Nước tiêm vắc xin COVID-19 nhiều nhất thế giới đối mặt khó khăn trong tái mở cửa kinh tế

25/02/2021 07:51 GMT+7
Khi thế giới chờ đợi vắc xin COVID-19 sẽ giúp cuộc sống trở lại bình thường, Israel lại cho thấy quá trình này sẽ dài và gian nan đến thế nào.

Với gần một nửa dân số đã được tiêm ít nhất một liều, Israel hiện là quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 bình quân đầu người cao nhất thế giới. Họ đặt cược việc này sẽ giúp mở cửa lại nền kinh tế. Theo Bloomberg, hôm 21/2, các nhà hát, nhà thi đấu thể thao, khách sạn và phòng gym đã được phép mở cửa cho những người đã tiêm vắc xin hoặc đã khỏi COVID-19. Khoảng 30% dân số nước này đã có thể đến phòng gym, bể bơi và sử dụng các dịch vụ khác.

Nhưng ngay cả khi điều đó mang lại hy vọng cho các doanh nghiệp đã đóng cửa trong nhiều tháng và các nền kinh tế đã chi hàng nghìn tỷ đô la để hỗ trợ người dân trong thời gian đại dịch, Israel lại cho thấy trạng thái bình thường mới có thể sẽ không giống như trước khi đại dịch xảy ra.

 - Ảnh 1.

Người dân chứng minh mình đã tiêm vắc xin COVID-19 trước khi vào một phòng gym ở Tel Aviv. (Ảnh: AFP/ Getty).

Lấy ví dụ như Nhà hát Haifa ở miền bắc Israel. Họ đang chuẩn bị cho buổi biểu diễn trực tiếp đầu tiên kể từ mùa hè năm ngoái

Niza Ben Zvi, Giám đốc rạp hát cho biết: "Khi đèn hành lang được bật lên, tôi cảm thấy tim mình ấm áp trở lại. Hy vọng của tôi nằm ở đó. Chúng tôi đã xong xuôi rồi, chúng tôi sẽ trở lại và không còn hạn chế nào nữa".

Tuy nhiên, dù họ đã bán hết vé cho show diễn cuối tháng này, rạp hát chỉ có thể lấp đầy một nửa vì khán giả cần ngồi trong các khoang riêng biệt. Vì thế doanh thu không đủ bù cho các chi phí tốn kém.

Những câu chuyện tương tự đang diễn ra trên khắp Israel khi người dân chuẩn bị cho thế giới hậu đại dịch. Các doanh nghiệp đang thận trọng tăng tốc hoạt động, các quy định giãn cách xã hội vẫn còn và người tiêu dùng vẫn còn lo ngại. Với việc chứng chỉ vắc xin sẽ hết hạn sau 6 tháng, sẽ phải mất thêm thời gian nữa để bỏ lại đại dịch phía sau.

Tại Isrotel, một trong những chuỗi khách sạn lớn nhất của nước này, các giám đốc điều hành đang mở cửa trở lại hầu hết các địa điểm nhưng sức chứa tuần này chỉ đạt hơn 50%, thấp hơn thời điểm này mọi năm, Giám đốc Amit Bahat cho biết.

Đội bóng đá Beitar Jerusalem cũng không nghĩ đến việc đưa người hâm mộ đến sân nhà Teddy Stadium dù đã vắng bóng khán giả gần một năm. Đó là vì sân vận động sẽ chỉ được phép cho 500 khán giả vào dù có sức chứa hơn 30.000 chỗ ngồi, không đủ bù chi phí mở trở lại. "Tôi không biết liệu mở cửa lại trông sẽ thế nào", Giám đốc đội bóng Mony Brosh nói.

Các động lực kinh tế quan trọng khác cũng đang chững lại. Du lịch hầu như không tồn tại vì sân bay chính của nước này đóng cửa với phần lớn chuyến bay từ đầu tháng 3.

Sau khi GDP giảm 2,4% vào năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Israel dự báo kinh tế sẽ tăng trưởng hơn 6% trong năm nay nếu các đợt tiêm chủng được thực hiện nhanh như hiện tại. Song, rủi ro vẫn còn, đặc biệt nếu xuát hiện một biến chủng mới kháng vắc xin. Một rủi ro khác là chính phủ - có thể thay đổi sau ngày bầu cử 23/3 - không hỗ trợ tài khóa đủ cho quá trình chuyển dịch kinh tế.

Adi Brender, Giám đốc bộ phận kinh tế vĩ mô và chính sách tại bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Israel cho biết: "Câu hỏi bây giờ là làm thế nào để chúng ta rút dần chính sách kích thích một cách thận trọng để không lãng phí tiền và không phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chính phủ".

Việc Israel triển khai tiêm vắc xin nhanh chóng đã giúp tiền tệ nước này tăng giá, đưa nước này vào danh sách các quốc gia có đồng tiền diễn biến tốt nhất thế giới đầu năm nay. Thị trường chứng khoán nước này cũng tăng mạnh hơn Mỹ.

Nhưng sau giai đoạn khởi đầu nhanh chóng, tốc độ tiêm chủng gần đây đã chậm lại. Giới chức Israel đang đề xuất quy định công bố tên những người chưa được tiêm chủng, đồng thời yêu cầu những người trong một số ngành nghề như giáo viên, phải tiêm vắc xin hoặc xét nghiệm thường xuyên.

Nếu giai đoạn tái mở cửa hiện tại diễn ra suôn sẻ, Israel sẽ cho phép các nhà hàng và quán cà phê mở cửa hoàn toàn vào đầu tháng 3, thay vì bị hạn chế chỉ bán mang về và nhận giao hàng như hiện nay.

Giống như những nơi khác trên thế giới, đại dịch đã tác động đến ngành nhà hàng của Israel. Hơn 4.000 trong tổng số 14.000 quán ăn đã đóng cửa. Trong đại dịch, lực lượng lao động của ngành này giảm 80% xuống chỉ còn 50.000 người. Ngoài ra, chi phí liên quan đến việc mở cửa trở lại có thể là quá lớn đối với một số nhà hàng.

Rào cản này đang khiến Jonathan Borowitz, đầu bếp và chủ nhà hàng nướng nổi tiếng M25 ở Tel Aviv, cân nhắc mở cửa trở lại với tốc độ chậm chạp hơn.

Thay vì đưa khoảng 20 món ăn vào thực đơn, anh dự định bắt đầu chỉ với 5 - 6 món cơ bản. Thời gian mở cửa cũng có thể ngắn hơn vì anh ấy không chắc có đủ nhân viên để làm việc 12 giờ một ngày. Với tổng chi phí tái mở cửa vào khoảng 42.800 USD, anh vẫn rất lo lắng.

Anh cho rằng chưa thể vội vàng dốc hầu bao đầu tư ở thời điểm này. "Tôi vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm", anh nói.

Theo Anh Đào
Cùng chuyên mục