“Nước cờ” tiếp theo của ông Trần Hùng Huy hậu “siết nợ” nghìn tỷ từ Bầu Kiên

20/03/2019 09:34 GMT+7
Gia đình ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Á Châu (ACB) mới đây đã thực hiện động thái tái cơ cấu sở hữu và đầu tư trong nội bộ gia đình. Ngay sau đó, ngân hàng của vị doanh nhân trẻ này tiếp tục đăng ký bán toàn bộ 10% cổ phần tại công ty kem hơn 60 năm tuổi của Hà Nội. Năm 2018, ACB đã thu hồi được nghìn tỷ đồng từ nhóm 6 công ty có liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên).

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) thông báo giao dịch người có liên quan đến Ủy viên Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần Thủy Tạ (mã TTJ).

ACB của ông Trần Hùng Huy dự thu về gần 11,6 tỷ

Theo đó, ACB sẽ bán toàn bộ 300.000 cổ phiếu, tương đương 10% vốn đang nắm giữ tại TTJ.

Người đăng ký giao dịch là ông Phạm Tuấn Anh, Ủy viên Hội đồng Quản trị và là người đại diện góp vốn của ACB tại doanh nghiệp này.

Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức thỏa thuận với mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 20.3 đến 18.4.

Với mức giá chốt phiên ngày 19.3 tại 38.600 đồng/cp, khối cổ phiếu ACB rao bán trị giá gần 11,6 tỷ đồng. Nếu giao dịch thành công, công ty sẽ không còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của TTJ.

Việc thoái vốn của ACB diễn ra sau khi cổ phiếu Kem Thuỷ Tạ liên tục leo thang trong hai tháng đầu năm, từ vùng giá 21.000 đồng lên mức hiện tại. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp với bình quân 300 cổ phiếu được sang tay mỗi phiên.

CTCP Thủy Tạ biết đến với thương hiệu Kem Thủy Tạ nổi tiếng, tiền thân là nhà hàng Thủy Tạ, được thành lập từ tháng 5.1958. Nhìn vào bức tranh lợi nhuận trong 5 năm gần đây của TTJ có thể thấy, hoạt động kinh doanh của Thủy Tạ đang có nhiều yếu tố “bất lợi”.

Về chỉ tiêu lợi nhuận, năm 2014 – 2015, lợi nhuận sau thuế của TTJ ổn định quanh ngưỡng 6,3 tỷ đồng. Sang năm 2016, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng thêm 1 tỷ, đạt 7,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi tăng tốc vào năm 2016, năm 2017, Thủy Tạ giảm nhanh về ngưỡng gần 5,8 tỷ đồng, đương đương mức giảm gần 22% so với năm trước.

Trong khi lợi nhuận có chiều hướng giảm, nợ phải trả của Thủy Tạ lại tăng dần đều qua các năm. Từ mức10 tỷ năm 2014, tăng lên 12 tỷ năm 2015 và 14 tỷ năm 2016. Năm 2017, nợ phải trả của TTJ lên tới 18 tỷ đồng, chiếm 28% tổng tài sản và xấp xỉ 39% vốn chủ sở hữu của công ty này.

 

Riêng năm 2017, tiền và các khoản tương đương tiền của Thủy Tạ giảm từ mức 5,5 tỷ đầu năm xống chỉ còn 3,2 tỷ tính đến thời điểm 31.12.2017. Trong khi đó, hàng tồn kho tăng xấp xỉ 8 tỷ đồng, tương đương mức tăng 37,5% so với cùng kỳ.

Chưa hết, vay và nợ thuê tài chính của Thủy Tạ cuối năm 2017 leo lên mức 6,2 tỷ đồng. Nếu so với con số 3,2 tỷ đồng ghi nhận vào đầu năm, vay và nợ thuê tài chính của doanh nghiệp này đã tăng gần gấp đôi trong năm 2017.

Đến cuối năm 2017, tổng tài sản của công ty ở mức gần 66 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu kỳ. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 71% với gần 47 tỷ đồng, tài sản dài hạn chỉ hơn 19 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định.

Hiện công ty hiện chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2018, song theo dự kiến tổng doanh thu thuần đạt gần 121 tỷ đồng, tăng 16,5% so với thực hiện năm 2017; lợi nhuận trước thuế đạt 9,53 tỷ đồng, tăng 31,3% so với thực hiện năm 2017; cổ tức 10% và mức lương bình quân từ 6-6,4 triệu đồng/người/tháng.

Cơ cấu lại sở hữu và đầu tư trong nội bộ gia đình

Trong một diễn biến khác, tại ACB, vị doanh nhân trẻ tuổi Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ngân hàng này mới đây đã tăng lượng cổ phiếu ACB do ông Huy nắm giữ lên 43,8 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ sở hữu 3,51% tại ngân hàng. Thời gian thực hiện trong khoảng 6-11.3.

Trong khi ông Hùng Huy mua vào cổ phiếu, chị gái của ông là bà Trần Đặng Thu Thảo lại bán thỏa thuận toàn bộ 2 triệu cổ phiếu ngày 6.3.

Trước đó vào 22.2, trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cũng đã hoàn tất chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu do ba cá nhân sở hữu sang ba tổ chức.

Trong đó, ông Trần Mộng Hùng, người sáng lập, nguyên chủ tịch ACB cũng là cha ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB chuyển nhượng gần 23 triệu cổ phiếu.

Chị gái và em trai ông Trần Hùng Huy là bà Trần Đặng Thu Thảo và ông Trần Minh Hoàng cũng đăng ký bán số cổ phiếu lần lượt hơn 16 triệu cổ phiếu và 12,7 triệu cổ phiếu.

Bên nhận chuyển nhượng cổ phiếu đều là các doanh nghiệp do người nhà Chủ tịch Trần Hùng Huy góp vốn vừa được thành lập hồi tháng 11.2018 với vốn điều lệ 5 tỷ đồng.

Cụ thể, CTCP Đầu tư Thương mại Vân Môn do bà Thảo góp vốn đã tăng vốn lên 386,3 tỷ đồng. Vốn điều lệ CTCP Đầu tư thương mại Giang Sen và Bách Thanh lần lượt đạt gần 695 tỷ đồng và 485 tỷ đồng.

Chia sẻ với báo chí trước đó, Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy cho biết giao dịch chuyển quyền trên chỉ là việc cơ cấu lại sở hữu và hình thức đầu tư trong nội bộ gia đình. Giao dịch trên không nhằm không bán ra thị trường bất kỳ cổ phiếu nào, các thành viên trong gia đình vẫn tiếp tục gắn bó lâu dài và đồng hành cùng ACB.

Siết nợ nghìn tỷ từ Bầu Kiên

Báo cáo tài chính 2018 đã kiểm toán tại ACB của ông Trần Hùng Huy cho thấy lợi nhuận của ngân hàng này tăng vọt, trong khi nợ xấu giảm.

Điểm đáng chú ý, việc thu hồi các khoản nợ xấu đã xử lý của nhóm 6 công ty (G6) liên quan đến liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã đóng góp đáng kể với tổng lợi nhuận trước thuế 6.388 tỷ đồng của ngân hàng này. Lợi nhuận sau thuế tăng khoảng 2,5 lần lên hơn 5.100 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2018, ACB đã thu về tổng cộng 1.765 tỷ đồng bằng tiền từ các khoản nợ đã xử lý, bù đắp bằng nguồn rủi ro trong cả năm 2018, gấp 4,78 lần con số năm 2017.

 Báo cáo tài chính đã kiểm toán 2018 của ACB

Trong đó, 1.129 tỷ đồng thù hồi từ các khoản nợ xấu đã xử lý ghi nhận vào khoản Thu nhập khác và 481 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu, từ đó giảm chi phí hoạt động.

Đến cuối năm 2018, số dư các khoản phải thu và nợ xấu đã xử lý đối với riêng nhóm G6 lần lượt là 135 tỷ đồng và gần 1.349 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2018, ACB đã thu hồi được 481 tỷ đồng khoản phải thu của 2 công ty trong nhóm G6 và 361 tỷ đồng nợ đã xử lý liên quan đến nhóm này. Ở nửa cuối năm, ngân hàng tiếp tục thu hồi nợ được thêm 768 tỷ đồng.

Quy mô tổng các khoản phải thu và nợ xấu liên quan đến G6 đến cuối 2018 còn xấp xỉ 1.484 tỷ đồng, giảm 47% so với cuối năm 2017 (3.103 tỷ đồng)

 “Nhóm sáu công ty” liên quan tới ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) thông qua việc sở hữu cổ phần, góp vốn bao gồm Công ty B&B, Công ty Thiên Nam, Công ty đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (ACI - HN), Công ty Á Châu (ACI), Công ty CP tập đoàn tài chính Á Châu (AFG) và Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội (ACBI). Tại nhóm G6, Bầu Kiên đều nắm quyền chi phối.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục