Phấn đấu khởi công cao tốc Dầu Giây - Liên Khương vào tháng 10/2022

Văn Long Thứ ba, ngày 28/12/2021 20:03 PM (GMT+7)
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng cao tốc Dầu Giây - Liên Khương rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giữa Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam nên cần được hoàn thành và sớm đưa vào sử dụng.
Bình luận 0

Chiều ngày 28/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai về Dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương nằm trong tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. 

Phấn đấu hoàn thành cao tốc Dầu Giây - Liên Khương để kết nối Tây Nguyên với các tỉnh phía Nam   - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng đoàn công tác kiểm tra thực địa dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc – Liên Khương. Ảnh: Cộng tác viên

Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng chiều dài hơn 200km, chia thành ba đoạn đầu tư. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện 2 đoạn của dự án. Trong đó, đoạn Tân Phú - Bảo Lộc 66km (khoảng 55km nằm trên địa phận Lâm Đồng), quy mô 4 làn xe ô tô và 2 làn dừng xe khẩn cấp, tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ 16.220 tỷ đồng, theo phương thức đối tác công tư có sự tham gia hỗ trợ góp vốn của nhà nước. Đoạn còn lại là cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhận định, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có vị trí rất quan trọng, kết nối Lâm Đồng, khu vực Tây Nguyên với các tỉnh phía nam và rất  quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng.

Phấn đấu hoàn thành cao tốc Dầu Giây - Liên Khương để kết nối Tây Nguyên với các tỉnh phía Nam   - Ảnh 2.

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng. Ảnh: Cộng tác viên

"Đoạn Dầu Giây lên Tân Phú khó khăn như thế nào thì tôi đề nghị Bộ GTVT cùng với địa phương làm sao phải đẩy nhanh tiến độ. Đoạn thứ hai, từ Tân Phú đi Bảo Lộc thì đề nghị Đồng Nai cố gắng thu hồi đất,  trình các thủ tục để Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi đất rừng phục vụ dự án. Cố gắng trình sớm vì chúng ta chậm một ngày thì dự án chậm một ngày. Các Bộ, ngành cũng sẽ ghé vai vào, tôi cũng sẽ có trách nhiệm cùng với các đồng chí để làm sao phấn đấu đến tháng 10/2022 khởi công. Dự án thứ ba là tuyến từ Bảo Lộc lên Liên Khương thì các đồng chí có thể triển khai song song", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói.

Phấn đấu hoàn thành cao tốc Dầu Giây - Liên Khương để kết nối Tây Nguyên với các tỉnh phía Nam   - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm việc với các tỉnh, bộ, ngành liên quan đến dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương tại huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng). Ảnh: Cộng tác viên.

Tại Lâm Đồng, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Chính phủ chỉ đạo Bộ NNPTNT sớm thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án này sau khi 2 tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ.

Song song với đó, Lâm Đồng kiến nghị Chính phủ cho phép không thay đổi tổng mức đầu tư và thời gian hoàn vốn nhưng cho phép tỉnh Lâm Đồng và nhà đầu tư rà soát, đưa quy mô đầu tư giai đoạn phân kỳ là 4 làn xe có chiều rộng nền đường 17m, giai đoạn hoàn chỉnh chiều rộng nền đường 22m để đảm bảo đồng bộ đoạn cao tốc Dầu Giây – Tân Phú và đoạn cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem