Bình Định: Nuôi cá thát lát cườm hình dáng, màu sắc đẹp ở hồ thủy lợi gắn với tiêu thụ

Thứ hai, ngày 12/12/2022 05:06 AM (GMT+7)
Tận dụng nguồn nước các hồ chứa thủy lợi, hỗ trợ người dân phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định xây dựng và thực hiện mô hình “Nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong hồ chứa thủy lợi gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm"...
Bình luận 0

Mô hình “Nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong hồ chứa thủy lợi gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại các hồ chứa lớn như Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh), hồ Mỹ Thuận (ở xã Cát Hưng, huyện Phù Cát), với quy mô 100 m3 lồng nuôi/điểm trình diễn.

Tại hồ Mỹ Thuận, được tỉnh hỗ trợ 50% chi phí giống, vật tư, ông Nguyễn Văn Điều thả vào lồng nuôi 5.000 con cá thát lát cườm giống. 

Sau 8 tháng, cá thát lát lớn nhanh, không xuất hiện bệnh, tỷ lệ sống cao (85%), trọng lượng trung bình đạt 400 gam/con, ước tính sản lượng 1.700 kg/100 m3 lồng nuôi. 

Ông Điều cho biết: Cá thát lát cườm cỡ 400 gam/con thì chưa thể thu hoạch, ở mức từ 700 gam/con lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều. Tuy nhiên, cá phát triển đồng đều, tỷ lệ sống cao như vừa qua, tôi sẽ thu lãi lớn.

Nuôi cá thát lát cườm hình dáng, màu sắc đẹp ở hồ thủy lợi gắn với tiêu thụ ở Bình Định - Ảnh 1.

Anh Dương với hệ thống lồng nuôi trên hồ Định Bình, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: THÀNH NGUYÊN

Tương tự, anh Huỳnh Tấn Dương ở xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, cho hay: Trước đây, tôi chủ yếu nuôi cá điêu hồng, rô phi, trê lai…Được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tư vấn, tôi mạnh dạn chuyển sang thả nuôi 5.000 con cá thát lát cườm giống.

Sau 8 tháng, cá thát lát đã đạt mức 450 gam/con, nếu bán ngay có thể lãi khoảng 40 triệu đồng. Theo anh Dương, so với các giống cá anh từng nuôi tại hồ Định Bình, cá thát lát cườm lớn nhanh, chống chịu bệnh tốt, dễ bán và được giá hơn.

Nuôi cá thát lát cườm hình dáng, màu sắc đẹp ở hồ thủy lợi gắn với tiêu thụ ở Bình Định - Ảnh 2.

Cá thát lát cườm sau 8 tháng nuôi tại một số hồ thủy lợi ở Bình Định Ảnh: THÀNH NGUYÊN

Ông Lê Tấn Phát, Trưởng Phòng Khuyến ngư, thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, cho biết: Mô hình “Nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong hồ chứa thủy lợi gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm” giúp người nuôi an tâm hơn về đầu ra sản phẩm với giá cả hợp lý. 

Các hộ tham gia mô hình nuôi cá thát lát cườm được liên kết tiêu thụ sản phẩm dựa trên cơ chế phối hợp đã được các bên tham gia thống nhất cao. Hy vọng với những thành công bước đầu, mô hình sẽ tạo đà phát triển một đối tượng nuôi có giá trị thương phẩm cao theo hướng bền vững.

Thành Nguyên (Báo Bình Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem