Phản cảm người Hà Nội đốt vàng mã tới nứt lò, bung nắp

Trần Giang (Hà Nội) Thứ sáu, ngày 20/01/2017 15:08 PM (GMT+7)
Tới chiều ngày 20.1 (tức Tết ông Công, ông Táo 23 tháng Chạp), những chiếc lò đốt vàng mã, lư, đỉnh vẫn nghi ngút khói, lửa chưa tắt. Nhiều lò do bị quá tải, nóng quá mà nứt toác, bung cả nắp.
Bình luận 0

Trưa ngày 23 tháng Chạp, tại nhiều khu vực của Hà Nội, người dân tranh thủ làm lễ cúng ông Công ông Táo trước 12h trưa vì quan niệm sau 12h ông Công ông Táo sẽ về trời.

Tại một số khu chung cư, nhiều người chen chúc nhau đốt vàng mã. Một bảo vệ có thâm niên tại tòa nhà CT5 Xa La – Phùng Hưng nói với PV Dân Việt: Người dân ở chung cư và xung quanh đây mang vàng mã xuống đốt từ sáng sớm tinh mơ. Cao điểm là bây giờ (buổi trưa) nhiều người tranh đua nhau đốt quá khiến lò quá tải và nứt toác ra, vỡ nhiều mảnh.

img

Một chiếc đỉnh chịu nhiệt cỡ lớn bị nứt bung do đốt quá nhiều vàng mã. Ảnh: Ngọc Thọ

Chị Lan – một người bán tạp hóa khu vực đường Phùng Hưng – Hà Đông (mặt đường 70) khoe: “Từ sáng tới giờ tôi bán hơn 100 bộ vàng mã. Không hiểu sao năm nay người dân mua nhiều lắm. Nhà nào cũng mua và đốt. Có nhà mua nhiều bộ vàng mã. Năm ngoái thời điểm này, tôi chỉ bán được tầm 30 bộ mà thôi”.

Một người bán tạp hóa khu vực chung cư Xa La – Hà Đông cũng mừng ra mặt. “Từ qua tới giờ em bán được gần 200 bộ vàng mã, thu hơn 6 triệu đồng. Năm ngoái làm gì có chuyện bán được vậy. Có phải người dân năm nay thu nhập cao hơn, thưởng tết nhiều hơn nên mạnh tay cúng ông Công, ông Táo hơn?” – chị này nói.

img

Tới đầu giờ chiều ngày 23 tháng Chạp, nhiều người vẫn đốt. Ảnh: Ngọc Thọ

Giáo lý đạo Phật không có chuyện đốt vàng mã. Nhiều nhà chùa đều cấm Phật tử đốt vàng mã.

Đặc biệt về pháp luật, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa.

img

Không có một lò đốt nào chịu được... Ảnh: Ngọc Thọ

Còn trong phạm vi địa bàn thành phố Hà Nội, việc đốt vàng mã bị xử phạt theo Nghị quyết 08/2014/NQ-HĐND. Theo đó, phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa.

Do vậy, theo tôi, việc đốt vàng mã quá nhiều là phung phí và phản cảm.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem