Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) "kể tội" tín dụng đen, nêu 5 đề xuất

16/11/2023 15:12 GMT+7
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng công an đã triệt phá hàng loạt vụ việc núp bóng để xử lý hành vi cưỡng đoạt tài sản. Sau đó, hoạt động tội phạm có dấu hiệu tan rã, hoạt động cầm chừng, co cụm, gọi điện nhắn tin khủng bố có giảm.

Phát biểu tại hội thảo "Thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng và vấn đề thu hồi nợ hiện nay", Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 16/11, ông Bùi Đức Tài, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an cho biết, lợi dụng những khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội, tình hình tội phạm và vi phạm phát luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen có những diễn biến phức tạp. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an vừa mở đợt tấn công trấn áp tội phạm tín dụng đen.

Qua đấu tranh triệt phá, cơ quan công an phát hiện đối tượng người nước ngoài gồm Trung Quốc, Nam Phi, Nga… đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính, tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay lãi nặng với lãi suất trên 1000%/năm, sau đó móc nối với một số nhân viên ngân hàng, công ty trung gian thanh toán, ví điện tử để giải ngân, thu hồi các khoản vay. Chính các ngân hàng là đối tượng mà chúng hướng tới, lợi dụng và thực hiện hành vi lừa đảo.

Một số đối tượng núp bóng doanh nghiệp, công ty luật, công ty tài chính mua lại các khoản nợ xấu, khó đòi, nợ của các ứng dụng cho vay, nợ của các công ty tài chính, ngân hàng để đòi nợ.

Hành vi đòi nợ của các đối tượng này thể hiện ở ba cấp độ khác nhau gồm: Gọi điện đe dọa, chửi bới khách hàng để yêu cầu phải trả tiền; Gọi điện đe dọa, kể cả dọa giết người vay, đưa các hình ảnh của người vay lên mạng xã hội để bôi nhọ; Ném chất thải vào nhà, có trường hợp mang cả quan tài, can xăng đến nhà người vay vốn để đòi nợ.

Thời gian qua, lực lượng công an đã triệt phá hàng loạt vụ việc núp bóng để xử lý hành vi cưỡng đoạt tài sản. Sau đó, hoạt động tội phạm có dấu hiệu tan rã, hoạt động cầm chừng, co cụm, gọi điện nhắn tin khủng bố có giảm.

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) "kể tội" tín dụng đen, nêu 5 đề xuất - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: LT)

Liên quan đến các ngân hàng, ông Tài nêu ra 5 lưu ý qua công tác điều tra các vụ án để ngân hàng phòng tránh các tội phạm gian lận, lừa đảo.

Thứ nhất, có sơ hở, thiếu sót trong việc đăng ký, xác thực, quản lý hoạt động của các tài khoản ngân hàng dẫn đến tình trạng các đối tượng mua, thuê tài khoản để phục vụ các hoạt động vi phạm pháp luật (bao gồm cả cưỡng đoạt tài sản, vu khống, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…).

Hai là, sơ hở, thiếu sót trong quản lý hoạt động của các công ty trung gian thanh toán, các ví điện tử để các đối tượng móc nối, lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, tiếp tay cho tội phạm nói chung (tổ chức đánh bạc, rửa tiền, lừa đảo…) và tội phạm liên quan đến cưỡng đoạt, cho vay lãi nặng nói riêng (giải ngân, thu hộ, chi hộ, thanh toán nợ…).

Ba là, sơ hở, thiếu sót trong quản lý hoạt động của các chi nhánh ngân hàng thương mại, công ty tài chính (bộ phận thu hồi nợ) để các đối tượng móc nối, ký kết các hợp đồng mua bán nợ, ủy quyền thu hồi nợ, tư vấn pháp lý, tư vấn tài chính… nhưng thực chất là đòi nợ thuê.

Bốn là, chưa kịp thời rà soát, phát hiện, kiến nghị xử lý đối với các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng nhưng kinh doanh dịch vụ cho vay (công ty cổ phần đầu tư, kinh doanh dịch vụ tài chính…).

Năm là, sơ hở, thiếu sót trong việc bảo mật thông tin cá nhân của người vay trong các công ty tài chính, ngân hàng (gồm cả thông tin cá nhân trong các dữ liệu về thuế, bảo hiểm, giáo dục, lịch sử liên lạc điện thoại…) dẫn đến tình trạng các đối tượng mua bán, sử dụng thông tin cá nhân, người vay để gọi điện mời chào cho vay, đòi nợ, cưỡng đoạt tài sản.

Từ đó, ông Tài đề nghị Hiệp hội Ngân hàng hướng dẫn, khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng thành viên tăng cường các hoạt động tuyên truyền cho các nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng trong chấp hành các quy định của pháp luật và ngành ngân hàng; chấp hành nghiêm các quy định về bảo mật dữ liệu, thông tin cá nhân liên quan.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra điều kiện hoạt động, việc chấp hành các quy định của các ngân hàng, tổ chức tín dụng để chấn chỉnh các hạn chế, sơ hở liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm.

Rà soát, khắc phục sơ hở trong quy định, quy trình nghiệp vụ liên quan đến hoạt động của các bộ phận thu hồi nợ, xử lý nợ xấu. Nghiêm cấm các hành vi ký kết các hợp đồng biến tướng với các doanh nghiệp khác để giải ngân cho vay, mua bán nợ, đòi nợ thuê; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, ứng dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu để xác thực, làm sạch và loại bỏ tài khoản ngân hàng "ảo"; hỗ trợ ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính chính thống rút ngắn thời gian, thủ tục cấp tín dụng cho người dân góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước nói chung, phòng chống hoạt động tín dụng đen nói riêng.

Phối hợp, cung cấp các thông tin có liên quan đến các hành vi cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản các hành vi khác có dấu hiệu tội phạm do ngành ngân hàng phát hiện để xử lý.


H.Anh
Cùng chuyên mục