Phó Chủ tịch Hội NDVN Bùi Thị Thơm làm việc tại Hậu Giang: Cần quan tâm hơn đến tiêu thụ nông sản cho nông dân

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 27/04/2022 18:45 PM (GMT+7)
Hôm nay 27/4, Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang về công tác hội và phong trào nông dân năm 2021 và quý 1 năm 2022.
Bình luận 0

Nhiều cách làm sáng tạo, phát triển 75 CLB nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Tại buổi làm việc, Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang cho hay, trong năm 2021 và quý I năm 2022, mặt dù bị ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19, song các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã triển khai thực hiện khá toàn diện các mặt công tác Hội và phong trào nông dân.

Phó Chủ tịch Hội NDVN Bùi Thị Thơm: Cần quan tâm hơn đến câu chuyện tiêu thụ nông sản cho nông dân Hậu Giang - Ảnh 1.

Bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc với Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang chiều 27/4. Ảnh: Huỳnh Xây

Cụ thể, các cấp Hội đã triển khai tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Hội cấp trên, đặc biệt là tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng nhiều hình thức đổi mới, sáng tạo và mang lại hiệu quả như: xây dựng các nhóm Zalo, Facebook từ tỉnh đến cơ sở, chi, tổ Hội, tổ tiết kiệm và vay vốn.

Theo đó, cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch. Cụ thể, có 4.298 cán bộ, hội viên nông dân tham gia trong 1.917 tổ Covid-19 cộng đồng. 1.508 người tham gia trong 602 tổ nhân dân tự quản bảo vệ vùng xanh, tham gia trực chốt kiểm soát, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống Covid-19, tham gia lấy mẫu xét nghiệm test nhanh tại cộng đồng...

Bên cạnh đó, thành lập và thực hiện nhiều mô hình thiết thực hỗ trợ nông dân như: thành lập 80 tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản, 36 mô hình hỗ trợ mua hàng thiết yếu cho nông dân, 33 điểm tiếp nhận vật phẩm ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, phối hợp hỗ trợ cho 2.665 hộ hội viên nông dân nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội,...

Ngoài ra, các cấp Hội luôn nỗ lực duy trì và phát triển 75 câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, với 2.086 thành viên.

Trên 58.000 hộ dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Ông Châu Minh Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang cho biết: Thời gian gia, tỉnh kết nạp mới 14.881 hội viên, nâng tổng số đến nay có 111.394 hội viên, chiếm 84,40% hộ nông dân. Toàn tỉnh Hậu Giang hiện 582 chi Hội, 3.403 tổ Hội, trong đó có 1.146 tổ Hội nghề nghiệp. Xây dựng mới 34 chi hội có Quỹ Hội, nâng tổng số 549 chi hội có Quỹ Hội.

Phó Chủ tịch Hội NDVN Bùi Thị Thơm: Cần quan tâm hơn đến câu chuyện tiêu thụ nông sản cho nông dân Hậu Giang - Ảnh 2.

Ông Châu Minh Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang báo cáo với đoàn công tác về về công tác hội và phong trào nông dân năm 2021 và quý 1 năm 2022. Ảnh: Huỳnh Xây

Về triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các cấp Hội tuyên truyền, vận động hội viên nông dân xây dựng và đăng ký công nhận sản phẩm OCOP. Hiện toàn tỉnh có 105 sản phẩm OCOP.

Theo ông Tiến, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Hậu Giang được phát động sâu rộng trong nông dân, đến nay có 58.205 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 44,09% hộ nông dân. Đầu năm 2021 các cấp Hội đăng ký giúp 123 hộ thoát nghèo, kết quả đã giúp 167 hộ thoát nghèo.

Cũng theo ông Tiến, trong năm 2021, tỉnh xây dựng được 16 hợp tác xã với 330 thành viên, xây dựng 160 tổ hợp tác với 1.410 thành viên (kể cả tổ hợp tác trong tổ tiết kiệm và vay vốn). 

Các cấp Hội đã hướng dẫn hội viên nông dân thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng 13 mô hình 4 trong 1 (Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp, bí thư chi bộ hoặc trưởng ấp) trong sản xuất nông sản hàng hóa và tiêu thụ theo chuỗi giá trị).

Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang không ngừng vận động nông dân thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, góp phần cùng tỉnh xây dựng được tổng số 36/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 70,59% tổng số xã), trong đó 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 21/24 phường, thị trấn đạt đô thị văn minh.

Tăng trưởng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, đào tạo, dạy nghề cho nông dân

Theo Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, Quỹ Hỗ trợ nông dân tăng thêm 4,3 tỷ đồng, trong đó, vốn vận động 646 triệu đồng, ngân sách trên 3,6 tỷ đồng. Nâng tổng số vốn đến nay trên 32 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Hội NDVN Bùi Thị Thơm: Cần quan tâm hơn đến câu chuyện tiêu thụ nông sản cho nông dân Hậu Giang - Ảnh 3.

Cũng trong ngày 27/4, Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đến tìm hiểu mô hình trồng cây ăn trái ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Huỳnh Xây

Trong năm 2021, toàn tỉnh phát vay 47 dự án với tổng số tiền trên 15 tỷ đồng hỗ trợ 387 hộ vay. Như vậy, đến nay, toàn tỉnh có tổng số 158 dự án với tổng dư nợ trên 43,2 tỷ đồng, cho 1.277 hộ vay. Trong đó, có 108 dự án trồng trọt, 22 dự án chăn nuôi, 24 dự án thủy sản, 4 dự án dịch vụ (làng nghề).

Thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện Hậu Giang có 778 tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ ủy thác đến nay là 1.046,784 tỷ đồng, cho 33.923 hộ vay, tỷ lệ nợ quá hạn 0,3%. Đồng thời, phối hợp thành lập 83 tổ hợp tác sản xuất trong tổ tiết kiệm vay vốn, bước đầu đi vào hoạt động. Trong quý I năm 2022 đã tổ chức đi khảo sát chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác trong tổ tiết kiệm và vay vốn.

Thực hiện thỏa thuận liên ngành giữa Hội Nông dân tỉnh và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hậu Giang, thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đến nay dư nợ 7.418 tỷ đồng, cho 51.061 hộ vay.

Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, trong năm 2021 và quý 1 năm 2022, đã phối hợp mở 53 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có 1.506 người tham dự, trong đó có 1.104 người có việc làm sau đào tạo.

Phối hợp tổ chức 1.263 buổi tư vấn, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cao cho 62.816 hội viên nông dân; hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng 25 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng Vietgap, Globalgap.

Phối hợp với Bưu điện tỉnh rà soát đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử, xây dựng gian hàng tham gia Hội chợ triển lãm trực tuyến, tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử.

Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh liên kết với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A thực hiện dạy nghề, giới thiệu việc làm cho nông dân. Kết quả dạy nghề được 12 lớp, với 300 học viên, các lớp gồm: Hàn điện, xây dựng, may công nghiệp, chế biến thức ăn,… giới thiệu việc làm sau đào tạo cho 255 học viên.

Cần quan tâm đến câu chuyện tiêu thụ nông sản cho nông dân

Phát biểu tổng kết buổi làm việc, bà Bùi Thị Thơm cho rằng, bên cạnh sự quan tâm và tạo điều kiện của lãnh đạo địa phương, cán bộ Hội Nông dân các cấp ở tỉnh Hậu Giang rất đã nỗ lực để đạt được những kết quả rất tốt trong thời gian qua mặc dù dịch Covid-19 diễn ra, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực.

Phó Chủ tịch Hội NDVN Bùi Thị Thơm: Cần quan tâm hơn đến câu chuyện tiêu thụ nông sản cho nông dân Hậu Giang - Ảnh 4.

Sau khi thăm mô hình trồng cây ăn trái, Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đến làm việc với xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Huỳnh Xây

Hội Nông dân các cấp phối hợp với nhiều đơn vị có liên quan từng bước kiềm chế, đi vào phục hồi và phát triển trong tình hình mới. Công tác xây dựng chi tổ hội, phát triển hội viên đã làm tốt, đặc biệt là mô hình 4 trong 1.

"Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang đã tham gia vào nhiều lĩnh vực, trong đó có cả hoạt động bảo vệ môi trường, triển khai các dự án quỹ, triển giao khoa học kỹ thuật, vay vốn, dạy nghề, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản phẩm OCOP,... Do đó, tôi mong rằng, Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang tiếp tục phát huy tình thần trên trong thời gian tới" - bà Bùi Thị Thơm nói.

Theo bà Bùi Thị Thơm, hiện câu chuyện tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL nói chung, Hậu Giang nói riêng vẫn còn khó khăn. Do đó, các cấp Hội cần quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ người dân, bảo vệ quyền lợi nông dân. Từng bước kết nối tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản.

Ngoài ra, các cấp Hội cần quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng tổ chức hội, tập hợp hội viên, nâng cao vai trò, hỗ trợ hết mình với nông dân sản xuất giỏi. Tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan chuyển giao khoa học kỹ thuật, dịch vụ, bám sát chiến lược phát triển nông nghiệp nông nghiệp nông thôn, tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia.

Riêng đối với những đề xuất của tỉnh, bà Bùi Thị Thơm cho biết, Đoàn công tác sẽ tiếp thu và nghiên cứu sao cho phù hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem