" bí ẩn về loãng xương

Bạch Dương Thứ năm, ngày 04/03/2021 15:46 PM (GMT+7)
Theo đuổi về loãng xương từ năm 2008, khi mà loãng xương rất ít được nghiên cứu một cách có hệ thống ở Việt Nam, ThS.BSCKII Hồ Phạm Thục Lan đã hơn 10 năm thực hiện những nghiên cứu quy mô để đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố gen và môi trường đến loãng xương. Đây đều là những nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam.
Bình luận 0
Nữ bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan: Người "giải mã" bí ẩn về loãng xương - Ảnh 1.

BS Hồ Phạm Thục Lan đang giảng bài cho sinh viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Rẽ ngang sang con đường bác sĩ

Nghề y không phải là lựa chọn ban đầu của bác sĩ Thục Lan. Khi còn đi học, chị từng mơ ước thi vào Đại học Bách khoa. Năm 16 tuổi, em gái chị bị bệnh nặng, cận kề cửa tử. Năm đó, cô em gái nhỏ bị bệnh viện trả về cùng câu nói khiến chị khắc cốt ghi tâm: "Không có tiền mua thuốc thì về nhà chờ chết". Không thể nói hết được sự tuyệt vọng của chị cùng gia đình, và chính tại thời điểm đó, chị đã quyết tâm phải trở thành bác sĩ và nguyện lòng sẽ không bao giờ nói với bệnh nhân câu nói như người bác sĩ đó đã nói với em gái chị.

Ban đầu chị học bác sĩ nội trú chuyên khoa 1 về nội nhiễm nhưng trong quá trình khám chữa bệnh, giảng dạy, chứng kiến rất nhiều người bị bệnh cơ xương khớp, chứng kiến những cơn đau đớn khôn tả, đau đến cháy da cháy thịt hành hạ bệnh nhân khi họ không may mắc các bệnh lý về xương khớp, chị đã quyết tâm học chuyên khoa II về nội tổng quát và nghiên cứu sâu về cơ xương khớp.

Gần 30 năm gắn với các bệnh nhân đau xương khớp tại Bệnh viện Nhân dân 115 cũng như làm giảng viên tại ĐH Y dược TP.HCM, nữ bác sĩ xinh xắn ấp ủ cho mình nhiều vấn đề cần "giải mã". Từ cuộc gặp cách đây 10 năm với GS. Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan (Australia), bác sĩ Thục Lan bắt đầu nghiên cứu về loãng xương.

Một trong những nghiên cứu quan trọng của chị là ảnh hưởng của các yếu tố gen và môi trường đến loãng xương. Lý giải việc chọn loãng xương làm lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm, bác sĩ Lan cho rằng, tần suất loãng xương của người Việt Nam rất cao, rất nhiều người trẻ đã bị loãng xương, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Và muốn chẩn đoán loãng xương thì phải so sánh mật độ xương máy đo được từ từng người với tham số được gọi là mật độ xương đỉnh. Tham số này thay đổi ở mỗi chủng tộc, dân tộc, cộng đồng khác nhau. Trong khi đó, những máy đo loãng xương ở nước ta hiện nay được sản xuất tại Mỹ, cài sẵn tham chiếu của người Mỹ , và tham chiếu này cao hơn của người Việt Nam. Vì vậy rất nhiều người Việt bị chẩn đoán loãng xương không chuẩn xác. Điều này không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng sức khỏe bệnh nhân. Bởi nếu không bị bệnh nhưng uống thuốc điều trị loãng xương, một người bình thường có thể bị rối loạn chuyển hóa do tác dụng của thuốc.

Nữ bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan: Người "giải mã" bí ẩn về loãng xương - Ảnh 3.

Nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam giải mã các bí ẩn về loãng xương.

Trong loãng xương, yếu tố di truyền đóng góp tới 70-75%, do vậy bác sĩ Lan cùng nhóm nghiên cứu đã tìm ra 3 gen có liên quan đến bệnh loãng xương ở người Việt Nam. Đây cũng là 3 gen được phát hiện trên người da trắng. Điều đó cho thấy người da trắng và người châu Á có những yếu tố di truyền giống nhau.

Tuy nhiên, có một điểm rất đặc biệt, trong 3 gen này có một gen là yếu tố thuận lợi cho tình trạng mật độ xương ở người da trắng nhưng lại là yếu tố không tốt cho người Việt Nam. Kết quả này một lần nữa khẳng định, có sự tương tác giữa yếu tố di truyền và môi trường, yếu tố môi trường có thể làm thay đổi ảnh hưởng của gen đó trên mỗi cá thể.

Chị tâm sự: "Mọi ý tưởng nghiên cứu của tôi đều bắt đầu từ thực tế quan sát. Ví dụ như tôi tự hỏi người ăn chay có bị loãng xương cao hơn người ăn mặn hay không? Công trình đầu tiên này tôi phải bỏ tiền túi ra làm vì lúc đó không có ai tài trợ, và kết quả rất tốt: người ăn chay không có nguy cơ loãng xương cao hơn người ăn mặn. Từ nghiên cứu đầu tay đó, tôi lại hỏi thêm rằng người ăn chay có thành phần cơ thể (lượng mỡ và lượng cơ) có khác người ăn mặn, và tôi lại tiếp tục nghiên cứu".

Công trình nghiên cứu mà chị tâm đắc nhất đến thời điểm này chính là VOS (Vietnam Osteoporosis Study), được thiết kế như một công trình nghiên cứu phả hệ và đoàn hệ để xác định quy mô loãng xương và gãy xương trong cộng đồng; xác định các yếu tố có liên quan đến loãng xương và gãy xương; định nghĩa mối liên quan giữa loãng xương và các bệnh mãn tính như béo phì, tiểu đường, tim mạch, thoái hoá khớp, ung thư; tìm gen có liên quan đến loãng xương và xây dựng mô hình tiên lượng gãy xương và các biến chứng. Một mục tiêu chung khác là qua công trình VOS, chị và cộng sự muốn xây dựng năng lực nghiên cứu khoa học, sinh tin học (bioinformatics) và di truyền học cho Việt Nam.

Một số kết quả từ công trình này đã được nhận giải Best Oral Presentation Award và Best Poster Award (Clinical Research). Những kết quả trên đã đóng góp tích cực vào thực hành lâm sàng, chính sách y tế ở Việt Nam và đóng góp vào tri thức khoa học loãng xương trên thế giới.

Không chỉ nghiên cứu về  loãng xương, bác sĩ Lan còn là nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu về chuẩn béo phì của người châu Á

Không chỉ có những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu về loãng xương, chị còn nghiên cứu về mối quan hệ của loãng xương với tình trạng thiếu vitamin D và kết quả cho thấy, việc thiếu vitamin D không chỉ ảnh hưởng xương khớp mà còn ảnh hưởng nội tiết, tiểu đường. Nghiên cứu về tác động lượng cơ, xương, nạc lên mật độ xương chỉ rõ, lượng cơ quan trọng hơn lượng mỡ, điều này ảnh hưởng phát triển sức khỏe xương và người Việt. Do vậy, muốn tăng trưởng chiều cao phải thông qua vận động là chủ yếu chứ không phải dinh dưỡng. Từ đó, vận dụng vào thực tế lâm sàng để áp dụng cho trẻ em.

Nữ bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan: Người "giải mã" bí ẩn về loãng xương - Ảnh 5.

Chị đã có những nghiên cứu rất thành công về loãng xương và béo phì.

Không chỉ vậy, bác sĩ Lan còn là nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu về chuẩn béo phì của người châu Á. Hiện nay, tiêu chuẩn chẩn đoán béo phì là dựa vào tỉ trọng cơ thể (BMI) nhưng dựa trên cơ sở dữ liệu nghiên cứu ở người da trắng. Một số nhà nghiên cứu ý giải rằng tiêu chuẩn đó không thích hợp cho người châu Á và nhiều chuyên gia về béo phì tin rằng người châu Á có tỷ trọng mỡ toàn thân cao hơn người da trắng cho dù hai người có cùng BMI.

Vì thế, chị và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu so sánh tỷ trọng mỡ toàn thân giữa phụ nữ Việt Nam và Mỹ, kết quả cho thấy không có sự khác biệt về tỷ trọng này giữa 2 nhóm phụ nữ Việt Nam và Mỹ. Từ đó, chị tiếp tục xác định chuẩn tỷ trọng mỡ toàn thân (PBF) để chẩn đoán béo phì. Đây là lần đầu tiên có nghiên cứu chuẩn hóa được phần trăm mỡ trong cơ thể - tiêu chuẩn vàng chẩn đoán béo phì hiện nay. Đánh giá của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này cho thấy, nghiên cứu của bác sĩ Lan chiếm ưu thế hơn cả chỉ số BMI bởi chỉ số BMI là sử dụng chung cho người châu Á, còn nghiên cứu của bác sĩ Lan chỉ dành riêng cho người Việt.

Vừa là giảng viên, bác sĩ, vừa là nhà nghiên cứu khoa học, lại vẫn phải đảm nhận những thiên chức của người phụ nữ, thách thức lớn nhất đối với chị là chia quỹ thời gian giữa giảng dạy, lâm sàng, nghiên cứu và lo việc gia đình, con cái.

Chị tâm sự : "Nói ra thì giống như là "kể khổ", nhưng thực tế thì tôi hiếm khi nào đi ngủ trước 23 giờ đêm, có khi thức đến 1 giờ sáng để lo các công việc tôi gọi đùa là "việc không tên". Ví dụ như việc bình duyệt bài báo cho các tập san, hoàn toàn tự nguyện và không có lương, nhưng tốn khá nhiều thời gian. Rồi còn những việc như phải viết đề cương xin tiền tài trợ và soạn bản thảo công bố. Nói như vậy không có nghĩa là than thở, mà chỉ để nói rằng làm nghiên cứu khoa học cần phải dấn thân, và các bạn trẻ, đặc biệt là nữ giới, phải chuẩn bị tinh thần nhiều hơn cho sự dấn thân này".

ThS, BSCKII Hồ Phạm Thục Lan đã giành được năm Giải thưởng xuất sắc trong nghiên cứu khoa học:

1. HOSREM 2012 do thành tựu trong nghiên cứu loãng xương.

2."L'Oreal - UNESCO for women in science" 2015 do đóng góp cho nghiên cứu loãng xương ở châu Á và Việt Nam.

3. Giải thưởng Vinh danh Cống hiến 2016 trong việc xây dựng và phát triển ngành Loãng xương.

4. Giải thưởng Alexandre Yersin 2018 cho các công trình nghiên cứu xuất sắc.

5. Giải thưởng thuyết trình tốt nhất tại Hội nghị quốc tế về xương khớp tại Hồng Kông (Trung Quốc) năm 2018.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem