Phát hiện mới thú vị “bên lề” kho báu mộ cổ trên sa mạc Iraq

Thứ năm, ngày 17/02/2022 06:00 AM (GMT+7)
Không chỉ gây chấn động dư luận về kho báu “lấp lánh”, ngôi mộ cổ được đánh giá là xa hoa nhất thời Lưỡng Hà từng được phát hiện còn hé lộ nhiều điều về người phụ nữ ở đỉnh cao quyền lực của thành Ur thời Cổ đại, mà tên tuổi đã lưu danh qua hàng thiên niên kỷ.
Bình luận 0
Phát hiện mới thú vị “bên lề” kho báu mộ cổ trên sa mạc Iraq - Ảnh 1.

Thông tin về sự kiện tìm thấy ngôi mộ cổ với kho báu "lấp lánh" được cho là xa hoa nhất thời Lưỡng Hà, từng gây chấn động thế giới. (Ảnh: Pinterest)

Kho báu mộ cổ - điểm đến độc đáo hút khách du lịch sa mạc Iraq

Thành cổ Ur là một thành bang quan trọng của người Sumer thời Lưỡng Hà Cổ đại, từng tọa lạc tại nơi ngày nay là Tell el-Muqayyar, tỉnh Dhi Qar ở miền nam Iraq. Tỉnh Dhi Qar cách Thủ đô Baghdad khoảng 400km về phía nam, nơi có nhiều thành cổ nổi tiếng và các khu định cư từng phát triển mạnh thời Lưỡng Hà Cổ đại (giữa thiên niên kỷ 3 và 4 trước Công nguyên).

Phát hiện mới thú vị “bên lề” kho báu mộ cổ trên sa mạc Iraq - Ảnh 2.

Gây chú ý nhất và cũng là điểm đến thu hút nhiều khách du lịch nhất lâu nay, là thành cổ Ur - vùng đất theo Kinh Thánh là nơi sinh của Nhà Tiên tri Abraham, cũng là nơi các đế chế Cổ đại từng phát triển mạnh mẽ và giàu có.

Địa điểm khảo cổ này từng là nơi gây chấn động thế giới thời thập niên 1920, khi nhà khảo cổ người Anh Leonard Wooley khám phá ra ngôi mộ cổ "lấp lánh" được cho là xa hoa nhất thời Lưỡng Hà từng được phát hiện, tại nghĩa trang Hoàng gia ở thành cổ Ur khi đó nằm sâu trong sa mạc ở miền nam Iraq.

Phát hiện mới thú vị “bên lề” kho báu mộ cổ trên sa mạc Iraq - Ảnh 3.

Những trang sức cổ bằng vàng và ngọc này là một phần trong kho báu "lấp lánh" được tìm thấy trong ngôi mộ cổ của Nữ hoàng Puabi. (Ảnh: Atlas Obscura)

Ngôi mộ cổ xa hoa lộng lẫy "lấp lánh" vàng ngọc có số hiệu PG800, sau đó được xác định là của Nữ hoàng Puabi - người phụ nữ ở đỉnh cao quyền lực của thành cổ Ur vào khoảng năm 2600 trước Công nguyên, với tên tuổi sau đó được lưu danh qua hàng thiên niên kỷ.

Dù chỉ có rất ít thông tin về Nữ hoàng Puabi, nhưng các học giả tin rằng bà có thể đã cai trị theo cách riêng của mình, vì dấu hiệu trên những con dấu được tìm thấy trong hầm mộ cho thấy bà không có chồng, nên cũng không phải là hoàng hậu của vị Vua nào.

Kho báu mộ cổ hé lộ trang phục lấp lánh độc đáo của Nữ hoàng

Nữ hoàng Puabi mất vào khoảng từ trước năm 2400 đến năm 2350 trước Công nguyên. Mộ của Nữ hoàng Puabi được đánh giá là độc nhất vô nhị, không chỉ vì số lượng lớn đồ tùy táng chất lượng cao và được bảo quản tốt, mà còn vì ngôi mộ xa hoa và lộng lẫy này không hề bị cướp bóc suốt hàng thế kỷ qua.

Phát hiện mới thú vị “bên lề” kho báu mộ cổ trên sa mạc Iraq - Ảnh 4.

Con dấu hình trụ bằng ngọc lưu ly (bên trái) được tìm thấy trong khu báu mộ cổ, cho thấy vị thế của Nữ hoàng Puabi. (Ảnh: Wikipedia)

Bên trong ngôi mộ là cả một kho báu khiến ai cũng phải kinh ngạc bởi quá nhiều vàng, quá nhiều đồ trang sức bao bọc hài cốt của Nữ hoàng Puabi như: Mũ miện bằng vàng nạm ngọc, chạm khắc hình hoa lá rất tinh xảo; vô số nhẫn và vòng vàng cùng chuỗi hạt ngọc; một cây đàn Lyres tuyệt đẹp được trang trí hình đầu bò có râu nạm vàng và ngọc lưu ly; bộ đồ ăn bằng vàng, một cỗ xe có trang trí hình đầu tư tử bằng bạc…

Được chôn cùng Nữ hoàng Puabi có 3 người hầu. Quanh đó còn có các Dead pit ("hố tử thần") với hài cốt của khá nhiều người. Từ đó dẫn tới suy đoán có thể là biểu hiện của tục hiến tế, nhưng tới nay giới chuyên môn vẫn chưa rõ liệu các "hố tử thần" đó có liên quan trực tiếp đến Nữ hoàng Puabi hay không.

Phát hiện mới thú vị “bên lề” kho báu mộ cổ trên sa mạc Iraq - Ảnh 5.

Cây đàn Lyres tuyệt đẹp được trang trí hình đầu bò có râu nạm vàng và ngọc lưu ly, là một phần trong kho báu mộ cổ của Nữ hoàng Puabi. (Ảnh: Wikipedia)

Phát hiện mới nhất liên quan đến ngôi mộ Nữ hoàng Puabi vừa được tiết lộ trong cuốn sách mới có tựa đề "Art/ifacts and ArtWorks in the Ancient World". Tác giả cuốn sách là bà Rita Wright - nhà khảo cổ và cũng là chuyên gia ngành dệt may của Đại học New York. Bà Rita Wright là người đầu tiên từng nghiên cứu về trang phục lấp lánh độc đáo, dựa trên hình ảnh duy nhất còn sót lại của Nữ hoàng Puabi.

Tạp chí Mỹ Atlas Obscura ngày 12/2 dẫn lời bà Rita Wright chia sẻ rằng: Chất lượng hàng dệt may thể hiện qua trang phục lộng lẫy cũng nói lên khá nhiều điều về cuộc sống và vai trò của những người phụ nữ ưu tú ở thành cổ Ur, nhất là về Nữ hoàng Puabi.

Phát hiện mới thú vị “bên lề” kho báu mộ cổ trên sa mạc Iraq - Ảnh 6.

Cuốn sách mới "Art/ifacts and ArtWorks in the Ancient World" của nhà khảo cổ và cũng là chuyên gia ngành dệt may Rita Wright, hé lộ phát hiện thú vị "bên lề" kho báu mộ cổ của Nữ hoàng Puabi. (Ảnh: pennpress.org)

Giới phụ nữ ưu tú thời đó vốn có vai trò rất quan trọng. Theo cách nào đó họ có liên hệ với tầng lớp cai trị và tạo nên nguồn sức mạnh tác động tới nhiều lĩnh vực. Đặc biệt trang phục họ mặc thường trở thành hình mẫu cho người dân, từ đó ảnh hưởng tới ngành dệt may mà ngày nay là một trong những ngành công nghiệp chính ở miền nam Iraq.



Linh Quyên (Atlas Obscura, The National)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem