Pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần được hoàn thiện hơn để ngăn chặn hành vi "từ trong trứng nước" (Bài 2)

Đình Việt -Phi Long Thứ tư, ngày 29/06/2022 20:12 PM (GMT+7)
PV Dân Việt đã trao đổi với các luật sư về hành lang pháp lý liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và vấn đề thu hồi tài sản do tham nhũng, tiêu cực trong các vụ án.
Bình luận 0

Vai trò quan trọng của các văn bản pháp luật

Như Dân Việt đã thông tin, sáng 28/6, ông Nguyễn Thái Học, phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư cho biết, ngày 30/6 tới đây, Bộ Chính trị sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ dự và chủ trì hội nghị.

Pháp luật về phòng chống tham nhũng cần được hoàn thiện hơn để kẻ suy đồi không còn cơ hội - Ảnh 1.

Trong thập kỷ vừa qua, nhiều vụ đại án tham nhũng, kinh tế đã được phát hiện, đấu tranh, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử, hàng loạt cán bộ chủ chốt, nguyên là lãnh đạo cấp cao vi phạm bị xử lý hình sự. Đồ họa: Dân Việt

Nhân dịp này, PV Dân Việt đã có trao đổi với một số chuyên gia pháp lý xung quanh câu chuyện hành lang pháp lý liên quan đến phòng chống tham nhũng.

Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, phòng, chống tham nhũng là một quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta được xác định ngay từ ngày đầu lập nước, thể hiện trong các Nghị quyết, văn kiện,... và cụ thể hóa thông qua các văn bản pháp luật.

Đặc biệt, những năm gần đây, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không ngừng được Đảng, Nhà nước ta đẩy mạnh với một quyết tâm cao.

Ngay cả hiện nay, dù phải đối mặt với dịch bệnh phức tạp, với nhiều khó khăn mới nảy sinh nhưng công tác phòng, chống tham nhũng vẫn được thực hiện quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Theo luật sư Hòe, để biến đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước thành hiện thực, ngoài nỗ lực của các cơ quan trực tiếp phòng chống tham nhũng, không thể không kể đến hành lang pháp lý, các chế định về phòng chống tham nhũng – công cụ để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật xâm hại đến quyền, lợi ích của xã hội, quốc gia, dân tộc.

Cụ thể, phải nhấn mạnh đến những văn bản vô cùng quan trọng, trực tiếp liên quan đến việc xử lý những cán bộ có hành vi, biểu hiện tiêu cực, suy thoái đó là: Bộ luật hình sự năm 2015, Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 (Luật PCTN); Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN.

Bên cạnh đó là Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Quyết định 31/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội…

Trong đó, một trong những văn bản rất quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng phải kể đến là Luật PCTN năm 2018. Luật này chia thành 5 nhóm chủ thể có chức vụ, quyền hạn, trong đó điển hình nhất là nhóm cán bộ, công chức, viên chức.

Luật PCTN nêu rõ, "tham nhũng" là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi" (khoản 1, Điều 3). Như vậy, chủ thể của hành vi tham nhũng rất đặc biệt, phải là những người có chức vụ, quyền hạn.

Vị luật sư cho rằng, Luật PCTN đã bổ sung các quy định mới so với các văn bản khác như mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập; thêm một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai; biến động tài sản từ 300 triệu đồng trở lên trong năm phải kê khai bổ sung; thời điểm kê khai tài sản, thu nhập hàng năm trước ngày 31/12…

Việc bổ sung các quy định điều chỉnh của Luật PCTN năm 2018 nhằm bao quát hết các hoạt động ngày càng phong phú trong thực tiễn, đặc biệt là đề cao trách nhiệm của cá nhân người kê khai tài sản, thu nhập, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Pháp luật về phòng chống tham nhũng cần được hoàn thiện hơn để kẻ suy đồi không còn cơ hội - Ảnh 3.

Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội). Ảnh: NVCC

Cuối cùng, luật sư Hòe khẳng định, Luật PCTN năm 2018 và hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh về hành vi tham nhũng đã xây dựng một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch để "không thể tham nhũng".

Đồng thời tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng để "không dám tham nhũng".

Qua đó, góp phần hoàn thiện các quy định về công tác phòng, chống tham nhũng theo yêu cầu của thực tiễn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi công vụ về phòng, chống tham nhũng.

Hệ thống pháp luật cần hoàn thiện hơn

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Lê Hoàng Lan (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, bên cạnh những mặt tích cực, qua thực tiễn tham gia các vụ án, bà nhận thấy pháp luật vẫn còn một số "lỗ hổng" dẫn đến xuất hiện những sự "luồn lách" để trục lợi cá nhân của những đối tượng tham nhũng.

Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật phòng chống tham nhũng chính là tăng cường hoạt động giám sát của các cơ quan hành pháp.

Đơn cử trường hợp khi người dân phát hiện hành vi, biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi cá nhân của người có chức vụ, quyền hạn và gửi đơn tố giác đến các cơ quan hành pháp, việc giải quyết của cơ quan hành pháp bằng các hoạt động thanh tra, kiểm tra là chưa đủ yếu tố răn đe.

Bởi, hiện nay, cơ quan thanh tra đang trực thuộc vào cơ quan hành pháp đó là Ủy ban nhân dân tại địa phương, do vậy việc thanh tra và đưa ra kết luận thanh tra có thể có có sự e dè, nể nang nhau.

Do vậy, Đảng và Nhà nước cần ban hành cơ chế giám sát một cách chặt chẽ từ ở địa phương và cần đẩy mạnh giám sát trực tiếp.

Ví dụ khi địa phương có một chương trình để xây dựng kế hoạch chi tiêu công, các khâu đều cần phải có sự giám sát như giám sát về khâu xây dựng mục tiêu hóa, giám sát về lựa chọn giá, chất lượng và đặc biệt là giám sát cả về lựa chọn tiêu chuẩn của ban quản lý, có nghĩa là giám sát cả về nhân lực chứ không chỉ giám sát trên hồ sơ.

Nữ luật sư cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong đấu tranh, xử lý các vụ án tham nhũng, thời gian qua các đại án tham nhũng đã được xử lý nghiêm minh, bước đầu tạo được niềm tin trong quần chúng Nhân dân, thu hồi được nhiều tài sản của Nhà nước, của Nhân dân.

Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chặng đường còn dài và đầy thử thách bởi hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi dưới nhiều hình thức.

Vì vậy hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng cần được hoàn thiện hơn để không còn cơ hội trục lợi cho những đối tượng tham nhũng nữa.

 Thu hồi tài sản tham nhũng, cần định chế tốt để quản lý tài sản

Một trong những vấn đề quan trọng khác là thu hồi tài sản tham nhũng qua các vụ án. Theo Ban Nội chính Trung ương, vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua đã có chuyển biến tích cực; cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%.

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Văn phòng Luật Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: "Việc thu hồi tài sản tham nhũng thực chất là phải xác định có thiệt hại thực tế đã xảy ra trong quá trình thực hiện tố tụng. Thiệt hại này có thể là của Nhà nước, của cộng đồng.

Pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần được hoàn thiện hơn để ngăn chặn hành vi "từ trong trứng nước" (Bài 2) - Ảnh 5.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền. Ảnh T.X

Việc kê biên các tài sản là đảm bảo cho việc tịch thu được tài sản bị thiệt hại đó. Kê biên ở đây nếu cao hơn giá trị của thiệt hại thì phải trả lại cho người nhà hay gia đình người vi phạm đó. Còn nếu thiếu thì người vi phạm buộc phải nộp tiếp hoặc kê biên các tài sản khác để đảm bảo cho đúng, cho đủ thì thôi" - luật sư Truyền nói.

Góp ý về cơ sở pháp lý để hoàn thiện việc thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có, luật sư Truyền cho rằng ở Việt Nam hiện chưa có một chế định kiểm soát tốt về tài sản. Do đó, tài sản ngầm vẫn hoạt động mạnh, thói quen sử dụng tiện mặt còn cao nên dẫn tới việc khó thu hồi được đầy đủ.

Trường hợp của bị cáo Nguyễn Đức Chung hay bị cáo Phạm Nhật Vũ là những trường hợp đặc biệt của tố tụng Việt Nam. Các khoản khắc phục đã được thực hiện ngay, còn nhiều vụ việc khác thì về cơ bản khó thu hồi được tài sản của Nhà nước.

Muốn thu hồi được hết tài sản bị thất thoát bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là cần có những chế tài kiểm soát tài sản ngầm và chế tài rõ ràng cho cơ quan tiến hành tố tụng trong thời gian tới.

Cũng liên quan tới nội dung này, PGS -TS Định Trọng Thịnh – Học viện Tài chính cho rằng việc thu hồi tài sản tăng từ 10% năm 2013 lên gần 35% trong những năm gần đây là do việc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã quyết tâm hơn và thực hiện tốt hơn.

Pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần được hoàn thiện hơn để ngăn chặn hành vi "từ trong trứng nước" (Bài 2) - Ảnh 6.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh. Ảnh T.X

"Đảng, Nhà nước đã xử lý nghiêm minh nhiều vụ án, vụ việc, cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực theo đúng phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Cũng chính vì lẽ đó mà các vụ án phát hiện nhiều hơn, việc thu hồi tài sản cũng được nhiều hơn trước đây" - ông Thịnh cho hay.

Khi áp dụng chính sách ưu tiên việc khắc phục hậu quả, bị cáo sẽ được giảm án là cách để thu hồi tài sản về cho nhân dân, Nhà nước tốt hơn.

"Tôi cho rằng, đối với tội phạm kinh tế có thể áp dụng ưu tiên đối với việc khắc phục hậu quả để được giảm án. Tuy nhiên, đứng ở phương diện nào đó, việc giảm án cũng cần phải xem xét cho phù hợp đối với loại tội phạm tham nhũng. Vì đã là tham nhũng thường là người có chức vụ, quyền hạn, có hiểu biết về pháp luật… Nếu không, có thể dẫn tới trạng thái "nhờn luật", cán bộ cứ vi phạm sau đó có tài sản khắc phục hậu quả là sẽ được giảm án thì nhiều người không sợ" - ông Thịnh nói.

Bên cạnh đó, từ số vụ án bị khởi tố, điều tra trong những năm qua liên quan đến cán bộ, quan chức, ông Thịnh cho rằng quá trình giám sát quy định đấu thầu, quy định về thẩm định giá còn thiếu sót, đến các chế tài xử lý chưa nghiêm và còn lỗ hổng mới dẫn tới tham nhũng, thất thoát tài sản của Nhà nước.

"Tôi nhận thấy, trước đây, chúng ta rất đề cao vai trò giáo dục cho cán bộ, nhân viên, công chức, từ đó có tác động rất tốt và theo tôi giai đoạn tới cần tiếp tục được duy trì.

Cán bộ sẽ không muốn tham nhũng, cán bộ cũng không thể tham nhũng nếu cơ chế chính sách đảm bảo và không dám tham nhũng khi các quy định của pháp luật thực sự nghiêm minh", PGS- TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem