Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát việc thu hồi đất của doanh nghiệp đã cổ phần hóa
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát cơ sở pháp lý của việc thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai đối với trường hợp doanh nghiệp đã cổ phần hóa và đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng.
Căn cứ để xử lý trong trường hợp thu hồi, đấu giá, nhưng doanh nghiệp đang sở hữu tài sản trên đất không trúng đấu giá. Trường hợp có sự khác nhau giữa Nghị quyết của Quốc hội và Luật Đất đai, Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính rà soát Chương trình hành động của Chính phủ về trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để làm rõ mục đích của việc giao nhiệm vụ "xác định giá đất cụ thể theo quy định của Luật Đất đai" (cho thuê đất hoặc xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa/căn cứ tính tiền bồi thường...).
Đồng thời, xác định rõ hơn đối tượng "các doanh nghiệp cổ phần hóa còn lại" (doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa được phê duyệt phương án sử dụng đất hay doanh nghiệp chưa cổ phần hóa, doanh nghiệp có vốn nhà nước hay doanh nghiệp là công ty con của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước).
Bên cạnh đó rà soát theo quy định của pháp luật về đất đai đối với nội dung "trường hợp phương án sử dụng đất doanh nghiệp đề xuất chưa phù hợp với quy hoạch, mục đích sử dụng đất, ngành nghề kinh doanh và pháp luật về đất đai hiện hành thì kiên quyết tổ chức thu hồi và đấu giá công khai theo quy định của pháp luật".
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu hoàn chỉnh các nội dung trên để trình Thủ tướng trước ngày 20.5.2019.
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) tại dự án Khu Đoàn ngoại giao thời điểm cổ phần hoá.
Trước đó, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tăng cường sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp. Trong đó, yêu cầu phải rà soát việc việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất của các doanh nghiệp khi cổ phần hóa theo các quy định pháp luật từng thời kỳ.
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, việc sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp đã góp phần ổn định sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp theo chủ trương của Đảng và nhà nước. Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy việc quản lý, sử dụng đất đai, cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp còn thực sự chưa hiệu quả, đặc biệt là việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn liên doanh, liên kết, chuyển mục đích sử dụng đất…, cá biệt có những trường hợp sai phạm bị cơ quan chức năng xử lý.
Đáng chú ý, trường hợp các doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư kinh doanh bất động sản, phải rà soát giá trị quyền sử dụng đất tính trong giá trị doanh nghiệp theo quy định của Nghị định của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần hoặc việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với đất đai khi chuyển mục đích sử dụng đất.
Đồng thời, rà soát việc góp vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp có vốn nhà nước thành lập các công ty đầu tư bất động sản để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở góp vốn từ giá trị tài sản trên đất là cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp này.
Như Dân Việt đã đưa, vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã công bố báo cáo kiểm toán quyết toán giá trị vốn nhà nước tại Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), trong đó chỉ ra một số sai sót về định giá, quản lý các bất động sản của doanh nghiệp.
Theo báo cáo, Hancorp trước khi cổ phần hóa đang quản lý 10 khu đất tại Hà Nội; TP HCM, Nghệ An và Đồng Nai mỗi nơi có một khu đất.
Kết luận kiểm toán chỉ ra, tại dự án tổ hợp nhà ở đa năng 28 tầng Làng Quốc tế Thăng Long (Hà Nội), Hancorp đã nộp tiền sử dụng đất là 119 tỷ đồng nhưng chưa nộp phần chênh lệch giữa giá bán và giá thành của 30% diện tích sàn căn hộ. Khoản này được xác định khoảng 20,4 tỷ đồng.
Còn tại dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu Đoàn ngoại giao ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, theo Kiểm toán Nhà nước, Hancorp chưa nộp tiền sử dụng đất với phần xây dựng 3.005 m2 để làm nhà ở cao tầng cho người nước ngoài. "Tiền sử dụng đất của các diện tích này đến ngày 1.1.2012 - thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được tư vấn định giá theo đơn giá tạm tính 15,5 triệu đồng một m2, tương ứng với là 59 tỷ", cơ quan kiểm toán cho biết.
Khu đất 5.000m2 tại xã Kiến Hưng, Hà Đông (Hà Nội) trước đây UBND tỉnh Hà Tây đồng ý cho tổng công ty sử dụng tiền thuê đất trong 20 năm (tính từ năm 1997) để góp vốn liên doanh cùng một đơn vị khác. Tuy nhiên, pháp nhân liên doanh này đã giải thể và bàn giao lại cho Hancorp sử dụng lô đất trên. Tổng công ty đã làm việc với Hà Nội để trả lại đất song đến khi kiểm toán vẫn chưa hoàn tất. Một số tài sản khác cũng chưa được Hancorp bàn giao cho UBND TP Hà Nội theo phương án cổ phần hóa.