Nữ sinh từng phải bỏ học vì nhà quá nghèo và con đường để trở thành tiến sĩ ở Ukraine

Tào Nga Thứ bảy, ngày 26/03/2022 06:49 AM (GMT+7)
Trần Thị Xuyến hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Ukraine. Thế nhưng, để có được thành công ngày hôm nay, với cô, đó lại là một câu chuyện dài...
Bình luận 0

Từng bỏ học vì quá nghèo

Trần Thị Xuyến, đang là nghiên cứu sinh năm 2, khoa Ngữ văn, chuyên ngành tiếng Nga và văn học Nga, trường Đại học Quốc gia Odessa, Ukraine. Nhớ lại quãng thời gian mình đã trải qua, cô rưng rưng xúc động và bày tỏ 2 chữ... biết ơn.

Xuyến lớn lên ở một miền quê nghèo vùng núi, thôn 11 xã Hòa lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Từ nhỏ, dù đam mê học hành với nhưng hoàn cảnh khó khăn nên học hết lớp 9 cô phải nghỉ học đi làm thuê cùng bố mẹ. Vì nhà không có nương rẫy nên ai thuê gì thì cô làm nấy để lấy tiền đong gạo, chia sẻ gánh nặng với gia đình, lo cho người chị khuyết tật và hai em nhỏ đi học. 

"Hồi đó đi làm cho người ta vất vả, nhìn các bạn đồng trang lứa đi học ngang qua mình đang vác cuốc đi làm, mình luôn khao khát được đi học như các bạn", Xuyến ngậm ngùi.

Nữ sinh từng phải bỏ học vì nhà quá nghèo và con đường để trở thành tiến sĩ ở Ukraine - Ảnh 1.

Trần Thị Xuyến hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Ukraine. Ảnh: NVCC

Rất may, nhờ có thầy Tuấn, một giáo viên ở trường cấp 2 đã đến nhà chở Xuyến đi rút, nộp hồ sơ học tiếp lên cấp 3 trên huyện, cách nhà 15 cây số. Vậy là hằng ngày Xuyến đều đạp xe đi học, trưa về lại vào rẫy đi làm, không có thời gian học hành. "Mình đặc biệt nhớ và biết ơn thầy cô ở trường cấp 3 - Trường THPT Krông Bông, đã luôn giúp mình rất nhiều để có điều kiện học hành, sách vở", Xuyến thổ lộ. 

Sau đó, khi tốt nghiệp cấp 3, vì luôn mơ ước làm cô giáo và để đỡ tiền học phí, Xuyến chọn trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, cũng là khát khao muốn vươn xa hơn, không chỉ bó hẹp mãi ở trong rặng núi bao quanh nơi vùng sâu vùng xa này.

Gần 1 năm học ở Đà Nẵng (năm 2012-2013), sáng lên giảng đường đi học, chiều đi dạy thêm, tối đi phát tờ rơi, có những lúc về muộn đổi tờ rơi lấy ổ bánh mỳ không, đôi khi gói mỳ tôm cũng đã từng là xa xỉ với Xuyến. Mấy tháng đầu Xuyến ra nhập học, bố mẹ gửi cho 400.000 đồng chi tiêu, học tập. Về sau Xuyến tự đi làm và tự lập nên bố mẹ không gửi tiền nữa. 

Ở Đà Nẵng, Xuyến cũng biết ơn vì đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người. "Mình nhớ nhất là khoa luôn khuyến khích mặc áo dài đi học, đặc biệt bắt buộc thứ 2, 4, 6. Mình lại là lớp phó học tập phải gương mẫu, nhưng nhiều hôm đi dạy thêm, đi phát tờ rơi về muộn không kịp về lại KTX thay đồ lấy sổ đầu bài, sách vở mà chạy lên giảng đường, nhờ bạn cùng phòng mang hộ. Nhiều lần mình bị cô mắng nhưng mình biết thầy cô luôn thương và thậm chí sau này vẫn nghe các bạn cùng lớp và các em khóa sau kể cô nhắc đến mình như một học trò cưng, ý chí và chịu khó", Xuyến chia sẻ.

Hành trình đến với Ukraine

Tại Trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng, nhờ có thầy giáo Nguyễn Văn Sang, Xuyến được biết đến chương trình học bổng của Bộ GDĐT và thầy hỗ trợ làm hết hồ sơ cho Xuyến. 

Xuyến nhớ lại: "Mình biết thầy sau một tiết học, thầy không dạy lớp mình, chỉ dạy thay cô giáo khác 1 tiết. Sau buổi học, thầy hỏi mình có muốn đi du học không rồi thầy nói 1 danh sách các nước. Trong lòng 1 cô gái mới ra thành phố, chưa học hết 1 kỳ năm 1, chưa biết gì nhiều, với mình nước nào cũng được, miễn đi học là được. Mình nhờ thầy chọn, thầy khuyên mình chọn Ukraine, vì ở đó mình vừa có thể học tiếng Nga vừa tiếp xúc 2 văn hóa, Nga - Ukraine, dĩ nhiên cả tiếng Ukraine nữa.

Nữ sinh từng phải bỏ học vì nhà quá nghèo và con đường để trở thành tiến sĩ ở Ukraine - Ảnh 2.

Xuyến luôn biết ơn mọi người đã giúp cô có được ngày hôm nay. Ảnh: NVCC

Hồi đó, học ở miền quê, mình chưa  biết đến máy tính, pdf là gì, thầy chở đi làm hết tất cả, photo giấy tờ, đóng tiền lệ phí, nộp hồ sơ. Mình đã từng hỏi thầy, sao thầy tốt với em, thầy bảo mọi người trong khoa đều biết em, đó là cách duy nhất để giúp cho em được đi học tiếp. Ngoài ra, các thầy cô trong khoa cũng hỗ trợ mình nhiệt tình về giấy tờ ở trường".

Năm 2013, cuối học kỳ 2 năm 1, Xuyến nhận được thông báo trúng tuyển học bổng của Bộ GDĐT sang Ukraine du học tại trường ĐH Quốc gia Odessa. Lúc đầu qua đó, Xuyến gặp rất nhiều khó khăn nhưng  luôn nhớ thầy từng nói: "Sang đó em phải học gấp đôi ở nhà, vừa học tiếng, vừa học kiến thức, mà nếu em muốn học tiếp lên thạc sĩ nhất định phải đạt xuất sắc".  

Những năm tháng từng đi làm cực nhọc và sự giúp đỡ rất nhiều từ mọi người cùng với đam mê muốn học tiếp, cơ hội tham gia vào giảng dạy và nghiên cứu là động lực của Xuyến. Tuy nhiên, có những lúc nhớ thầy cô bạn bè cùng với việc gọi điện thoại về nhà nghe mấy tiếng "hết tiền" khiến Xuyến vô cùng hụt hẫng. Xuyến lại tìm niềm vui, an ủi bằng cách vùi mình vào trong những trang sách, học tập cho bớt nỗi nhớ nhà và đơn độc.

Từ năm 2013-2018, học Đại học, rồi trúng tuyển học Thạc sĩ năm 2018-2020, học tiến sĩ năm 2021, Xuyến luôn đạt nhiều thành tích cao trong học tập và nghiên cứu khoa học, dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Từ khi còn là sinh viên năm 2, Xuyến đã có nhiều bài báo nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí quốc tế,  giấy khen trong cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học, bảo vệ luận văn tốt nghiệp xuất sắc với số điểm cao nhất và có số lượng bài báo khoa học xuất bản cao nhất trong khoa. 

Đặc biệt dưới sự hướng dẫn của giáo sư E.H Stepanov, một giáo sư hàng đầu trong chuyên ngành với nhiều công trình nghiên cứu đã công bố trong nước và quốc tế, Xuyến học được cách học tập và nghiên cứu một cách độc lập, đọc những bài báo của thầy giúp cô rèn giũa hơn trong cách tổ chức và viết một cách khoa học hơn, cô nhận ra nhưng điều mình còn thiếu cần phải cải thiện.

Ngoài những lúc học tập, gần 10 năm bên đó, Xuyến có rất nhiều những người bạn thân thiết với nhiều kỷ niệm đẹp của một thời sinh viên. Kể từ khi nhận được học bổng của Bộ, Xuyến được tập trung vào học hành, không còn phải lo bươn chải cuộc sống, sinh hoạt phí được cấp đủ để sống và chi phí học tập, nghiên cứu. Còn 2,5 năm nữa, Xuyến đang phấn đấu để hoàn thành sớm theo quy định và xin trường học vượt thêm các môn của năm sau, hiện tại Xuyến đã viết xong luận án gửi giáo sư, chờ ý kiến.

Tuy nhiên, việc học có chút trục trặc kể từ ngày 24/2 chiến tranh bắt đầu nổ ra tại Ukraine. Trường Xuyến chuyển sang học online, ngày và đêm báo động vài ba lần xuống hầm trú ẩn của KTX. Khi tình hình chiến sự căng thẳng, Xuyến cùng các bạn du học sinh khác được hỗ trợ di tản đến khi về nước. Hiện tại, Xuyến vẫn đang học online theo chương trình học trên trường cùng với nhiệm vụ chính vẫn là trao đổi với thầy về luận án, nghiên cứu và viết báo.

Xuyến chia sẻ, kế hoạch sắp tới sau khi hoàn thành chương trình Tiến sĩ sẽ về giảng dạy ở một trường đại học tại Việt Nam đồng thời tiếp tục công việc học tập nghiên cứu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem