Quy định ghi âm ghi hình tại phiên toà xét xử công khai

Phi Long Chủ nhật, ngày 10/03/2024 06:26 AM (GMT+7)
Luật sư Hoàng Anh Sơn - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh - đã lý giải vì sao nhà báo vẫn bị cấm ghi âm, ghi hình dù phiên toà xét xử công khai.
Bình luận 0

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết: Hiện nay, tại các phiên tòa xét xử công khai, nhiều người tham gia tố tụng có nhu cầu về việc ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa; đặc biệt là các nhà báo khi việc ghi âm, ghi hình là phương tiện tác nghiệp của họ. 

Trong mỗi phiên tòa, lượng thông tin thường phức tạp, phiên tòa kéo dài khó chuyển tải đầy đủ, chính xác khi không được ghi âm, ghi hình; nếu không cho ghi âm sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thông tin của nhà báo, phóng viên, hoạt động của truyền thông đại chúng sẽ bị cản trở.

Quy định ghi âm ghi hình tại phiên toà xét xử công khai- Ảnh 1.

Một phiên toà diễn ra tại Toà án Quan sự Thủ đô Hà Nội (ảnh minh hoạ).

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 25 Luật Báo chí 2016, nhà báo có quyền được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.

Điều 234 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 153 Luật Tố tụng hành chính về Nội quy phiên tòa đều quy định "4. Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ".

Như vậy, theo quy định trên cũng như thực tế hiện nay tại các phiên tòa việc có chấp nhận cho ghi âm, ghi hình hay không thường phụ thuộc vào quyết định của Thẩm phán và chỉ được ghi âm, ghi hình Hội đồng xét xử. Ngoài ra, muốn ghi âm, ghi hình đương sư, người tham gia tố tụng khác thì còn phụ thuộc vào đương sự, người tham gia tố tụng có muốn bảo vệ tuyệt đối quyền nhân thân của họ hay không.

Hiện nay đã có Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội có hiệu lực thi hành từ 01/09/2022 về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, tùy vào tính chất, mức độ và hậu của của hành vi mà có thể bị xử phạt theo quy định.

Việc quy định như trên là lường trước những rủi ro có thể xảy ra, hơn hết là để bảo vệ quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh…của các đương sự trong vụ án, pháp luật nước ta đã có quy định cụ thể về việc tham dự phiên tòa của nhà báo.

Trong quá trình xét xử vụ án, lời nói và hình ảnh cá nhân của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác có thể là những thông tin liên quan đến bí mật hồ sơ vụ việc, vụ án, bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; việc chia sẻ thông tin hình ảnh và clip sẽ làm lộ những thông tin này, ảnh hưởng tới đời sống, công việc và hoạt động kinh doanh của đương sự, bị cáo ra bên ngoài.

Hơn nữa, các bị cáo, đương sự trong phiên tòa được giảm bớt việc bị công khai thông tin và hình ảnh của mình - cái thuộc về quyền riêng tư, là quyền cơ bản của con người. HĐXX và những người thực hành tố tụng sẽ bớt đi sức ép bị công luận giám sát từng lời nói và cử chỉ của mình, sau đó còn là những bình phẩm không mong muốn.

Chưa kể hành vi này vô tình có thể gây cản trở hoạt động xét xử, khi những nội dung đưa lên không đầy đủ dẫn tới nhiều đánh giá phiến diện, thiếu khách quan đối với công tác xét xử của tòa án.

Vì vậy, mọi hành vi chụp ảnh, quay clip, quay và phát trực tiếp diễn biến phiên tòa đưa lên mạng xã hội không được sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, thì đều vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý, phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định.

Luật sư Hoàng Anh Sơn cũng cho biết, việc quy định như vậy là cần thiết. Tuy nhiên cần có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về quay phim, chụp ảnh tại phiên tòa, tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền cũng như cơ quan báo chí trong hoạt động nghiệp vụ của mình tại phiên tòa, vừa bảo đảm giữ trật tự, sự tôn nghiêm của phiên tòa, đồng thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân của người tham gia tố tụng đặc biệt là bị cáo, đương sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem