“Nữ thủ lĩnh" kéo cả làng khấm khá nhờ...chuối tây

Cương Cử Thứ bảy, ngày 03/03/2018 13:05 PM (GMT+7)
Không chỉ đảm đương tốt vai trò chi hội trưởng chi hội nông dân của thôn, chị Phạm Thị Tươi (thôn Bản Bung, xã Dương Quang, TP.Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) còn là một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, thu nhập hơn 200 triệu đồng từ trồng chuối, trồng mơ, đồng thời giúp nhiều hội viên, nông dân vượt khó vươn lên có cuộc sống khấm khá.
Bình luận 0

Không an phận thủ thường

Khi học hết phổ thông trung học, chị Tươi ao ước được đi học chuyên nghiệp, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị chấp nhận ở nhà. Năm 1997, chị lập gia đình, ngoài việc làm tốt bổn phận người con dâu, người mẹ hiền, chị còn tìm cách làm giàu cho gia đình.

img

Chị Phạm Thị Tươi thu mua chuối tây của hội viên, nông dân trong xã Dương Quang.

Chị đã tự tìm hiểu các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi qua sách báo, tivi, tham quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp ở trong và ngoài tỉnh. Nhận thấy điều kiện của gia đình có thể phát triển mạnh mô hình trồng trọt, năm 2012, chị quyết định chuyển đổi mô hình trồng khoai sọ trên diện tích đất bạc màu sang trồng chuối tây. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chị tập trung đầu tư công sức, lựa chọn cây con, cuốc hố, bón phân, trồng, chăm sóc mô hình trồng chuối tây, mỗi năm cho thu trên 70 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn làm dịch vụ nhận bao tiêu chuối tây cho bà con nông dân ở trong vùng. Từ dịch vụ này, năm 2017 gia đình chị thu nhập trên 84 triệu đồng.

Chị Phạm Thị Tươi là Chi hội trưởng nông dân thôn Bản Bung vừa được bầu làm Bí thư chi bộ thôn, những năm qua chị không những làm kinh tế giỏi mà còn tích cực tham gia các hoạt động Hội và phong trào thi đua của địa phương…”.

Ông Đặng Xuân Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Quang

Từ sự thành công của mô hình trồng chuối tây, chị Phạm Thị Tươi đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân trong thôn chuyển đổi cây khoai sọ vốn là cây trồng chủ lực và một thời có tiếng (khoai sọ Bản Bung) nhưng năng suất thấp sang trồng chuối. Đến nay, toàn thôn Bản Bung trồng được trên 100ha chuối tây. Riêng gia đình chị Phạm Thị Tươi trồng được 3ha. Từ mô hình trồng chuối tây đã đem lại nguồn thu nhập khá cho hội viên nông dân thôn Bản Bung, cá biệt có hộ cho thu nhập trên 40 triệu đồng/tháng.

Tận dụng lợi thế, đa dạng cây trồng

Năm 2017, bên cạnh trồng chuối tây, chị Phạm Thị Tươi tiếp tục khôi phục lại vườn mơ. Ngoài việc trồng cây mới, chị đặc biệt chú ý chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại cho 1ha cây mơ 9 năm tuổi của gia đình. Ngoài ra, để lấy ngắn nuôi dài và tận dụng đất đồi trống trong vườn mơ, chị Tươi đã trồng cây dứa xen dưới gốc mơ, đất có kết cấu nhẹ, tơi xốp, nhiều mùn, chất dinh dưỡng tốt và thoát nước. Những năm gần đây, quả mơ không đơn thuần còn là loài quả bán ăn vặt mà đã thực sự trở thành nông sản hàng hóa khi thị trường thu mua để chế biến thành rượu mơ, mứt mơ…

img

Thương lái tập nập đánh ô tô vào thôn Bản Bung thu mua chuối tây của bà con nông dân.

Ngoài cây mơ, chuối tây, gia đình chị Phạm Thị Tươi còn trồng trên 100 cây vải thiều, đang bói quả. Từ việc xuất bán hàng chục tấn chuối, mơ, trên 1.000 quả dứa và tiêu thụ trên 400 tấn chuối cho các hộ hội viên nông dân trong vùng, mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng. Từ những nguồn thu đó, chị đã xây được nhà, mua sắm đầy đủ các vật dụng để phục vụ cho sinh hoạt gia đình, nuôi các con ăn học và mua được đất ở trung tâm thành phố Bắc Kạn để sau này mở dịch vụ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem