"Chảy máu" nhân lực y tế ở Đồng Nai: Bệnh viện công đau đầu vì bác sĩ, điều dưỡng ồ ạt nghỉ việc (bài 1)

Nha Mẫn Thứ hai, ngày 20/06/2022 14:27 PM (GMT+7)
Khoảng nửa năm nay, làn sóng bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật tại bệnh viện công lập lại tiếp tục tái diễn khiến nhiều bệnh viện ở Đồng Nai gặp khó khăn trong công tác khám chữa bệnh.
Bình luận 0

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều bệnh viện công đang gặp khó khăn vì thiếu nhân lực. Nguyên nhân là do áp lực công việc tỷ lệ nghịch với thu nhập dẫn đến cán bộ, nhân viên y tế đua nhau xin nghỉ. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Báo điện tử Dân Việt xin giới thiệu loạt bài "Cháy máu nhân lực y tế ở Đồng Nai" giúp độc giả có thể hình dung về một thực trạng nghiêm trọng có lẽ không chỉ xảy ra đối với địa phương này.

Ồ ạt, điều dưỡng, bác sĩ nghỉ việc

Bệnh viện công đau đầu vì bác sĩ, điều dưỡng ồ ạt xin nghỉ việc (Bài 1) - Ảnh 1.

Sau mùa dịch Covid-19 nhiều bác sĩ, điều dưỡng xin nghỉ việc. Ảnh: Tuệ Mẫn

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, các bệnh viện có số cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc nhiều gồm Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Long Khánh, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai,… Ngoài ra, còn có nhân viên y tế tuyến huyện, trạm y tế phường xã tại các huyện Thống Nhất, Long Khánh, Trảng Bom,… cũng ồ ạt xin nghỉ.

Thống kê, tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) nửa năm qua đã có trên 50 người gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật và cả kế toán xin nghỉ. Các khoa mất nhiều nhân lực nhất là nội tim mạch, nội soi, cấp cứu, tai mũi họng. 

Vì hụt mất nhân lực, chưa tuyển đủ người mới để lấp vào chỗ trống nên những người ở lại đang phải gánh thêm 2 - 3 phần việc do người đi để lại. Áp lực chồng áp lực, người cố bám trụ lại cũng lần lượt nản, đòi xin nghỉ, rời đi.

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất nói rằng Ban giám đốc bệnh viện khá trăn trở về việc thu nhập của anh em thấp dẫn đến tình hình nghỉ việc hàng loạt. Các bác sĩ, điều dưỡng rời đi khiến công tác khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn. Việc tuyển người mới có kinh nghiệm chuyên môn hiện cũng không dễ dàng vì thu nhập thấp, không ai muốn gắn bó lâu dài.

Bệnh viện công đau đầu vì bác sĩ, điều dưỡng ồ ạt xin nghỉ việc (Bài 1) - Ảnh 2.

Nhiều bác sĩ giỏi vẫn nhận mức lương thấp tại bệnh viện công lập. Ảnh: Tuệ Mẫn

Theo ông Dũng, cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc do thu nhập thấp không phải chỉ diễn ra trong năm 2021, 2022 mà đã diễn ra từ khoảng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, hai năm nay dịch bệnh kéo dài, áp lực công việc quá nặng nề nên nhiều người quyết định ra đi, không mặn mà gắn bó với bệnh viện công. 

"Tôi tính, 5 năm nay, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã có khoảng 300 bác sĩ có tay nghề cao, hàng chục điều dưỡng giỏi xin nghỉ việc, đầu quân cho các bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh. Thực tế lương bác sĩ cũng như điều dưỡng mới ra trường ở bệnh viện công vào khoảng 5 triệu/tháng hoặc thấp hơn. Trong khi đó lương công nhân đã 6 - 7 triệu, tăng ca lên đến chục triệu. Bác sĩ lâu năm còn có thể mở phòng mạch, có thu nhập ngoài còn bác sĩ mới ra trường chỉ dựa vào lương mà lương thấp như vậy thì làm sao mà sống”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, năm 2021 có 100 người nghỉ việc, trong đó có 29 bác sĩ. Còn từ đầu năm 2022 đến nay cũng có đến hàng chục nhân viên y tế ra đi, trong đó có nhiều bác sĩ đã gắn bó với bệnh viện từ 5 - 10 năm.

Bà Lê Thị Phương Trâm - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, những nhân viên y tế nghỉ việc đều là những người có tay nghề, học xong chuyên khoa I (đối với bác sĩ) và có chứng chỉ hành nghề. Việc những người này nghỉ việc tại bệnh viện đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tại các khoa cũng như tạo áp lực thêm cho người ở lại. 

Bệnh viện công đau đầu vì bác sĩ, điều dưỡng ồ ạt xin nghỉ việc (Bài 1) - Ảnh 3.

Những ca mổ kéo dài nhiều giờ đồng hồ nhưng bác sĩ, điều dưỡng tham gia kíp mổ chỉ được nhận tiền công khoảng trên 100.000 đồng. Ảnh: Tuệ Mẫn

Bác sĩ nghỉ việc vì thu nhập?

Trước tình trạng này, lãnh đạo bệnh viện đã tiến hành khảo sát về mức thu nhập của nhân viên y tế, đa số họ đều mong muốn có thu nhập cao để đảm bảo cuộc sống. Đa số đều mong muốn Nhà nước có cơ chế về lương, đãi ngộ cho nhân viên y tế công lập gấp đôi hiện nay thì họ mới an tâm gắn bó với cơ sở y tế công lập lâu dài. 

“Về lâu dài, chúng tôi cũng đang tìm giải pháp để giữ chân nhân lực ở lại với bệnh viện. Bởi các khoa đều cần những người giỏi có chuyên môn cao, có kinh nghiệm xử lý các tình huống trong công tác khám, chữa bệnh", bà Trâm chia sẻ.

Không chỉ tuyến tỉnh mà y tế tuyến cơ sở cũng lao đao vì thiếu nhân lực. Ông Nguyễn Đức Phước - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cho biết, năm 2021, toàn huyện Trảng Bom có 5 bác sĩ nghỉ việc nhưng tới nay vẫn chưa tuyển đủ số bác sĩ để lấp vào chỗ thiếu. Vì vậy những người ở lại phải chia đều công việc, tăng thời gian trực, làm thêm giờ,…

Nguyên nhân bác sĩ tại trung tâm nghỉ việc là do thu nhập thấp nhưng ca trực kéo dài dẫn đến bác sĩ bị áp lực. Họ đầu quân cho bệnh viện, phòng khám tư nhân để có thu nhập cao hơn, ổn định cuộc sống. 

“Do thiếu bác sĩ mà nhiều khoa bị mất luôn bệnh nhân. Ví dụ như khoa chạy thận nhân tạo trước đây có 4 bác sĩ để xoay tua nhưng đến nay, chỉ còn 2 bác sĩ, rất khó để thực hiện tốt yêu cầu của bệnh nhân và sự phát triển của khoa dẫn đến bệnh nhân bỏ lên tuyến trên để được hỗ trợ tốt hơn”, ông Phước chia sẻ.

Liên quan đến nhân lực ngành y tế, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - ông Nguyễn Hồng Lĩnh nói rằng ngành y tế cần phải đánh giá lại chính sách thu hút y, bác sĩ vào cơ sở y tế công lập. Đối với những bác sĩ đã nghỉ việc ở các cơ sở y tế công lập, lãnh đạo các đơn vị cần tính toán để tiếp tục tạo nguồn mới, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho bác sĩ mới.

Đồng thời, ngành y tế phải đề xuất chính sách thu hút nhân lực. Ông Lĩnh đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Sở Y tế cùng ngồi lại để nghiên cứu, xem xét chính sách thu hút thanh niên vào học nghề y, đánh giá xem chính sách thu hút đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng vào cơ sở y tế công lập đã tốt hay chưa. Nếu chưa tốt thì cần khẩn trương bổ sung, chỉnh sửa cho hợp lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem