Ông Phạm Quang Tùng sẽ ngồi ghế nóng tại BIDV?

Trần Giang Thứ bảy, ngày 21/04/2018 10:20 AM (GMT+7)
Bất ngờ công bố tài liệu trình cổ đông về việc tiến hành bầu bổ sung ông Phạm Quang Tùng và miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Huy và bà Lê Thị Kim Khuyên do đến tuổi nghỉ hưu. Liệu ông Phạm Quang Tùng có phải là người sẽ ngồi vào ghế nóng của BIDV đã bỏ trống từ tháng 9.2016.
Bình luận 0

Chiều nay, ngày 21.4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) với một nội dung được đặc biệt quan tâm. Theo đó, sáng nay, BIDV bất ngờ công bố tài liệu cuộc họp với nội dung bầu bổ sung thêm một nội dung mới đáng chú ý là tiến hành bầu bổ sung thêm 1 thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) sau khi ngân hàng đã có hai thành viên HĐQT nghỉ từ tháng 11.2017.

Theo đó, ông Phạm Quang Tùng được bầu bổ sung làm thành viên HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2017 - 2020. Trước khi tiến hành bầu bổ sung ông Tùng, đại hội sẽ thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Huy và bà Lê Thị Kim Khuyên do đến tuổi nghỉ hưu.

Sau khi ông Trần Bắc Hà về hưu từ 1.9.2016, ông Trần Anh Tuấn là thành viên HĐQT được giao nhiệm vụ điều hành hoạt động của BIDV. Đồng thời Ngân hàng tiếp tục cử ông Trần Anh Tuấn phụ trách điều hành HĐQT.

Hiện nay, BIDV đang có 2 đại diện vốn nhà nước, cùng là thành viên HĐQT bao gồm ông Phan Đức Tú và ông Bùi Quang Tiên, mỗi người đại diện 30% vốn. Còn 40% vốn nữa nhà nước chưa có đại diện. Ông Bùi Quang Tiên vừa được bầu bổ sung vào HĐQT ngân hàng hồi tháng 4.2017, trước đó ông là Vụ trưởng Vụ Thanh toán của NHNN.

Tuy vậy, ghế chủ tịch HĐQT của BIDV vẫn còn trống. Liệu tại ĐHĐCĐ này, ông Phạm Quang Tùng có phải là người ngồi ghế nóng này?

Ông Phạm Quang Tùng là người cũ của BIDV khi có tới 10 năm từng công tác tại ngân hàng. Ông Tùng tham gia công tác tại BIDV từ năm 1996, tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm từ tháng 112005 với vị trí Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Bảo hiểm Việt Úc (BIDV-QBE). Sau đó, ông Tùng được giao quản lý và điều hành Bảo hiểm BIDV trên cương vị Giám đốc công ty từ tháng 1.2006. Từ ngày 1.10.2010, ông Tùng đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BIC. Ông đồng thời cũng kiêm giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc BIDV từ tháng 11.2010.

Từ 1.6.2016, ông Tùng chuyển sang Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT. Quyết định ông Phạm Quang Tùng thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT VDB để chuyển công tác về làm việc tại BIDV được Thủ tướng ban hành ngày 4.12.2017. Sau đó, ông Tùng lại điều về làm thành viên HĐQT BIDV.

Ban Thường vụ Đảng ủy HĐQT BIDV phân công ông Phạm Quang Tùng đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV – Sumitrust (BSL) thay bà Lê Thị Kim Khuyên và thay ông Nguyễn Huy Tựa làm người đại diện vốn của BIDV tại BIDV Metlife.

img

Ông Phạm Quang Tùng sẽ ngồi ghế nóng BIDV (Ảnh: IT)

Như vậy, ông Phạm Quang Tùng rời BIDV để sang VDB khi đang là Phó Tổng Giám đốc ngân hàng. Nhưng khi rời ghế Chủ tịch VDB để trở lại BIDV, ông Tùng được phân công làm Chủ tịch một công ty thành viên trong hệ thống BIDV.

Song cũng lưu ý rằng, hai nhân sự mà ông Tùng được nhắm thay thế theo quyết định trên, là bà Lê Thị Kim Khuyên và ông Nguyễn Huy Tựa, đều là những người có tên trong HĐQT BIDV. Trong đó, ông Nguyễn Huy Tựa đã chính thức thôi làm Ủy viên HĐQT BIDV để nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 01.11.2017, mà đến nay vẫn chưa có nhân sự thay thế. Nên không loại trừ khả năng, việc ông Phạm Quang Tùng trở lại BIDV còn để chuẩn bị cho những trọng trách lớn hơn, không dừng lại ở việc đứng đầu một công ty thành viên.

Tất nhiên, câu trả lời vẫn còn chờ diễn biến tại ĐHĐCĐ của BIDV diễn ra vào chiều nay.

Ngoài nội dung nhân sự tại đại hội, BIDV trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2018 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.300 tỷ đồng, tăng 7,3%, khá khiêm tốn so với kế hoạch nhiều ngân hàng đã công bố thời gian gần đây. BIDV đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng tối đa17% và trong giới hạn được NHNN giao, huy động vốn tăng trưởng 17% và phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Kết quả kinh doanh năm 2017 vượt 13% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, mức cổ tức BIDV trình cổ đông vẫn tương đương năm 2016 là 7% bằng tiền mặt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem