Ở Ninh Bình có món bánh đặc sản giòn tan thường xuyên xuất hiện trên bàn nhậu mà ăn hoài không chán

Vũ Thượng Thứ tư, ngày 01/09/2021 13:35 PM (GMT+7)
Gọi là bánh đa ông Goòng bởi món bánh này gắn chặt với tên của ông Nguyễn Văn Goòng (70 tuổi, xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) hơn 40 năm nay. Bánh đa ông Goòng khi ăn vào miệng cảm nhận giòn rụm, có vị thơm, bùi từ hạt vừng nướng, ăn hoài không chán.
Bình luận 0

Tìm về thôn Phong An, xã Khánh Thiện (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN hỏi nhà ông Nguyễn Văn Goòng làm nghề bánh đa không ai là không biết. Ông Goòng năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông gắn bó với nghề làm bánh đa vừng truyền thống hơn 40 năm nay.

Clip: Giòn rụm bánh đa ông Goòng xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình

Để có những chiếc bánh đa thơm ngon, mang "thương hiệu" bánh đa ông Goòng phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, việc tráng bánh đa cũng rất vất vả, khó nhọc vì phải nhanh mắt, nhanh tay và dường như toàn bộ cơ thể đều phải làm việc.

Giòn rụm bánh đa ông Goòng - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Goòng (70 tuổi xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh), hơn 40 năm làm nghề tráng bánh đa vừng. Ảnh: Vũ Thượng

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Goòng cho biết: "Tôi thường thức dậy từ lúc 3 giờ sáng để chuẩn bị các nguyên liệu làm bánh đa như: Gạo, vừng, gấc…bình quân ngày tôi làm khoảng 20 kg gạo, ước lượng 160 cái bánh đa/ngày".

Giòn rụm bánh đa ông Goòng - Ảnh 3.

Để có những chiếc bánh đa ngon, ông Nguyễn Văn Goòng sử dụng gạo Q5. Ảnh: Hoàng Hiệp

Cũng theo ông Goòng, gạo làm bánh đa phải được ngâm từ 6-7 tiếng, khi gạo ngậm đủ nước, đạt đến độ căng mọng thì cho vào xay, nếu ngâm quá giờ, gạo sẽ bị chua. Nhờ áp dụng máy móc, mô tơ kéo cối nên gia đình ông Goòng giảm được sức lao động và thời gian làm bánh đa.

Giòn rụm bánh đa ông Goòng - Ảnh 4.

Những cái cối xay gạo làm bánh đa nay đã lắp mô tơ kéo thay cho sức người. Ảnh: Vũ Thượng

Tiếp theo tráng bánh, và chuyển sang công đoạn phơi bánh cũng vất vả, nặng nhọc không kém bởi người phơi bánh phải nhớ từng chành, từng khu vực để mà trở cho bánh khô đều, sau đó ép cho bánh thành chồng để cất trữ...

Chỉ cần xem ông Goòng tráng bánh cũng đủ biết cái gian truân, vất vả của nghề. Qua mỗi chiếc bánh đa, ông Goòng như muốn gửi gắm cái tâm, cái tình của mình vào trong đó.

Giòn rụm bánh đa ông Goòng - Ảnh 5.

Công đoạn phơi bánh đòi người phơi phải nhớ từng chành để lật bánh cho đều. Ảnh: Hoàng Hiệp

Nghề làm bánh đa như ông Goòng chỉ mong sao trời trong, mây trắng, nắng to bởi quanh nhà đều được dành cho việc phơi bánh. Bánh phơi trên giàn trước nhà, trước ngõ, phơi trên mái ngói, phơi trên nóc nhà cao tầng...Khi bánh đa đến độ khô vừa phải, phải thu lại vào chỗ mát để bánh không bị cong.

Giòn rụm bánh đa ông Goòng - Ảnh 6.

Giá bán mỗi chiếc bánh đa khi đã nướng qua than hoa từ 10.000-15.000 đồng/chiếc. Ảnh: Vũ Thượng

Bình quân mỗi tháng gia đình ông Goòng làm được từ 4.500-5.000 chiếc bánh, với giá bán từ 10.000- 15.000 đồng/chiếc…trừ mọi chi phí gia đình ông cũng bỏ túi gần 200 triệu đồng/năm. 

"Hiện nay, trong thôn Phong An (xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh) chỉ còn 3 gia đình làm bánh đa. Nghề này đã gắn với tôi hơn 40 năm, chỉ mong mình còn sức khỏe, còn làm được thì cứ làm thôi, vừa có thêm thu nhập đều, vừa gìn giữ nghề truyền thống của địa phương" - ông Nguyễn Văn Goòng tâm sự

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem