Nuôi tôm công nghệ cao, nông dân Bạc Liêu tăng thu nhập

Thu Hà Thứ bảy, ngày 25/07/2020 05:00 AM (GMT+7)
Thời gian qua, Hội Nông dân (ND) tỉnh Bạc Liêu đã đưa nội dung nông dân ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm thành một nhiệm vụ quan trọng trong công tác hội và phong trào nông dân, xem đây là một tiêu chí đánh giá, xếp loại cuối năm đối với các huyện, thị, thành Hội.
Bình luận 0

Phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương

Trao đổi về tình hình địa phương, ông Phạm Tuấn Tài - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Bạc Liêu có diện tích tự nhiên 258.247ha, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản trên 131.000ha với sản lượng khoảng 116.300 tấn, tăng bình quân mỗi năm 6,87%, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, chiều dài bờ biển dài 56km, rất phù hợp và thuận lợi cho nghề nuôi trồng thủy sản.

Nuôi thủy sản an toàn, nông dân tăng thu nhập - Ảnh 1.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: Trần Thiện

"Thời gian tới, Hội ND tỉnh Bạc Liêu xác định tiếp tục vận động, khuyến khích, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, bền vững, tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp, tiến tới hình thành vùng sản xuất tập trung, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh".

Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bạc Liêu -

Phạm Tuấn Tài

Tỉnh hiện có mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của Tập đoàn Việt - Úc triển khai tại huyện Hòa Bình với diện tích 50ha đã cho năng suất 40 - 80 tấn/vụ/ha tương đương 120 - 240 tấn/vụ/năm. 

Ngoài năng suất cao, mô hình này còn kiểm soát tốt dịch bệnh, dễ theo dõi, điều chỉnh các chỉ số môi trường phù hợp với đối tượng nuôi; đảm bảo được yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Từ đó, Bạc Liêu đã ban hành đề án tái cơ cấu ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; quyết tâm đưa Bạc Liêu thành "thủ phủ" nuôi tôm công nghiệp của cả nước.

Xác định đây là chủ trương lớn của tỉnh, là bước đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao giá trị nông sản, phù hợp với xu hướng sản xuất của thế giới và thích ứng biến đổi khí hậu, thời gian qua, Hội ND tỉnh Bạc Liêu đã tập trung công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, hội viên, nông dân, đặc biệt là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi hiểu rõ chủ trương, định hướng và những ưu đãi, lợi ích khi tham gia mô hình này.

Theo đó, Hội ND các cấp tập trung tuyên truyền các chủ trương lớn của tỉnh đến hội viên, xác định sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà trọng tâm là con tôm, cây lúa là 1 trong 5 trụ cột phát triển của tỉnh nhà.

Bên cạnh đó, Hội cũng coi việc tuyên truyền, vận động, định hướng sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác hội và phong trào nông dân. Đến nay, các cấp Hội ND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức được 377 lớp tập huấn, có 13.286 hội viên, nông dân tham dự.

Gần 60.000 hộ nông dân ký cam kết

Đáng chú ý, để nâng cao trách nhiệm cán bộ hội và hội viên, Hội ND tỉnh Bạc Liêu đã đưa nội dung tổ chức cho hội viên, nông dân ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm thành một nhiệm vụ quan trọng trong công tác Hội và phong trào nông dân, xem đây là một tiêu chí đánh giá, xếp loại cuối năm đối với các huyện, thị, thành Hội. Trong năm 2019, các cấp Hội đã tổ chức vận động 59.429 hộ ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm.

Hội ND các cấp vận động áp dụng, nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, tổ chức 82 cuộc tư vấn, hướng dẫn, có trên 1.394 lượt người tham gia, góp phần giúp nông dân hiểu rõ, để mạnh dạn triển khai sản xuất; "Triển khai thực hiện mô hình nông sản an toàn giai đoạn 2019-2023"; và Kế hoạch 29-KH/HNDT về việc triển khai thực hiện mô hình nông sản an toàn năm 2019. Đến nay, đã triển khai xây dựng và khai trương 2 cửa hàng nông sản an toàn tại phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai và xã Định Thành huyện Đông Hải.

Ông Phạm Tuấn Tài - nhấn mạnh: Từ phong trào này, xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu của hội viên trong phát triển sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Điển hình như mô hình sản xuất luân canh lúa - tôm ở huyện Hồng Dân và huyện Phước Long; mô hình sản xuất rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP ở TP.Bạc Liêu; mô hình nuôi tôm an toàn sinh học, công nghệ cao ở huyện Hòa Bình; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao ở các huyện Vĩnh Lợi, Phước Long, Hòa Bình… Qua đó góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho một bộ phận nông dân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem