Ở một nơi trên cao nguyên Sìn Hồ của Lai Châu có vườn "cây tiền tỷ", là thứ cây gì khiến người ta tò mò?

Thanh Ngân Thứ năm, ngày 07/03/2024 08:31 AM (GMT+7)
Với mong muốn, ngày càng nhiều người có thể sử dụng các sản phẩm từ sâm Lai Châu, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh đã trồng thành công sâm Lai Châu-loại cây dược liệu quý trên cao nguyên Sìn Hồ. Vườn "cây tiền tỷ" của Công ty đang sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao cho đơn vị.
Bình luận 0

Mạnh dạn đầu tư nhà màng trồng sâm Lai Châu

Khu vực trồng sâm Lai Châu của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh nằm gần tuyến đường chính vào xã Sà Dề Phìn (Sìn Hồ, Lai Châu), đi lại khá thuận tiện. 

Đó là những nhà màng được đầu tư bài bản và khoa học, với hệ thống khung, cột sắt, quây màng xung quanh. Mái nhà màng gồm 2 lớp lưới đen, lớp trên và lớp dưới. Bên trong nhà màng là những luống sâm Lai Châu đang sinh trưởng, phát triển tốt "đẹp như tranh vẽ".

Ở một nơi trên cao nguyên Sìn Hồ của Lai Châu có vườn "cây tiền tỷ", là thứ cây gì khiến người ta tò mò?- Ảnh 1.

Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh đầu tư nhà màng trồng sâm Lai Châu. (Ảnh: Thanh Ngân)

Mở đầu câu chuyện với phóng viên Dân Việt, anh Dương Thanh Lâm – Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh, vui vẻ giới thiệu: Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh là công ty con của Tập đoàn Dược phẩm Thái Minh. 

Công ty đứng chân trên địa bàn bản Sảng Phìn, xã Sà Dề Phìn. Công ty được thành lập, với sứ mệnh nghiên cứu, phát triển, ươm, nhân giống sâm Lai Châu và một số cây thảo dược khác có giá trị kinh tế cao.

Theo anh Lâm, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh lựa chọn vùng đất Sà Dề Phìn để trồng sâm không phải ngẫu nhiên, mà trải qua quá trình khảo sát khá kĩ lưỡng. 

Nằm ở độ cao khoảng 1700m so với mực nước biển, vùng đất Sà Dề Phìn rất thích hợp cho cây sâm Lai Châu sinh trưởng và phát triển. Không hết, vùng đất này còn có địa hình khá bằng phẳng, khí hậu mát mẻ và giao thông đi lại rất thuận tiện.

Ở một nơi trên cao nguyên Sìn Hồ của Lai Châu có vườn "cây tiền tỷ", là thứ cây gì khiến người ta tò mò?- Ảnh 3.

Trong chuyến công tác tại Lai Châu vào cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm vườn sâm Lai Châu của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh. (Ảnh: Thanh Ngân)

Nói như ông Nguyễn Quang Thái – Chủ tịch Hội đồng quản trị Dược phẩm Thái Minh, thì vùng đất Sà Dề Phìn hội tụ đầy đủ các yếu tố lý tưởng để trồng sâm. 

"Hiếm có vùng đất nào có độ cao thích hợp lại bằng phẳng, phù hợp cho trồng sâm Lai Châu với diện tích lớn như ở Sìn Hồ. Sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu đều là loài sâm quý của Việt Nam. 

Chúng tôi chọn trồng sâm Lai Châu là bởi loài dược liệu quý này có giá thành thấp hơn so với sâm Ngọc Linh.

Chính vì giá thành của sâm Lai Châu thấp hơn, nên cơ hội đưa các sản phẩm từ sâm Lai Châu đến với đông đảo người tiêu dùng hoàn toàn có thể thực hiện được, khi loài dược liệu quý này có diện tích đủ lớn. Đây cũng chính là mong muốn của chúng tôi khi chọn trồng sâm Lai Châu" – ông Thái bày tỏ.

Tìm được vùng trồng lý tưởng, năm 2022, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh đã tiến hành thuê đất của người dân bản Sảng Phìn, xã Sà Dề Phìn. 

Ngay sau đó, Công ty đã bắt tay vào cải tạo đất, làm nhà màng và đưa cây sâm Lai Châu vào trồng, chăm sóc theo đúng quy trình kĩ thuật. Đến nay, Công ty có 3 nhà màng, trong đó có 2 nhà màng trồng sâm, với diện tích hơn 1ha và 1 nhà màng ươm cây giống.

Ở một nơi trên cao nguyên Sìn Hồ của Lai Châu có vườn "cây tiền tỷ", là thứ cây gì khiến người ta tò mò?- Ảnh 5.

Vườn sâm Lai Châu của Công ty Cp Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh đang sinh trưởng, phát triển tốt. (Ảnh: Thanh Ngân)

Chỉ vào những luống sâm xanh tốt, anh Lâm cho hay: Tuy mới trồng từ năm 2022, song toàn bộ cây sâm trong nhà màng này đã được từ 4 – 5 tuổi rồi đấy. 

Thấy vẻ mặt ngơ ngác của chúng tôi, anh Lâm vội giải thích: Trước khi bắt tay vào trồng, Công ty đã mua lại toàn bộ vườn sâm Lai Châu của một bác ở Sìn Hồ. Vườn sâm của bác này trồng cách đó mấy năm rồi.

Sau khi làm nhà màng xong, Công ty đã di chuyển toàn bộ số cây sâm đó vào trồng. Thế nên, tính đến thời điểm này, vườn sâm của Công ty đã được từ 4 – 5 tuổi rồi. Ngoài ra, một phần diện tích sâm trong nhà màng này là Công ty mua của người dân về trồng.

Gây dựng vườn sâm Lai Châu "đẹp như phim" trên cao nguyên Sìn Hồ

Qua câu chuyện với anh Lâm, được biết: Sâm Lai Châu thích hợp trồng ở độ cao từ 1400m so với mực nước biển trở lên. 

Trước đây, sâm Lai Châu mọc tự nhiên khá nhiều ở trên rừng. Chúng là loài cây ưa bóng, sinh trưởng và phát triển tốt dưới tán rừng già. Nắm bắt được đặc tính đó, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh đã làm nhà màng, với mái lưới đen 2 lớp cách xa nhau, để che bóng, giảm cường độ nhiệt, ánh sáng, giúp cho cây sâm có môi trường sống gần với tự nhiên.

Không chỉ làm nhà màng, Công ty còn sử dụng giá thể trồng sâm cũng khá gần gũi với tự nhiên. Phần lớn giá thể mà Công ty sử dụng trồng sâm Lai Châu, đó là mùn, được lấy từ rừng già.

Ở một nơi trên cao nguyên Sìn Hồ của Lai Châu có vườn "cây tiền tỷ", là thứ cây gì khiến người ta tò mò?- Ảnh 7.

Theo anh Dương Thanh Lâm - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh, sau 4 năm trồng, cây sâm Lai Châu sẽ cho quả. (Ảnh: Thanh Ngân).

Chia sẻ với Dân Việt về kĩ thuật trồng, chăm sóc sâm Lai Châu, anh Lâm cho biết: "Để cây sâm sinh trưởng, phát triển tốt, đòi hỏi người trồng phải tuân thủ đúng quy trình kĩ thuật. Ngoài việc làm đất tơi xốp còn phải làm luống cao. 

Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh sử dụng 70% mùn, gần 30% đất và lượng phân trùn quế vừa phải để làm giá thể trồng sâm Lai Châu. Sau khi trộn lẫn đất, mùn và phân trùn quế với nhau, Công ty tiến hành lên luống và đưa cây sâm vào trồng và chăm sóc. Công ty trồng sâm Lai Châu với mật độ 150.000 cây/ha".

Trong quá trình chăm sóc, ngoài duy trì độ ẩm (khoảng 45%) trong nhà màng, cán bộ kĩ thuật của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh còn thường xuyên thăm nom, theo dõi tình hình phát triển của cây sâm, từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Công ty lắp đặt hệ thống phun sương, tưới ẩm cho vườn sâm khi thời tiết nắng nóng kéo dài.

Cũng theo anh Lâm, sau 4 năm trồng, cây sâm sẽ cho quả. Năm 2023, Công ty đã thu quả, lấy hạt và đem gieo ươm làm cây giống. Theo chu kỳ sinh trưởng của cây sâm, cứ đến độ tháng 12 là cây sâm lụi hết lá, thân tới tận củ, tạo thành đốt trên củ sâm. Sang tháng 2, khi thời tiết ấm lên, cây sâm lại tiếp tục phát triển thân mới.

"Thay vì để thân, lá cây sâm lụi tự nhiên, trước khi lá sâm chuyển sang màu vàng, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao tiến hành cắt hàng loạt để chế biến thành trà lá sâm. Sau khi cắt, Công ty lại phủ thêm một lớp mùn cho luống sâm. Trà lá sâm rất tốt cho sức khỏe" – anh Lâm thông tin.

Sống trong môi trường gần giống như sống tự nhiên ở trong rừng, lại được chăm sóc đúng quy trình kĩ thuật, vườn sâm của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh đang sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho đơn vị. Khi cây sâm được 6 tuổi, Công ty sẽ thu củ để chế biến thành phẩm, bán ra thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem