Ô tô Việt đắt hơn so với các nước khác: Bộ Công thương nói gì?

03/12/2019 10:14 GMT+7
Tại họp báo Chính phủ chiều 2/12, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận, ô tô Việt Nam đang đắt hơn so với các nước khác, kể cả những nước đang phát triển cũng như những nước xung quanh.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, để tạo nên giá thành một chiếc ô tô, có hai phần hết sức quan trọng. Một là sản xuất lắp ráp trong nước thì chúng ta được giảm giá thành. Phần thứ hai là thuế phí hiện chiếm một phần tương đối lớn trong tỉ lệ tạo thành giá thành.

Ông Hải cho rằng, dung lượng thị trường ôtô Việt Nam còn nhỏ, chưa đủ điều kiện như các quốc gia phát triển. Trong khi đó, xe phải chịu cạnh tranh khốc liệt của các nước trong khu vực và thế giới như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc...

Ô tô Việt đắt hơn so với các nước khác: Bộ Công thương nói gì? - Ảnh 1.

Thuế phí đang chiếm phần lớn giá ôtô bán ra trên thị trường. Ảnh Zing

Thứ hai, theo Thứ trưởng, Việt Nam đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do, nên dư địa để can thiệp bằng chính sách vào phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp ô tô không lớn. "Vì phải tuân thủ các cam kết quốc tế, có nghĩa là không phải chúng ta muốn làm gì thì làm", ông nói.

Thứ ba, ông Hải chỉ rõ Việt Nam hiện chưa có nhiều doanh nghiệp có tầm cỡ khu vực cũng như thế giới trong lĩnh vực công nghiệp ô tô.

"Nếu tính trên đầu ngón tay thì chúng ta có thể tính đến Thaco Trường Hải, nhưng mà còn ai nữa? Liệu có phải Huyndai Thành Công ở Ninh Bình hay Vinfast hay không thì còn phải có thời gian. Như vậy chúng ta không có những đầu tàu nên rất khó để kéo những toa tàu, chính là nền sản xuất công nghiệp hỗ trợ của chúng ta. Đây là một thực tế", ông nói.

Thứ tư, Việt Nam đang thiếu các vật liệu cơ bản để sản xuất, chế tạo ôtô như nhựa, cao su... nên phải nhập khẩu, giá thành cao.

Bên cạnh đó, ông cho biết tập quán kinh doanh của các nước là thường sử dụng các doanh nghiệp đã sản xuất của chính quốc gia họ về công nghiệp hỗ trợ. Chính vì vậy việc gia nhập vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt vẫn hạn chế và điều đó cũng cản trở, gây khó cho việc sản xuất ở trong nước…

Theo Thứ trưởng Hải, về giải pháp, Việt Nam sẽ tiếp tục bảo vệ, tạo dựng và phát triển thị trường cho ngành ô tô trong nước thông qua hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế. Có chính sách kích cầu tiêu dùng ô tô thông qua việc quy hoạch hợp lý hệ thống hạ tầng giao thông, khuyến khích tín dụng để tiêu dùng sản phẩm ô tô.

"Chúng tôi đã họp rất nhiều lần, nắm bắt được nhu cầu, đề xuất kiến nghị của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành ô tô của Việt Nam, kể cả trong nước và FDI vào Việt Nam để đề xuất sửa đổi và bổ sung một số quy định liên quan đến thuế, phí nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách về chi phí sản xuất giữa ô tô trong nước và ô tô nhập khẩu", ông nói.

Bên cạnh đó, ông cho biết sẽ có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển sản xuất ô tô, trong đó chú trọng đầu tư vào công tác nghiên cứu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, tham gia sâu vào giá trị toàn cầu của ngành này. Đồng thời, Việt Nam sẽ có các cơ chế thu hút chính sách đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia vào các dự án có quy mô lớn, những dòng xe chưa có.

Bổ sung phần trả lời của Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ tài chính, cho biết Chính phủ đã có Nghị định 125/2017 với một số ưu đãi ôtô sản xuất trong nước. Cụ thể, đã có ưu đãi 5 năm với mức thuế nhập khẩu 0% cho linh kiện phụ tùng mà trong nước không sản xuất được.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ sửa đổi nghị định này để tạo thuận lợi hơn nữa.

"Chúng tôi đề xuất quy định thuế suất 0% cho linh kiện, phụ tùng sản xuất ôtô trong nước, thậm chí cả nhập khẩu. Đây được kỳ vọng là một bước ưu đãi hơn cho doanh nghiệp", bà Mai nói.

Theo tính toán, người tiêu dùng trong nước phải chịu nhiều khoản thuế, phí khi sở hữu một chiếc ôtô như: Thuế trước bạ, phí kiểm định, phí lấy biển số mới, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, phí bảo trì đường bộ và các khoản phí khác.

Không những vậy, ở góc độ sản xuất, nhiều doanh nghiệp cũng chịu thuế cao với linh kiện sản xuất trong nước, thuế tiêu thụ đặc biệt… đã khiến giá xe ở Việt Nam cao so với thế giới.

Ở Việt Nam hiện nay, có 3 loại thuế tác động lớn đến giá bán ôtô là thuế nhập khẩu (với dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc), thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT.

Hiện thuế nhập khẩu cho các linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp ôtô ở mức từ 5 đến 20% tùy thuộc vào bộ linh kiện. Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng áp dụng từ 35 đến 150% tùy thuộc dung tích động cơ bên cạnh 10% VAT. Các chi phí cho mạng lưới đại lý, kênh phân phối dao động 10-20% cũng sẽ được tính vào giá xe.

Ngô Trang
Cùng chuyên mục