Ở nước ngoài muốn ăn cam Cao Phong chính hiệu thì làm thế nào?

Minh Ngọc Chủ nhật, ngày 07/11/2021 07:00 AM (GMT+7)
Dự kiến khoảng hơn 6.000 tấn cam Cao Phong (Hòa Bình) sẽ được bán trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Vỏ Sò và Sendo và có thể được xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bình luận 0

Thông tin này được ông Bùi Văn Dán - Trưởng phòng NNPTNT huyện Cao Phong chia sẻ với phóng viên Dân Việt trước khi bước vào chính vụ thu hoạch cam Cao Phong đầu tháng 11 năm nay.

6.000 tấn cam Cao Phong lên sàn

Ông Bùi Văn Dán cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 vẫn rất khó lường, UBND huyện Cao Phong đã đề ra 3 kịch bản để tiêu thụ cam cho nông dân. Trong đó, bán cam qua sàn TMĐT là một trong những hình thức tiêu thụ của vụ cam năm nay.

Ngay từ tháng 8/2021, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình lên kế hoạch tiêu thụ cam Cao Phong, với tổng sản lượng dự kiến khoảng 6.000 tấn sẽ được bán trên sàn TMĐT Vỏ Sò và Sendo.

"So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến qua các sàn TMĐT không những mở thêm cơ hội mới cho các hộ nông dân Cao Phong có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước, mà còn hỗ trợ tiêu thụ, tránh bị thương lái ép giá trong giai đoạn dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp" - ông Dán chia sẻ.

Ông Dán thông tin thêm, niên vụ cam 2021, huyện Cao Phong có gần 2.000ha cam, đa số đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, với tổng sản lượng dự kiến cả vụ đạt gần 22.000 tấn.

Cao Phong kỳ vọng “mùa cam ngọt”  - Ảnh 1.

Anh Vũ Văn Thuấn (ở xóm Chiềng, xã Thung Nai, huyện Cao Phong) có diện tích 10ha trồng cam. Ảnh: M.N

Ngoài việc hỗ trợ, hướng dẫn, tập huấn cho các hộ sản xuất nông nghiệp để đưa cam và các nông sản của tỉnh lên sàn TMĐT, Bưu điện tỉnh Hòa Bình sẽ miễn phí toàn bộ các chi phí đăng ký, quản lý gian hàng trên sàn Postmart.vn cho người dân.

Đồng thời cũng sẽ áp dụng nhiều chính sách ưu đãi về giá cước, đóng gói hàng hóa, quảng bá thương hiệu…

Giám đốc sàn TMĐT Vỏ Sò - ông Trần Trung Kiên cho hay, cam là một loại trái cây dễ bảo quản và vận chuyển. Nếu làm đúng quy cách, cam Cao Phong có thể giữ được độ tươi trong khoảng 1 tuần, giúp cho việc vận chuyển và tiêu thụ trên toàn quốc. 

Mục tiêu hướng đến của các đơn vị trong mùa cam Cao Phong năm nay là quảng bá, hỗ trợ mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, tiêu thụ nông sản trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số. 

Đồng thời, thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi vào cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản.

Ông Kiên nhận định, việc xuất khẩu cam Cao Phong ra nước ngoài cũng hoàn toàn khả thi. Với kinh nghiệm đã triển khai xuất khẩu "thương mại điện tử xuyên biên giới" vải thiều vào tháng 6 vừa qua, Viettel Post đang xúc tiến để đưa cam Cao Phong lên gian hàng Vỏ Sò Global, giúp bà con Việt kiều đang ở nước ngoài có thể mua cam Cao Phong chính gốc. 

"Điều này vừa giúp các hộ sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình có một đầu ra mới, vừa nâng tầm giá trị nông sản Việt trên thị trường quốc tế" - ông Trần Trung Kiên cho hay.

"Cam Cao Phong bị nhái rất nhiều"

Ông Đặng Văn Hà - thành viên HTX Hà Phong (xã Bắc Phong, huyện Cao Phong) cho biết, hiện đơn vị này có khoảng 150ha trồng cam, với sản lượng ước tính khoảng 1.000 tấn, gồm 3 loại sản phẩm chính là cam lòng vàng, cam canh và cam V2.

Ngoài ra, HTX cũng có thêm các sản phẩm chế biến nên rất muốn tiếp cận được thêm nhiều khách hàng để quảng bá rộng rãi thương hiệu sản phẩm của đơn vị.

"Năm nay dịch bệnh căng thẳng quá, tôi rất lo cho việc tiêu thụ cam vào 1 - 2 tháng tới đây. Năm nay chúng tôi vừa duy trì kênh tiêu thụ truyền thống vừa bổ sung kênh tiêu thụ mới là sàn TMĐT. Chúng tôi mong được các sàn TMĐT hướng dẫn cách đưa cam lên sàn TMĐT. Tôi rất kỳ vọng vào kết quả giao dịch của năm đầu tiên triển khai này" - ông Hà chia sẻ.

Ông Dán cho hay, với diện tích như hiện nay, mỗi năm sản lượng cam của huyện Cao Phong trên 20.000 tấn. Với giá bình quân dao động từ 15.000 đồng/kg thì trái cam đang mang lại giá trị trên 300 tỷ đồng cho nông dân ở đây.

Tuy nhiên, theo ông Dán, trong vài năm trở lại đây, tình hình sâu bệnh trên cây cam diễn biến phức tạp, cộng với sự suy thoái của cây, dẫn đến không ít các hộ dân đã phá bỏ cam để chuyển sang cây trồng khác. Điều nay dẫn đến việc tái cơ cấu cây cam gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù đã được cấp chỉ dẫn địa lý, nhưng cây cam ở Cao Phong vẫn chưa được cấp mã số vùng trồng nên trái cam vốn nối tiếng khắp miền Bắc này vẫn chưa có cơ hội xuất khẩu.

"Đây cũng là trăn trở của chúng tôi rất nhiều năm nay. Dự kiến trong giai đoạn 2021-2025 cam Cao Phong sẽ được cấp mã số vùng trồng để rộng đường xuất khẩu" - ông Dán bày tỏ.

Một nguyên nhân nữa mà trái cam Cao Phong vài năm trở lại đây đã ít nhiều bị đánh giá thấp, được ông Dán chỉ ra là cam Cao Phong bị "mạo danh" ở rất nhiều nơi: "Cam được trồng ở địa phương khác hay cam kém chất lượng khi vận chuyển đi tiêu thụ thì lại nhái là cam Cao Phong. Điều này đem lại hệ lụy về hình ảnh rất không tốt cho trái cam của chúng tôi".

Theo ông Dán, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa Bình đã ban hành đề án tái cơ cấu cây có múi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, dự kiến 500 tỷ đồng sẽ được đầu tư để quy hoạch lại cây cam ở huyện Cao Phong. 

"Với đề án này, trong những năm tới đây chúng tôi rất kỳ vọng vào sự phục hồi về chất lượng cũng như hình ảnh trái cam Cao Phong đến người tiêu dùng" - ông Dán nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem