PGS.TS, Đại biểu Quốc hội Chu Hồi: Các khu bảo tồn biển có giá trị vô cùng to lớn

Nguyễn Quỳnh – Minh Ngọc Thứ hai, ngày 13/11/2023 14:22 PM (GMT+7)
Không thể phủ nhận những giá trị to lớn của các khu bảo tồn biển ở Việt Nam, đặc biệt là những giá trị bảo tồn đa dạng sinh học biển. Tuy nhiên, làm cách nào để vừa bảo tồn, vừa phát triển được kinh tế địa phương là bài toán không hề đơn giản.
Bình luận 0

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về hiện trạng các khu bảo tồn biển hiện nay?

- Khu bảo tồn biển Việt Nam được tiến hành quy hoạch đầu tiên năm 1998. Sau đó đến 2003 tiếp tục quy hoạch lại, dự kiến đề xuất 16 khu, trong đó 15 khu dưới biển và một phá tam giang ở Thừa Thiên Huế.

Đến 2007 tiếp tục tiến hành rà soát với sự hỗ trợ của DANIDA (cơ quan phát triển quốc tế của Đan Mạnh) giúp Bộ Thủy sản. Trong đó, vẫn giữ 15 khu ban đầu, đối với phá Tam giang ở Thừa Thiên Huế thuộc ven bờ, phức tạp nên bỏ và thay vào đó làm hồ sơ trình cho khu Vườn quốc gia Núi Chúa.

PGS. TS Chu Hồi: Các khu bảo tồn biển có giá trị vô cùng to lớn - Ảnh 1.

Thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, Khu bảo tồn biển Hòn Cau đa dạng sinh học. Đây là nơi hội tụ nhiều loài hải sản quý hiếm, đặc biệt các rạn san hô có độ bao phủ cao, trong đó nhiều loài chỉ ở vùng biển Hòn Cau mới có.

Đến 2010, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 742 phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam (gồm 16 khu), với diện tích 0,24 vùng biển Việt Nam nằm trong các khu bảo tồn biển và khoảng 30% diện tích của từng khu bảo tồn biển được bảo vệ nghiêm ngặt.

Để có quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam chúng ta phải mất 12 năm, nên khi quy hoạch được thông qua có vị trí pháp lý rõ ràng thì các nhà đầu tư nước ngoài lại chuyển sang ưu tiên phát triển lĩnh vực khác. Do vướng thể chế, thời gian lập quy hoạch kéo dài dẫn đến mất cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư khi khảo sát vùng biển của chúng ta có rất nhiều tiềm năng, được xếp ở mức độ ưu tiên cao nhất thì sau 12 năm chần chừ mới chuyển sang giai đoạn quản lý dẫn đến các địa phương không quản lý được, lúc đó bị phá hủy gần như các khu được quy hoạch, độ phủ của hệ sinh thái đặc biệt là các rạng san hô, đa dạng sinh học giảm đáng kể.

Năm 2010 được xem là hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam có vị trí pháp lý nhưng đến 2015 khi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tiến hành đánh giá hiệu quả quản lý, 16 khu được quy hoạch nhưng chuyển sang giai đoạn quản lý thì chưa đầy 10 khu có Ban quản lý và đến nay 11 khu mới có Ban quản lý. Từ năm 2015 đến nay chúng ta có rất ít Ban quản lý, mới trên 50%, còn chưa nói là quản lý tốt hay chưa?. Hiện còn 7 khu chưa có Ban quản lý, tạm thời gọi "Ban quản lý trên giấy".

Những khu đã có Ban quản lý theo 5 tiêu chí đánh giá của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế về tính hiệu quả thì chỉ có đếm trên đầu ngón tay là quản lý hiệu quả theo đúng nghĩa. Đầu tiên là khu bảo tồn Cù Lao Chàm, Cát Bà, Vịnh Nha Trang, Côn Đảo, Phú Quốc có "dáng dấp, biểu hiện" tính hiệu quả, tích cực của Ban quản lý và ủng hộ của địa phương. Nhưng kể từ 2015 đến nay, tình trạng bảo tồn xuống cấp nghiêm trọng, có nhiều lý do.

Thứ nhất, khác biệt cơ bản về nhận thức giữa người làm bảo tồn và người làm quản lý, cho nên không ít địa phương ven biển "không mặn mà" với bảo tồn biển vì nó "cản trở" sự phát triển của địa phương.

Thứ hai, nguồn lợi thủy sản cũng đang cạn kiệt dần, mong muốn phát triển một số ngành nghề thân thiện với môi trường trong khu bảo tồn sẽ dẫn đến sự phá hủy do thiếu kiểm soát. Ban quản lý yếu hoặc cũng có những Ban quản lý bị dư luận nói "thông đồng" với các doanh nghiệp để làm du lịch nhưng lặn xuống làm gãy, phá hủy san hô. Bảo tồn có ý nghĩa về nguồn lợi, theo đó phục hồi nguồn lợi rất nhanh chỉ sau 3 năm, đến 5 năm gây ra hiệu ứng "phát tán". Như vậy bảo tồn ở một khu vực diện tích không lớn nhưng nếu bảo tồn tốt, hiệu quả nó sẽ cung cấp nguồn lợi dinh dưỡng cho toàn vùng biển xung quanh, làm giàu lại vùng biển…Như vậy chúng ta sẽ có "vốn tự nhiên" để phát triển kinh tế xanh, thế nhưng nhận thức cũng chưa tới.

Thứ ba, 16 khu bảo tồn của chúng ta đa phần nằm ở ven đảo, ven đất liền, ven lục địa chính vì thế tác động từ các lưu vực sông, đô thị ven biển, khu công nghiệp tác động trực tiếp, Formosa Vũng Áng ở Hà Tĩnh là vụ việc nổi bật. Những tác động này khoảng 50-60% tác động vào các khu bảo tồn mà chúng ta thiết lập là từ đất liền, 30-50% ở tại chỗ, các hoạt động ở biển. Trong đó, có rác thải nhựa trong đất liền chiếm 70-80%, trong khi các nỗ lực để quản lý vấn đề môi trường từ đất liền vào các khu bảo tồn đòi hỏi cơ chế phối hợp liên ngành, không chỉ Ban quản lý làm được mà từ nơi khác, bởi vậy phải điều chỉnh hành vi của "những ông" ở đất liền. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp liên ngành chưa có, cách tiếp cận mới như: Quản lý, kiểm soát từ đầu nguồn ra biển thì chưa áp dụng được.

Thứ tư, biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng là vấn đề chúng ta phải đối mặt. Biến đổi khí hậu tác động trên toàn thế giới, trong đó Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Hiện tượng "trắng hóa san hô", san hô bị tẩy trắng rồi chết đi và không tạo ra được dinh dưỡng…Tại các vùng san hô có những khu hệ cá và sinh vật khác nhau chỉ sống ở vùng có san hô. Người ta đánh giá, biển Đông ở vùng có san hô có khoảng 3.000 loài sống đi kèm. Trên thế giới có 9.500 loài sống đi kèm các vùng san hô. Cho nên mất rạn san hồ thì đồng nghĩa 3.000 loài sẽ không có nơi cư trú, sẽ di cư hoặc chết. Vậy chúng ta giữ được san hô thì ta giữ được 3.000 loài đó. Vì vậy phải bảo tồn, bảo tồn chính là giữ nền tàng hệ sinh thái, giữ "ngôi nhà" chung của các loài.

Thứ năm, ô nhiễm ngay tại chỗ như: Tràn dầu, vỡ tàu, dầu nổi trên biển, lan truyền rất nhanh, đi vào các vùng san hô sẽ làm giảm độ quang hợp. Đánh bắt bằng mìn, khai thác bằng các phương tiện hủy diệt làm cho san hô gẫy. Gần đây nhất các khu được vinh danh quản lý khá tốt như Vịnh Nha Trang có 1 số điểm ở Hòn Mun là vùng lõi bị khai thác cạn kiệt. Hiện tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng kế hoạch hành động tổng thể thể phục hồi Vịnh Nhà Trang, trong đó ưu tiên là các rạng san hô.

PGS. TS Chu Hồi: Các khu bảo tồn biển có giá trị vô cùng to lớn - Ảnh 2.

PGS.TS Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam.

Mục đích của việc thành lập các khu bảo tồn biển là để phát huy giá trị bảo tồn đa dạng sinh học nhưng đồng thời cũng để phát triển kinh tế địa phương, theo ông, làm cách nào để hoàn thành 2 mục đích song song này?

- Mục đích của khu bảo tồn ban đầu chỉ có chức năng bảo tồn đa dạng sinh học. Nhưng sau này các khu bảo tồn đều có người dân sống trong hoặc lân cận khu bảo tồn. Ví dụ khu bảo tồn biển ở Nhà Trang, trên là thành phố Nha Trang, có các tổ dân phố sinh sống, trên các đảo có Vinpearl, các đảo khác có các Công ty và người dân sinh sống ven khu bảo tồn thì là sức ép rất lớn. "Khu bảo tồn như nồi cơm Thạch Sanh", sẽ giúp người dân có thu nhập, tạo ra sinh kế bền vững. Ban đầu thế giới chỉ đưa ra mục đích của khu bảo tồn là bảo vệ đa dạng sinh học nhưng sau này phải thêm và cải thiện sinh kế cho người dân sống trong và lân cận khu bảo tồn biển.

Gần đây góp phần vào phát triển kinh tế địa phương, dưới dạng các nền kinh tế phát triển những ngành, nghề dựa vào giá trị của bảo tồn đem lại. Nơi nào bảo tồn được sẽ được hưởng lợi, tiền đó sẽ sử dụng để tái bảo tồn. Một số quốc gia trên thế giới họ tự túc hết, của ta vẫn bao cấp kinh phí của Nhà nước. Đây là cách tốt nhất để bảo tồn mà Nhà nước không cần phải làm. Nếu sinh kế của người dân không được cải thiện, "bụng người dân vẫn đói" thì vẫn có những hành vi xâm hại đến các giá trị bảo tồn.

Trong các khu bảo tồn, thường các doanh nghiệp xây du lịch khai thác, cho đến nay các doanh nghiệp gần như nghĩa vụ đóng góp cho bảo tồn hưởng thụ giá trị bảo tồn nhưng chính lại không đóng góp gì cho bảo tồn. Gần đây đang diễn ra một số dự án nhỏ ở một số tỉnh, khu bảo tồn để thúc đẩy cơ chế đối thoại và hợp tác giữa người dân địa phương, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. 3 bên ngồi với nhau, xắn tay vào làm sẽ tiết kiệm được nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Đồng thời tăng cường vai trò của các bên liên quan, trong đó có các doanh nghiệp, họ vừa "có quyền và lợi ích ở đây". Lâu nay, doanh nghiệp được hưởng lợi khai thác tài nguyên, nghĩa vụ vẫn mờ nhạt, trong khi cộng đồng sinh kế khó khăn, ở ngoài đảo nghèo, nếu nghèo thì họ phá san hô, phá những giá trị bảo tồn, gây ô nhiễm, không đủ năng lực để thích ứng với biến đổi khí hậu, giải quyết những vấn đề ô nhiễm.

Người dân ở quanh khu vực bảo tồn biển sẽ được hưởng lợi như thế nào? Có cách gì để họ vừa là những nhân tố bảo vệ, vừa có thể làm giàu hay không?

- Giải pháp phải tìm sinh kế bền vững cho họ. Muốn tìm sinh kế thì các nhà khoa học, trước tiên cơ quan quản lý Nhà nước cùng với doanh nghiệp phải ngồi với nhau để gợi mở cho họ và trong đó có những bước đi thận trọng để doanh nghiệp đầu tư ban đầu, sau đó cùng tham gia hoặc dưới hình thức cho vay, giúp người dân tạo sinh kế bền vững.

Mặt khác, từng bước nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân để họ hiểu được cách bảo tồn, bảo vệ và điều hành được cộng đồng của họ, giữ gìn được nguồn vốn thiên nhiên, văn hóa, từ đó tạo ra sinh kế lâu dài. Nếu họ vẫn đứng ngoài cuộc thì sẽ không thành công.

Phát triển mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Ví dụ phát triển nuôi biển công nghệ cao, sạch với môi trường doanh nghiệp phải đầu tư, bản thân người dân không đủ vốn để đầu tư, từ đó sẽ tạo ra lực kéo sẽ phát triển bền vững.

Doanh nghiệp đầu tư thì người dân có kinh nghiệm nuôi trồng, doanh nghiệp đầu tư không thì sẽ làm mẫu, thu nhập từ thuê vùng biển để nuôi trồng, phải có cơ chế chính sách mới. Để người dân thấy có lợi…Tuyển lại lao động địa phương có kỹ năng, kinh nghiệm, giải quyết việc làm, tạo ra lợi ích kép. Khi người dân đã "ấm bụng" thì việc tham gia bảo tồn rất dễ dàng.

Muốn bảo tồn được, các địa phương dứt khoát phải cải thiện sinh kế của người dân. Người dân phải như một chủ thể trong mạng lưới thể chế quản trị khu bảo tồn, đại diện của người dân. Tạo ra thể chế để Ban quản lý được quyền sử dụng phí và quỹ từ khai thác ở khu bảo tồn.

Trong các khu bảo tồn bị suy thoái nên thiết lập các rạn san hô nhân tạo để phục hồi đồng thời để phát triển nghề cá. Khi có kinh tế thì mới có nguồn để tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn, khi làm tốt thì bảo tồn và phát triển sẽ hỗ trợ nhau. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem