Phải đảm bảo Hiến pháp được tôn trọng tuyệt đối!

Thứ bảy, ngày 17/11/2012 07:09 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Quyền con người, quyền công dân là chủ đề chính được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung phát biểu trong ngày 16.11 khi thảo luận về Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi.
Bình luận 0

Nhiều ý kiến cho rằng, Hiến pháp cần có cơ chế bảo hiến, tránh tình trạng “dân biết bị vi phạm quyền nhưng vẫn phải chấp nhận” như hiện nay...

Việc thực thi quyền công dân chưa đảm bảo

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) tập trung thảo luận rất dài vào Chương 2- Quyền con người. ĐB Kim Thúy phân tích, Dự thảo Hiến pháp về cơ bản quy định về 2 nhóm quyền của con người, của công dân là nhóm quyền về tự do dân chủ (bất khả xâm phạm về chỗ ở, tín ngưỡng tôn giáo...) và nhóm quyền kinh tế (sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất…). Qua phân tích, ĐB đề nghị bổ sung thêm quyền khởi kiện tại tòa án khi quyền con người của mình bị xâm phạm.

img
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Đang có nhiều cơ quan cùng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp.

Nhiều ĐB đề nghị Hiến pháp phải phân định rạch ròi giữa quyền con người và quyền công dân bởi thực tế, nhiều trường hợp, 2 quyền này là ở 2 chủ thể khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề được các ĐB tập trung là làm sao để đảm bảo việc thực thi các quyền này trong thực tế.

ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) bất ngờ đưa câu chuyện về đập Thủy điện Sông Tranh: “Các ĐB đều biết hôm 15.11, ở Quảng Nam lại động đất, lòng dân vốn bất an giờ càng bất an hơn. Tôi tin tưởng Đảng, Quốc hội và Nhà nước sẽ không vì mục tiêu phát triển kinh tế, vì khoản tiền đã đầu tư cho đập Sông Tranh… mà quên đi quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của hàng vạn người dân khi đập Sông Tranh có sự cố”.

ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) “tổng kết” rằng Hiến pháp năm 1992 quy định nhiều quyền trực tiếp của dân như quyền được thông tin, quyền được tự do hội họp, quyền ngôn luận, biểu tình và các quyền dân chủ gián tiếp như quyền bãi nhiệm, bất tín nhiệm nhưng không được cụ thể hóa bằng các đạo luật kịp thời. Trong khi đó, nhiều văn bản được ban hành dưới Hiến pháp - như một đạo luật gốc lại vi phạm các quyền này như hạn chế người nhập cư, cấm đăng ký xe máy thứ hai.

“Tóm lại, việc dù sai nhưng công dân vẫn phải chấp hành chỉ thị của cấp trên. Vậy, rõ ràng chúng ta đang thiếu một cơ chế bảo đảm việc thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật trên thực tế” - ĐB Thoáng nói.

Cần có cơ quan bảo hiến

Trên cơ sở phân tích đó, ĐB Thoáng và nhiều ĐB khác đề nghị Hiến pháp quy định thành lập cơ quan bảo hiến. “Không có một cơ chế bảo hiến rõ ràng, cụ thể được xác định ngay trong Hiến pháp thì rất khó có thể đảm bảo Hiến pháp được tôn trọng một cách tuyệt đối” - ĐB Thoáng nói. ĐB Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh) cũng đồng ý phương án này và cho rằng cơ quan này đảm nhận việc kiểm soát toàn bộ nội dung của Hiến pháp nhưng cần đặc biệt phải chú trọng đến việc thực thi quyền con người.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (ĐB Quảng Bình) đồng thời là thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng cho rằng hiện nay, việc bảo vệ Hiến pháp cùng lúc có nhiều cơ quan đảm nhận, vì vậy cần có một cơ quan riêng để bảo đảm cho việc thực thi nhiệm vụ này hiệu quả, tập trung. Một trong những điểm mà Bộ trưởng Cường quan tâm là quyền tham gia lập Hiến pháp của nhân dân.

Ông cho rằng, dù Hiến pháp trước đây đã quy định điều này nhưng cần “minh định” bằng việc trưng cầu dân ý. Làm được việc này mới đảm bảo việc thực thi được quyền được coi là quan trọng nhất này của người dân, đồng thời cũng là động lực để chấn hưng đất nước thông qua sự đồng thuận của người dân.

Tuy đồng thuận với việc cần có một cơ quan giám sát việc thực thi và bảo vệ quyền của người dân được quy định trong Hiến pháp, nhưng một số ĐB cho rằng vẫn có thể đạt được mục đích này bằng việc nâng cấp, giao quyền cho các cơ quan hiện nay. ĐB Đỗ Văn Đương (TP. HCM) cho rằng: “Trong điều kiện chúng ta không tổ chức các thiết chế khác như tòa bảo hiến, giám sát viện, bộ giám sát như các nước thì tôi đề nghị giao trách nhiệm kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật cho Viện Kiểm sát với tư cách là một thiết chế sẵn có” - ĐB Đương nói.

Cần tạo ra đột phá về thể chế

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc (ĐB Hà Tĩnh) đưa ra thống kê đáng lo ngại. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2011 là 1.374 USD/người/năm; trong khi đó các nước lân cận đều cao hơn: Indonesia 3.509 USD, Trung Quốc và Thái Lan đều trên 5.000 USD, Malaysia là hơn 9.000 USD. “Nếu so sánh thì thu nhập của chúng ta rất thấp, không muốn nói là tụt hậu” - ĐB Phúc đánh giá. ĐB này còn cho rằng, hiện nay, các nhà kinh tế thế giới đang đề cập đến thực trạng “bẫy trung bình”, có nghĩa là các nước dễ mắc vào vòng luẩn quẩn ở mức thu nhập đầu người ở mức trung bình (trên 1.000 USD).

“Cùng điều kiện tài nguyên, con người như nhau nhưng thu nhập bình quân tại các nước khác nhau là do thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường. Thể chế quan trọng nhất là Hiến pháp sau đó là các luật liên quan. Vì vậy, Hiến pháp lần này cần tạo ra sự đột phá về thể chế” - ĐB Phúc nói.

Người dân góp ý sửa đổi Hiến pháp trong 3 tháng

Tại phiên thảo luận hôm qua, hầu hết các ĐBQH đều thống nhất với dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Dự thảo này sẽ được Quốc hội lấy ý kiến thông qua trong những ngày tới. Nếu được thông qua, việc lấy ý kiến nhân dân về Hiến pháp sẽ diễn ra trong 3 tháng, bắt đầu từ ngày 2.1.2013 và kết thúc vào 31.3.2013. Mục tiêu đặt ra là việc lấy ý kiến nhân dân phải thực sự chất lượng, hiệu quả, tránh hình thức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem