Nguyên Chủ tịch tỉnh Bình Dương Hồ Minh Phương- người góp công xây dựng địa phương thành tỉnh công nghiệp hàng đầu vừa qua đời

Trần Khánh Chủ nhật, ngày 04/09/2022 17:41 PM (GMT+7)
Trong quá trình lãnh đạo, ông Hồ Minh Phương - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương được xem là người đã góp công đưa tỉnh thuần nông Sông Bé – Bình Dương phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại của cả nước.
Bình luận 0

Ông Hồ Minh Phương - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương qua đời

Người góp công xây dựng Bình Dương trở thành tỉnh công nghiệp hàng đầu vừa qua đời - Ảnh 1.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thắp hương viếng ông Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Ảnh: Đỗ Trọng

Ngày 4/9, thông tin từ phía gia đình cho biết, ông Hồ Minh Phương - nguyên Phó Bí thư tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vừa qua đời vào sáng cùng ngày, hưởng thọ 79 tuổi.

Ông Hồ Minh Phương sinh năm 1944, quê ở huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Trong thời kỳ làm lãnh đạo, ông Hồ Minh Phương được đánh giá là người có lối sống bình dị, hòa đồng.

Ông cũng là một trong những người gắn bó trực tiếp, góp công lớn xây dựng Sông Bé - Bình Dương từ một tỉnh thuần nông trở thành tỉnh hàng đầu về công nghiệp của cả nước.

Trước đó, ông Hồ Minh Phương từng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh Đoàn Sông Bé (cũ) nhiệm kỳ 1979-1983.

Giai đoạn 1983-1986 (khóa III), ông Hồ Minh Phương làm đại biểu HĐND tỉnh Sông Bé.

Thời kỳ này, nền kinh tế sau chiến tranh của tỉnh Sông Bé còn nhiều khó khăn. Đời sống nhân dân thiếu thốn đủ bề.

Theo tinh thần đổi mới và trước yêu cầu thực tế, những nghị quyết của HĐND tỉnh Sông Bé khóa III bắt đầu giải quyết nhiều vấn đề quan trọng trong thực tế cuộc sống.

Ông Phạm Văn Bông – Giám đốc Sở NNPTNT Bình Dương nhớ lại, ông Hồ Minh Phương là người góp phần giúp các HTX nông nghiệp kiểu mới phát triển đúng định hướng. HTX không tập thể hóa đất đai, tư liệu sản xuất, mà các xã viên cùng góp vốn rồi cùng hướng tới áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chế biến tiêu thụ sản phẩm.

Năm 1995, vùng đất Lai Hưng, huyện Bến Cát chăn nuôi bò sữa rất nhiều, thích hợp để xây dựng nhà máy chế biến sữa.

Ông Hồ Minh Phương - Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương lúc sinh thời. Ảnh Thu Thảo

Ông Hồ Minh Phương - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương lúc sinh thời. Ảnh Thu Thảo

Khi đó, tỉnh Sông Bé xin giấy phép thành lập công ty sữa với tên gọi Foremost Việt Nam (sau nay được đổi tên thành Công ty FrieslandCampina Việt Nam).

Bấy giờ, việc liên doanh thành lập công ty chế biến sữa ở tỉnh Sông Bé còn gặp những rào cản.

Ông Hồ Minh Phương phải nhiều lần đích thân ra Trung ương để xin chủ trương. Trong lúc khó khăn, ông Hồ Minh Phương đã tìm gặp cố Đại tướng Lê Đức Anh để trình bày.Cố Đại tướng Lê Đức Anh vốn là người từng gắn bó rất lâu với vùng đất Sông Bé.

Sau lần gặp đó, năm 1996, Foremost Việt Nam chính thức đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Sông Bé, góp phần hình thành và phát triển ngành chăn nuôi bò sữa ở Bình Dương.

Ông Hồ Minh Phương góp phần phát triển công nghiệp Bình Dương

Giai đoạn năm 1994-1999 được coi là bước ngoặt lịch sử của Bình Dương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 1997, tỉnh Sông Bé tách thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước.

Từ năm 1997-2004, ông Hồ Minh Phương giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Đại biểu HĐND tỉnh (khóa V) cho đến khi về hưu.

Nghị quyết của HĐND tỉnh khóa V khi đó xác định sẽ xây dựng tỉnh Bình Dương thành tỉnh công nghiệp - dịch vụ - đô thị.

Với chính sách "Trải chiếu hoa mời gọi các nhà đầu tư", "Trải thảm đỏ thu hút nhân tài", Bình Dương đã tạo nên được mũi đột phá, xây dựng thành công Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần, mở ra hướng phát triển các KCN tập trung trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Hồ Minh Phương (trái) - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chụp ảnh lưu niệm cùng cố Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ảnh: Xuân Lộc

Ông Hồ Minh Phương (trái) - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chụp ảnh lưu niệm cùng cố Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ảnh: Xuân Lộc

Trao đổi với báo chí khi đó, ông Hồ Minh Phương cho biết, Bình Dương "sinh sau đẻ muộn", buộc phải "đi tắt đón đầu" tìm con đường riêng cho mình.

Tầm nhìn là yếu tố quan trọng. Nhưng tầm nhìn đó phải có sự ủng hộ từ Trung ương, chứ Bình Dương không đơn thân độc mã để phá rào.

Bình Dương không lấy tiền ngân sách, vay ngân hàng để làm hạ tầng công nghiệp. Thay vào đó, việc huy động vốn được giao cho chủ đầu tư vận động các doanh nghiệp bỏ tiền ra xây dựng hạ tầng KCN.

Nhờ những cải cách về thể chế, cùng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, Bình Dương mới có ngày hôm nay.

Tóm tắt tiểu sử:

Ông Hồ Minh Phương sinh ngày: 01/05/1944. Quê quán: Thanh An, Dầu Tiếng, Bình Dương

Ông Hồ Minh Phương tham gia cách mạng năm 1960. Ngày vào Đảng Cộng sản Việt Nam: 27/11/1964; chính thức: 27/11/1965.

Trong quá trình hoạt động, ông Hồ Minh Phương kinh qua nhiều vị trí công tác và các chức vụ chủ chốt như:

+ 1979 - 1983: Tỉnh ủy viên tỉnh Sông Bé (khóa II), Bí thư tỉnh Đoàn Sông Bé, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (khóa IV);

+ 1983 - 1986: Tỉnh ủy viên tỉnh Sông Bé (khóa III), đại biểu HĐND, Ủy viên UBND, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước tỉnh Sông Bé;

+ 1986 - 1989: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư huyện ủy Thuận An

+ 1989 - 1990: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sông Bé, đại biểu HĐND tỉnh (khóa IV);

+ 01/1991 - 12/1994: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sông Bé, đại biểu HĐND tỉnh (khóa IV);

+ 01/1995 – 12/1996: Ủy viên Thường trực Tỉnh ủy, phụ trách Khối kinh tế (khóa V);

+ 01/1997 – 07/2004: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Đại biểu HĐND tỉnh (khóa V).

Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông Hồ Minh Phương được Đảng và Nhà nước tặng thưởng:

- Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng I.

- Huân chương chống Mỹ hạng I.

- Huân chương Độc lập hạng III.

- Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

Ông Hồ Minh Phương từ trần vào lúc: 3 giờ, ngày 4/9/2022 (nhằm ngày 9/8 âm lịch); hưởng thọ: 79 tuổi.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem