Ở một nơi ở Điện Bàn của Quảng Nam, nông dân đổi đời nhờ đầu tư nuôi con đặc sản

Trần Hậu Thứ hai, ngày 01/01/2024 05:22 AM (GMT+7)
Nhiều nông dân ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã trở nên khá giá hơn nhờ vay vốn Ngân hàng CSXH để đầu tư nuôi con đặc sản, trong đó có mô hình nuôi heo rừng lai.
Bình luận 0

Thời gian qua, "bức tranh" kinh tế - xã hội của thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều đổi thay ấn tượng. Kết quả đó, có sự đóng góp rất lớn của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thị xã Điện Bàn.

Mạnh dạn làm kinh tế nhờ vốn vay ưu đãi

Ông Lê Văn Hưng – Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Điện Bàn cho biết: Những năm qua các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thị xã đã được triển khai kịp thời, có hiệu quả đến các đối tượng thụ hưởng, đã đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Tín dụng chính sách góp phần quan trọng vào việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội.

Hiện nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Điện Bàn đã tập trung cho vay theo các chương trình, như cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm, cho vay học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường…

Ông Hưng cho biết thêm, những năm qua, hàng nghìn hộ dân đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH để tự tạo việc làm, mở rộng mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt, qua đó nâng cao thu nhập.

Tiêu biểu như hộ anh Nguyễn Chương (ở phường Điện Thắng Nam) với mô hình trồng nấm bào ngư; chị Lê Thị Hương (ở phường Vĩnh Điện) với mô hình sản xuất bột ngũ cốc Hương Bột, anh Cao Hùng Cường (ở phường Điện Dương) với mô hình nuôi lợn rừng lai…

Ở một nơi ở Điện Bàn của Quảng Nam, nông dân đổi đời nhờ đầu tư nuôi con đặc sản - Ảnh 2.

Anh Cường chia sẻ niềm vui với cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Điện Bàn và chính quyền địa phương. Ảnh: T.H

Với mong muốn tìm kiếm một hướng đi mới, anh Cao Hùng Cường (khối phố Hà My Đông B, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mô hình chăn nuôi lợn rừng lai, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình anh Cường có thu nhập ổn định. 

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề chăn nuôi lợn rừng lai, anh Cao Hùng Cường nói: "Trước đây, tôi làm công nhân cây xanh nhưng thu nhập chỉ đủ để sống qua ngày, trong khi 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. 

Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ thịt lợn rừng lai trên thị trường ngày càng cao, từ đó tôi đã tìm hiểu và xây dựng mô hình nuôi lợn này trên chính đất vườn nhà của gia đình".

Anh Cường nhớ lại, đầu năm 2019, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân phường Điện Dương, anh đã vay vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Điện Bàn 50 triệu đồng cùng số vốn mà gia đình đã tích góp được, anh bắt đầu xây dựng mô hình nuôi lợn rừng lai.

"Hiện nay, mỗi năm tôi xuất bán khoảng từ 45-50 con lợn rừng lai thương phẩm, ngoài ra còn bán lợn giống cho các hộ dân có nhu cầu nuôi, cho doanh thu khoảng 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí tôi lãi hơn 150 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định, nuôi con ăn học….".

Anh Cao Hùng Cường


Ở một nơi ở Điện Bàn của Quảng Nam, nông dân đổi đời nhờ đầu tư nuôi con đặc sản - Ảnh 4.

Giá heo rừng lai bán dao động từ 160.000 -180.000 đồng/kg. Ảnh: T.H

Ở một nơi ở Điện Bàn của Quảng Nam, nông dân đổi đời nhờ đầu tư nuôi con đặc sản - Ảnh 5.

Ban đầu do vốn ít nên anh chỉ mua 4 con lợn rừng lai giống (gồm 3 con cái và 1 đực) với số tiền hơn 30 triệu đồng. Khoảng vốn còn lại anh tập trung xây dựng chuồng trại kiên cố, cải tạo lại khu vườn rừng của gia đình để đầu tư nguồn thức ăn.

Theo anh Cường, lợn rừng lai là giống lợn tương đối dễ nuôi. 

Mỗi năm, lợn mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa đẻ từ 6 - 8 con. Ngoài xuất bán lợn thịt thì anh Cường còn chọn lọc những con tốt để làm giống, cứ thế xoay vòng.

Trang trại chăn nuôi lợn rừng lai của anh Cường nằm xa khu dân cư, hơn nữa anh đang áp dụng biện pháp an toàn sinh học, sát khuẩn chuồng thường xuyên nên vấn đề vệ sinh môi trường luôn được đảm bảo. Phân lợn được anh tận dụng ủ làm phân vi sinh bón cho cây trồng trong vườn nhà.

Nói về "bí quyết" chăn nuôi lợn nhanh lớn, không để dịch bệnh tấn công và đảm bảo chất lượng thịt thương phẩm, theo anh Cường là thường xuyên dọn vệ sinh môi trường sạch sẽ, chuồng trại đủ sự thông thoáng vào mùa khô và đủ ấm mùa lạnh.

Để có thức ăn sạch nuôi lợn, anh Cường chủ động tạo nguồn thức ăn xanh, thức ăn hữu cơ, phế phẩm nông nghiệp như: Bã bia, đầu cá, đầu tôm, bánh dầu, các loại rau, cỏ trồng tại địa phương, chuối cây. Chú trọng bổ sung thêm cám gạo, cám ngô để gia tăng chất lượng thịt và giúp đàn lợn phát triển nhanh hơn.

Đặc sản luôn bán cháy hàng

Ở một nơi ở Điện Bàn của Quảng Nam, nông dân đổi đời nhờ đầu tư nuôi con đặc sản - Ảnh 6.

Anh Cao Hùng Cường (khối phố Hà My Đông B, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi lợn rừng lai. Ảnh: T.H

Anh Cường cho biết, chi phí đầu tư ban đầu cho chuồng trại không cao, chủ yếu xây tạo được môi trường chăn nuôi bán thả rông (nuôi nhốt kết hợp với thả rông) phù hợp với tập tính vốn có của lợn rừng. Khi lợn rừng được vận động nhiều, ủi đất tìm thức ăn thì sẽ khỏe mạnh hơn và thịt săn chắc.

Là tay ngang rẽ sang chăn nuôi nên anh Cường gặp không ít khó khăn lúc mới khởi nghiệp. Lợn rừng lai với bản tính hoang dã, quen với môi sống trường tự nhiên nên khi bị nuôi nhốt thì nhiều con chưa thích nghi đã bỏ ăn, tỷ lệ lợn chết khá cao.

Nhưng với quyết tâm "đổi đời" anh đã không nản lòng, tích cực tìm hiểu kiến thức và học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi từ những người đi trước, tham khảo sách báo, mạng Internet để tìm ra phương pháp chăn nuôi, giúp đàn lợn rừng lai dần thích nghi.

Anh gây dựng lại đàn, có sản phẩm xuất ra thị trường để xoay vốn tiếp tục đầu tư mua con giống. Khi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, anh tiếp tục mở rộng quy mô đàn lợn theo hình thức chăn nuôi bán thả rông. Có thời điểm đàn lợn của anh lên đến 100 con. Theo anh Cường, công việc nuôi lợn rừng lai theo hướng bán thả rông không quá vất vả, nhưng phải cẩn trọng và tỉ mỉ trong việc chăm sóc lợn mẹ và lợn con.

Vì ăn thức ăn xanh hữu cơ là chính nên lợn rừng lai có thời gian sinh trưởng lâu, khi được 9-10 tháng sẽ đạt trọng lượng khoảng 35-40kg và xuất bán với giá dao động từ 160.000-180.000 đồng/kg lợn hơi.

Lợn rừng lai nuôi bán thả rông cho thịt săn chắc, thơm ngon, ăn mềm nhưng rất ít mỡ, da dày nhưng giòn chứ không dai và không cứng như thịt lợn nhà nên rất được thị trường ưa chuộng. 

 Đặc biệt vào mỗi dịp tết, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn rừng tăng cao không đủ số lượng lợn thịt để bán. 

Hiện tại, mô hình nuôi lợn của anh Cường có diện tích rộng hơn 1.500m², với tổng lượng đàn hơn 100 con/năm, trong đó có 5 con lợn mẹ sinh sản cho ra những lứa lợn con chất lượng.

Dự kiến trong thời gian tới anh sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi, đầu tư xây dựng chuồng trại với số lượng hơn 200 con lợn rừng lai/năm.

"Hiện nay, mỗi năm tôi xuất bán khoảng từ 45-50 con lợn rừng lai thương phẩm, ngoài ra còn bán lợn giống cho các hộ dân có nhu cầu nuôi, cho doanh thu khoảng 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí tôi lãi hơn 150 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định, nuôi con ăn học…." - anh Cường vui mừng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem