Phát biểu ấn tượng của một 'người nông dân chuyên nghiệp' tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 31/08/2023 16:18 PM (GMT+7)
Tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp khóa X, nhiệm kỳ 2023-2028, phát biểu của một nông dân được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đặc biệt chú ý và đánh giá cao.
Bình luận 0

Tham gia xây dựng hình ảnh "Người nông dân chuyên nghiệp" sẽ được gì?

Hôm nay 31/8, tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028, ông Nguyễn Chành Tài (SN 1967, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh) là nông dân duy nhất tham gia phát biểu tham luận.

Phát biểu ấn tượng của người làm mô hình "Người nông dân chuyên nghiệp" tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Chành Tài ở xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp khóa X. Ảnh: Huỳnh Xây.

Phát biểu của nông dân Nguyễn Chành Tài được lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đặc biệt chú ý và đánh giá cao.

Cụ thể, ông Tài nói về việc bản thân tham gia xây dựng hình ảnh "người nông dân chuyên nghiệp" mà Hội Nông dân tỉnh đã triển khai và tập trung phát triển, nhân rộng trong nhiệm kỳ 2023-2028.

Ông Tài nói, xã Gáo Giồng là xã nông nghiệp, thu nhập chính của nông dân là trồng lúa, riêng gia đình ông có 10ha. Khoảng năm 2019, được Hội Nông dân xã triển khai xây dựng "Người nông dân chuyên nghiệp", ông đã mạnh dạn đăng ký ở 2 nhóm trên lĩnh vực xã hội và sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, phấn đấu hoàn thành 8 tiêu chí thi đua gồm sản xuất hàng hóa nông sản phải tuân thủ các quy định về sản xuất an toàn; tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường; sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng về kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh; tham gia đóng góp vào các chương trình an sinh xã hội; tất cả thành viên trong gia đình tự nguyện tham gia vào tổ chức chính trị - xã hội; tự nguyện tham gia vào hợp tác xã, hội quán; thành viên còn trong độ tuổi đều đến trường học tập; không có người vi phạm pháp luật.

Khi tham gia xây dựng "người nông dân chuyên nghiệp", ông Tài phá bỏ bờ đê để thành lập khu sản xuất lúa tập trung và ứng dụng đồng bộ khoa học công nghệ vào sản xuất (cấy bằng máy hoặc sạ hàng, bón phân thông minh 1 lần cho cả vụ, quản lý tưới tiêu bằng điện thoại thông minh, theo dõi sản xuất bằng camera, phun thuốc bằng máy bay). 

Đồng thời, đi đầu trong việc thí điểm thực hiện các mô hình mới như liên kết với công ty lương thực Đồng Tháp sản xuất lúa theo hướng an toàn, tham gia liên kết và tiêu sản phẩm với hợp tác xã...

Phát biểu ấn tượng của người làm mô hình "Người nông dân chuyên nghiệp" tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp - Ảnh 2.

Khi tham gia xây dựng "người nông dân chuyên nghiệp", ông Tài phá bỏ bờ đê để thành lập khu sản xuất lúa tập trung và ứng dụng đồng bộ các khoa học công nghệ vào sản xuất. Ảnh: Huỳnh Xây

Ông Tài nhấn mạnh, đối với người nông dân chuyên nghiệp, ý thức trách nhiệm của nông dân được nâng lên. Cụ thể là sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như áp dụng chương trình "1 phải 5 giảm" và "3 giảm 3 tăng", đưa cơ giới hóa vào sản xuất, sản phẩm bảo đảm chất lượng, vừa có giá thành sản xuất thấp nhất, vừa được bán với giá cao nhất.

Việc xây dựng "người nông dân chuyên nghiệp" rất hiệu quả nhưng theo ông Tài, thực tế một số nông dân chưa quan tâm, vẫn còn suy nghĩ lạc hậu rằng "nông dân nhắm mắt cũng làm ruộng được, có gì đâu mà phải cần đến nông dân chuyên nghiệp".

Do đó, ông Tài kiến nghị, Hội Nông dân cũng như lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp nhân rộng trong thời gian tới, mở nhiều lớp tập huấn, tạo ra không gian mở để người nông dân dễ tiếp cận, kịp thời tháo gỡ khó khăn của nông dân khi tham gia xây dựng hình ảnh "người nông dân chuyên nghiệp". Đồng thời, tích cực biểu dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân có thành tích trong việc truyền cảm hứng đến nhiều người cùng tham gia mô hình.

Liên quan đến ý kiến ông Tài, ông Lê Quốc Phong - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chỉ đạo Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp phát triển hình ảnh "người nông dân chuyên nghiệp" để trở thành điểm sáng trong công tác hội và phong trào nông dân trong thời gian tới.

Phát biểu ấn tượng của người làm mô hình "Người nông dân chuyên nghiệp" tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp - Ảnh 3.

Ông Lê Quốc Phong - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chỉ đạo Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp xây dựng hình ảnh "người nông dân chuyên nghiệp" trong thời gian tới. Ảnh: Huỳnh Xây.

Ông Phong yêu cầu Hội Nông dân tỉnh xây dựng tiêu chí cụ thể đối với nông dân khi tham gia xây dựng "người nông dân chuyên nghiệp" sao cho sát với tình hình thực tế của địa phương và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh có liên quan đến nông dân, nông thôn, nông nghiệp.

Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cũng đặc biệt chỉ đạo Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp thực hiện tốt hơn nữa việc xây dựng "người nông dân chuyên nghiệp".

Đồng thời, yêu cầu xây dựng các tiêu chí cơ bản, xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng người dân và có khung chính sách hỗ trợ. "Tôi tin rằng trong thời gian ngắn nhất, Đồng Tháp làm tốt và người nông dân được hưởng lợi" - Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.

Ông Lý Văn Giàu được bầu tái giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp

Sau thời gian làm việc tích cực, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028 đã bầu ra nhân sự Ban Thường vụ, cùng các chức danh chủ chốt của Hội Nông dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2023-2028.

Kết quả, ông Lý Văn Giàu được bầu tái giữ chức Chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp khóa X, nhiệm kỳ 2023-2028.

Ông Lý Văn Giàu được bầu tái giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp - Ảnh 1.

Ông Lý Văn Giàu được bầu tái giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh: Huỳnh Xây

Bà Phan Thị Kim Nhung và ông Hồ Văn Đạt tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp Lý Văn Giàu cho biết, tập thể Ban Thường vụ, Thường trực Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong.

Đồng thời, sẽ tiếp tục tăng cường đoàn kết, mở rộng dân chủ, chủ động sáng tạo, đẩy mạnh hợp tác, quyết tâm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ đại hội đặt ra. Đồng thời, nỗ lực đưa công tác hội và phong trào nông dân tỉnh Đồng Tháp trong nhiệm kỳ 2023-2028 phát triển ngày càng toàn diện, bền vững.

Nhiệm kỳ 2023-2028, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp đặt ra 14 chỉ tiêu:

1. Có 100% cán bộ, hội viên được tuyên truyền, phổ biến, học tập các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của hội.

2. Trên 90% cán bộ hội chuyên trách các cấp, chi hội trưởng chi hội nông dân được trang bị, kiến thức về nông nghiệp, kỹ năng nông vận, nghiệp vụ công tác Hội.

3. Kết nạp 60.000 hội viên mới, thành lập mới 80 chi hội nông dân nghề nghiệp.

4. Có 97% cơ sở hội hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, 90% chi hội hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

5. Phấn đấu 100% chi hội có quỹ hoạt động Hội.

6. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 70% nông dân biết ứng dụng công nghệ internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng Internet.

7. Hội Nông dân cấp huyện phối hợp tổ chức ít nhất 5 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghề, tập huấn nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng sản xuất kinh doanh cho hội viên nông dân. Hỗ trợ ít nhất 8.000 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử.

8. Phấn đấu cuối nhiệm kỳ có trên 97% hội viên tham gia bảo hiểm y tế, vận động 4.800 hội viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

9. Hàng năm có 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

10. Có 100% hộ hội viên sản xuất, kinh doanh cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

11. Có 30% hội viên trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ thành lập mới 80 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và 12 hợp tác xã nông nghiệp.

12. Tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ Nông dân bình quân từ 10%/năm trở lên.

13. Phấn đấu 100% cơ sở hội có 1 mô hình về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và 01 mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.

14. Phấn đấu vận động 100% hội viên nông dân tham gia cuộc vận động trở thành "Người nông dân chuyên nghiệp" và đến cuối nhiệm kỳ có 60% trở lên được công nhận nông dân chuyên nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem