Phát hiện 3 cổ vật đặc biệt tại "Đại lộ Nhân sư" ở Ai Cập

Thứ sáu, ngày 22/10/2021 14:36 PM (GMT+7)
Các nhà khảo cổ học Ai Cập đã rất vui mừng khi phát hiện ra ba bức tượng mới trong khu vực "Đại lộ Nhân sư".
Bình luận 0
Phát hiện 3 cổ vật đặc biệt tại "Đại lộ Nhân sư" ở Ai Cập - Ảnh 1.

Mới đây, các nhà Ai Cập học đã có một khám phá tuyệt vời. Ảnh: Getty

Mới đây, Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập thông báo rằng họ đã tìm thấy ba chiếc đầu cừu khổng lồ ở phía nam Đền Karnak, Luxor. Người ta cho rằng từ hàng nghìn năm trước, chúng đã là một phần của những bức tượng nhân sư đặt dọc con đường dài hơn 3km giữa Đền Karnak và Đền Luxor. Con đường này được biết đến với cái tên "Đại lộ Nhân sư" và bao gồm khoảng 700 bức tượng.

Học giả Elizabeth Blyth lưu ý: "Ước tính có khoảng 700 tượng nhân sư xếp dọc tuyến đường giữa đền Karnak và Luxor. Vẻ đẹp lộng lẫy của nó hiếm ai có thể tưởng tượng được". Được biết, đền Karnak được xây dựng cách đây từ khoảng 4.000 đến 2.000 năm trước, và phần lớn trong số đó thờ Amun-Ra, một vị thần gắn liền với Mặt trời và Thebes, thủ đô của Ai Cập cổ đại. Khu đền có diện tích hơn 101 hecta.

Phát hiện 3 cổ vật đặc biệt tại "Đại lộ Nhân sư" ở Ai Cập - Ảnh 2.

Các chuyên gia hiện đang thăm dò những cổ vật này. Ảnh: Bộ Ai Cập

Các chuyên gia cho biết họ sẽ đặt những chiếc đầu cừu trở lại đúng vị trí của chúng. Mustafa Waziri, tổng thư ký của Hội đồng cổ vật tối cao, nói thêm rằng các nhà khảo cổ cũng phát hiện ra phần còn lại của một bức tượng rắn hổ mang.

Tuổi của các bức tượng đang được nghiên cứu, nhưng ông Waziri chia sẻ với al-Monitor rằng thiết kế của những bức tượng có thể có từ thời Amenhotep III, người trị vì Ai Cập từ năm 1390 trước Công nguyên đến năm 1352 trước Công nguyên. Còn được gọi là Amenhotep Đại đế, ngài là pharaoh thứ chín của Vương triều thứ mười tám. Triều đại của ngài là một thời kỳ thịnh vượng và huy hoàng chưa từng có, khi Ai Cập đạt đến đỉnh cao của sức mạnh quân sự, nghệ thuật cũng như ngoại giao.

Khi Amenhotep Đại đế qua đời vào năm thứ 38 hoặc 39 của triều đại, con trai ngài ban đầu cai trị với tên gọi Amenhotep IV, nhưng sau đó đổi tên hoàng gia của mình thành Akhenaten.

Lê Phương (express.co.uk)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem