Phó Thống đốc dán nhãn 'Thanh toán không tiền mặt' tại nhiều điểm bán hàng
Nằm trong chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt (16/6), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã đi dán biểu tượng thanh toán không tiền mặt tại một số điểm mua bán trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh.
Dán nhãn "Thanh toán không tiền mặt" không chỉ giúp người mua hàng nhận diện các điểm chấp nhận thanh toán không tiền mặt, mà còn là sự cam kết của nhà bán lẻ với hình thức thanh toán văn minh này, gắn liền với cuộc sống hằng ngày.
Chia sẻ tại điểm dán nhãn, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết thanh toán không tiền mặt ở hệ thống tăng mạnh trong khoảng một năm gần đây.
Cụ thể, theo ông Đức, từ mức 3% - 5% của năm ngoái, hiện nay doanh số thanh toán không tiền mặt đã chiếm gần 21%, tức tăng gấp 7 lần, trong đó 21% từ ví điện tử, thẻ thanh toán các loại, voucher điện tử, dịch vụ thu hộ...
Dưới góc độ một người bán hàng, bà Đào Thị Xuân Mai, chủ sạp Trúc Phương, chuyên bán các mặt hàng khô tại trung tâm thương mại An Đông, cho hay trước đây nhiều khách du lịch muốn mua làm quà cho người thân và thanh toán bằng thẻ nhưng bận kinh doanh bà chưa tìm hiểu điều kiện để lắp máy cà thẻ (POS).
"Nhiều khách hàng không mang theo tiền mặt, nên mỗi khi như vậy, tôi và khách hàng lại phải đến ngân hàng để chuyển khoản, hoặc khách hàng phải ra ATM rút tiền mặt để thanh toán, rất bất tiện. Nhiều khách hàng chịu ra ngân hàng nhưng nhiều người lại không chịu, mình bị mất khách. Do vậy khi ban quản lý chợ phổ biến về việc lắp máy POS và quét mã QR, tôi đồng ý ngay vì đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, mình lại bán được hàng", bà Mai nói.
Cũng theo bà Mai, dù ngày 16/6 là ngày đầu tiên lắp máy nhưng đã có đến một nửa khách hàng chọn thanh toán cà thẻ hoặc quét mã vì vừa tiện vừa được hưởng khuyến mãi của ngân hàng.
Còn về phía khác hàng, khi ghé vào đổ xăng tại cây xăng của Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn SFC trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3), anh Phạm Hoàng Vũ (Q.3) đã cà thẻ trả tiền bằng máy POS do nhân viên cây xăng phục vụ tận nơi.
"Tôi thấy phương thức thanh toán này tiện lợi, hiện đại, tôi đã dùng thử nhiều lần và sẽ khuyến khích người thân cùng sử dụng. Tuy nhiên, qua nhiều lần sử dụng tôi mong muốn ngân hàng và các công ty thanh toán cải tiến sao cho thao tác thanh toán càng ngày càng nhanh hơn nữa. Vì vào giờ cao điểm khách hàng ghé đổ xăng rất đông, nên nếu thao tác lâu sẽ ngại người khác phải chờ đợi nên nhiều người sẽ có tâm lý trả tiền mặt cho nhanh", anh Vũ kiến nghị.
Đề cập về xu hướng thanh toán, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch, Trưởng đại diện phía Nam cúa Hiệp hội Thương mại điện tử cho hay, từ trước đến nay, mọi người vẫn sử dụng hình thức thanh toán tiền mặt chiếm đa số cả về kinh doanh truyền thống lẫn kinh doanh trực tuyến.
Tuy nhiên, kể từ năm 2019, chúng tôi đã cùng nhau phối hợp tổ chức "Ngày không tiền mặt". Từ đó, góp phần giúp cho cộng đồng biết đến thanh toán không tiền mặt tiện lợi như thế nào. Chẳng hạn ngay khi xảy ra dịch Covid-19, tác nhân làm cho mọi người hạn chế gần nhau đã làm cho việc thanh toán không dùng tiền mặt được quan tâm mạnh mẽ hơn.
Hơn nữa, đối với sự chỉ đạo hỗ trợ của NHNN phối hợp với cơ quan truyền thông đã làm lan rộng hơn và mọi người quan tâm hơn đến hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. "Đó là lý do chúng ta đang tính đến một hình thức chợ truyền thống nhưng sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt", ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, vai trò của truyền thông đối với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt là vô cùng quan trọng.
"Nếu không có truyền thông chương trình của chúng ta sẽ lọt thỏm và truyền thông sẽ lan rộng nếu có sự kết nối của tất cả các bên. Nếu cộng đồng những người kinh doanh cũng có những phương tiện, công cụ truyền thông thì chương trình của chúng ta sẽ rộng khắp hơn, do đó vai trò của truyền thông là rất quan trọng" – ông Dũng nói.