Phó Bí thư Phạm Hoàng Anh và nguyên Bí thư Lê Viết Chữ đối diện mức kỷ luật nào khi đã vướng lao lý?

PVCT Thứ năm, ngày 04/04/2024 06:29 AM (GMT+7)
Ông Lê Viết Chữ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc sẽ đối diện mức kỷ luật cao nhất khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư xử lý.
Bình luận 0

Như Dân Việt thông tin, tại kỳ họp thứ 39, bên cạnh các nội về kỷ luật và đề nghị kỷ luật cán bộ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Lê Viết Chữ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Phó Bí thư Phạm Hoàng Anh và nguyên Bí thư Lê Viết Chữ đối diện mức kỷ luật nào khi đã vướng lao lý?- Ảnh 1.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh (trái) và nguyên Bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đối diện mức kỷ luật khai trừ Đảng vì đã vướng lao lý. Ảnh Bộ Công an

Hai ông này cũng bị khởi tố, bắt tạm giam cùng 1 ngày về tội Nhận hối lộ khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mở rộng vụ án "Hậu Pháo".

Trong vụ án liên quan "Hậu Pháo", đã có 1 cán bộ là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy bị khai trừ Đảng vào ngày 20/3/2024, đó là bà Hoàng Thị Thúy Lan. Bà Lan cũng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Nhận hối lộ.

Trao đổi với Dân Việt, một nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, trường hợp cán bộ hoặc nguyên cán bộ lãnh đạo vi phạm pháp luật, bị khởi tố, khi đưa ra xem xét thi hành kỷ luật Đảng, họ phải đối diện với hình thức kỷ luật cao nhất là khai trừ.

Về thẩm quyền xử lý, đối với trường hợp nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy khi có vi phạm, khuyết điểm, Bộ Chính trị sẽ xem xét trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nếu vi phạm, khuyết điểm phải xử lý bằng hình thức kỷ luật từ cảnh cáo trở xuống (kỷ luật đảng viên có 4 hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ) thì Bộ Chính trị sẽ quyết định; trường hợp vi phạm của đảng viên đó rất nghiêm trọng cần phải xử lý kỷ luật cao hơn mức cảnh cáo ( cách chức hoặc khai trừ) thì Bộ Chính trị sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét xử lý.

Đối với trường hợp cán bộ là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy có vi phạm, khuyết điểm, cần phải xử lý kỷ luật ở mức từ cách chức đến khai trừ, thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư.

Trước đó đã có nhiều trường hợp cán bộ đương chức khi vi phạm pháp luật, bị khởi tố, đã bị cơ quan thẩm quyền của Đảng xem xét thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ, như trường hợp cựu Bí thư Lâm Đồng Trần Đức Quận, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình; cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường...

Theo Quy định 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, đối với đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam hoặc do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý, không chờ kết luận hoặc tuyên án của toà án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiếm toán; không cần quyết định cho đảng viên, cấp uỷ viên trở lại sinh hoạt mới xem xét, xử lý kỷ luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem