Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Độc quyền truyền tải điện, không độc quyền đầu tư
Hướng đến năng lượng sạch
Sáng 7/11, Bộ trưởng Công thương Trần Anh Tuấn tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội. Dù phần lớn thời gian chất vấn ngày hôm qua được bộ trưởng trả lời về vấn đề điện, nhiều đại biểu vẫn tiếp tục dùng quyền tranh luận để hỏi về vấn đề này.
Trả lời thêm các vấn đề mà đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết dù ngành điện đã đáp ứng đủ điện trong năm qua, nhưng việc phát triển điện năng đang gặp nhiều khó khăn, nếu không có giải pháp hữu hiệu thì nguy cơ thiếu điện là hiện hữu. Cơ cấu nguồn điện đã có sự thay đổi rất nhanh, nhất là nhanh so với quy hoạch điện 7.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh quy hoạch điện 7 nhằm bổ sung thêm các nguồn điện, trong đó, đặc biệt là nguồn điện tái tạo và các nguồn điện khác để bù đắp sự thiếu hụt này.
Hai năm gần đây, điện mặt trời, điện gió nhận được nhiều sự quan tâm tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Lý do là bởi, nguồn điện mặt trời, điện gió có nhiều tiềm năng, không tốn nhiên liệu và không ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, điện sạch đang nhận được nhiều khuyến khích nên dễ huy động vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề cập đến nhu cầu đầu tư phát triển nguồn lưới điện rất lớn. Sơ bộ đánh giá, từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần vốn đầu tư khoảng 130 tỷ USD Mỹ, bình quân khoảng 12 tỷ USD/1 năm, trong đó khoảng 9 tỷ USD cho đầu tư nguồn điện và 3 tỷ USD đầu tư cho lưới điện. Việc huy động vốn được cho là khó khăn và chính là nguyên nhân chậm trễ của nhiều dự án.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các dự án mới không phân bổ đều, trong đó tập trung nhiều miền Trung, nơi sản xuất 60% điện nhưng chỉ tiêu thụ 5%. "Do đó, chúng ta phải tiếp tục xây dựng đường dây tải điện Bắc – Nam mạch số 3 để điều tiết điện khu vực phía Nam", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết.
Phó thủ tướng chỉ ra những khó khăn như cơ cấu nguồn điện thay đổi nhanh so với quy hoạch; nhu cầu vốn đầu tư lớn, mỗi năm cần tới 3 tỉ USD cho lưới điện và 9 tỉ USD cho nguồn điện; đầu tư nguồn và truyền tải điện còn mất cân đối, hạn chế giải tỏa công suất; nguyên liệu cho các nhà máy điện than, khí khó khăn…
Không độc quyền đầu tư
Để khắc phục những khó khăn trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng yếu.
Thứ nhất cần tập trung lập quy hoạch điện tăng báo cáo theo đúng Luật Quy hoạch đến giai đoạn 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Thứ hai, xác định cơ cấu nguồn điện trong đó tập trung tăng nguồn điện tái tạo, tăng điện khí trong cơ cấu nguồn điện so với quy hoạch điện 7 hiện nay và kéo dài thời gian tới ngoài 2030. Tiếp đó là xác định không gian để phân bổ điện hợp lý tức là tranh thủ những tiềm năng lợi thế của các địa phương.
Theo Phó Thủ tướng, nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 hiện nay đã hoàn thành khoảng trên 80% khối lượng công việc. Chỉ cần đầu tư 2.000 tỷ nữa sẽ hoàn thành dự án này. Đưa một dự án khoảng 1200 Megawatt vào hoạt động góp phần rất quan trọng để cung cấp thêm nguồn điện cho phát triển sản xuất.
"Dự án này Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ bổ sung 2.000 tỷ. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước xem xét việc này theo đúng quy định của pháp luật quy định và báo cáo sớm Thủ tướng Chính phủ", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng cho biết phải đẩy nhanh tiến độ các dự án đã xong thủ tục đầu tư để sớm thực hiện đầu tư. Việc nhập khẩu điện cũng được nhắc tới gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, đặc biệt ưu tiên hợp tác đầu tư phát triển điện với Lào. Ngoài Lào, Việt Nam cũng sẽ hợp tác với nhiều quốc gia láng giềng.
Phó Thủ tướng cũng đề cập đến việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án truyền tải điện, trong đó có đường dây 500 KW mạch 3 và đường truyền tải giải toả công suất cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió.
Về đường truyền tải điện, Phó Thủ tướng cho hay: "Nhà nước độc quyền về truyền tải điện. Nhưng độc quyền ở đây không có nghĩa độc quyền cả về đầu tư".
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không nên hiểu máy móc. Nhà nước quản lý thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam, độc quyền để không ai có thể can thiệp và đáp ứng yêu cầu phục vụ điện cho sản xuất và sinh hoạt, nhưng phải huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư.