"Phỏng tay" ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất vì nạn xe dù "chặt chém"

Hoàng Ba Đình Chủ nhật, ngày 06/02/2022 14:31 PM (GMT+7)
Mùng 5 và mùng 6 Tết Nhâm Dần, TP.HCM đón hàng loạt hành khách từ các địa phương về. Người đi máy bay, kẻ đi xe khách, tay xách nách mang, hành lý khệ nệ. Có người đi du lịch đầu xuân về, có người từ dưới quê lên.
Bình luận 0

Tựu trung năm nay, cao điểm đổ về là mùng 5 và mùng 6. Bởi vì mùng 7 là ngày đi làm, nên có người mùng 5 tranh thủ về Sài Gòn để mùng 6 nghỉ ngơi, có người mùng 6 mới trở lại.

Bởi lượng khách khổng lồ đổ về cùng lúc, nên gây sức ép rất lớn lên các phương tiện giao thông vận tải cũng như bến bãi, sân bay. Bên cạnh đó, một số phương tiện giao thông đưa hành khách từ sân bay, bến xe về nhà cũng tranh thủ tăng giá.

"Phỏng tay" ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất vì nạn xe dù "chặt chém" - Ảnh 1.

Đoàn xe rồng rắn vào sân bay Tân Sơn Nhất đón khách. Ảnh: Hoàng Ba Đình

Anh Lư Mê Li (hướng dẫn viên du lịch), vừa dẫn một đoàn du khách đi du lịch miền Bắc trở về TP.HCM chia sẻ: Hiện tại, do lượng khách hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất quá đông, nên taxi truyền thống không thể đáp ứng nổi. Lợi dụng tình hình, taxi dù và xe ôm cũng cùng nhau nâng giá. Cụ thể: taxi từ sân bay về trung tâm: 500 ngàn đồng/chuyến; xe ôm: 150 ngàn đồng/chuyến.

"Nhà tôi ở Trần Đình Xu (quận 1), do đặc thù công việc, nên việc di chuyển bằng taxi, xe ôm đến sân bay đối với tôi là việc bình thường, giá cả tôi nắm rất rõ. Với mức giá như vừa nêu, thì họ đã tăng cao hơn so với ngày thường từ 3-5 lần. 

Thực sự ai cũng hiểu rằng chuyện ngày cao điểm thì tăng giá cũng là bình thường. Nhưng với mức tăng như vậy rõ ràng không thể chấp nhận được. Đấy phải gọi là "chặt chém" rồi mới đúng. Mặc dù đã có taxi, xe ôm công nghệ để hành khách đặt qua app, nhưng riêng ở khu vực sân bay, các loại xe này đều tắt app để tận thu. Mà các loại xe trên, một khi tắt app đi rồi thì có khác gì xe dù?", anh Lư Mê Li cho biết.

"Phỏng tay" ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất vì nạn xe dù "chặt chém" - Ảnh 2.

Bến xe miền Tây trong những ngày còn vắng vẻ. Ảnh: Hoàng Ba Đình

Còn với anh Quốc Duy (quê Quảng Ngãi), cũng mới vào lại Sài Gòn sau những ngày nghỉ Tết cho biết: "Tôi từ Quảng Ngãi trở về, sau khi ra khỏi cổng sân bay, tôi cũng đặt xe taxi công nghệ để trở về nhà. Nhưng hầu hết đều không có chuyến, hoặc khi họ biết mình đi quãng ngắn đều thường từ chối. Còn khi ra ngoài thì gặp ngay lực lượng xe dù hùng hậu với mức giá cao gấp 3-4 lần giá tôi đi bình thường".

Không chỉ hành khách đi máy bay, ngay tại các bến xe cũng gặp tình trạng tương tự. Anh Nhã (quê Sóc Trăng) cho biết đã gặp tình trạng hét giá so với ngày thường tại bến xe miền Tây. Còn khi gặp những chuyến đi dưới 4 km họ cũng từ chối, trừ phi phải trả với mức giá nào mà các tài xế tạm "coi được".

Vấn nạn hiện tại như trên năm nào cũng gặp, các cơ quan chức năng hầu như chưa có biện pháp nào căn cơ để có thể dẹp yên nạn thừa cơ chặt chém được cả. Không lẽ như vậy lại bó tay hay sao?

"Phỏng tay" ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất vì nạn xe dù "chặt chém" - Ảnh 3.

Ga quốc tế Tân Sơn Nhất, điểm phù hợp để đón xe công nghệ trong tình hình hiện tại.

Nhưng yên tâm, vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn. Anh Lư Mê Li với kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch đã có những chia sẻ như sau để tránh tình hình "chặt chém" tại sân bay: "Để hạn chế tình trạng này, tôi thường hướng dẫn cho du khách chịu khó đi bộ ra cây xăng trên đường Trường Sơn (Tân Bình). Dù đi bộ hơi xa, nhưng bù lại ở đây có nhiều xe đợi sẵn và dễ dàng bắt được xe công nghệ hơn ở trong sân bay".

Cũng theo anh Li, trước tình hình hoặc là đợi xe 30 phút, hoặc đi ngay với giá cắt cổ, thì việc di chuyển thêm vài trăm mét để có nơi bắt xe với giá hợp lý vẫn được nhiều người lựa chọn hơn. Mặc dù đi bộ như thế này sẽ khá bất tiện với những hành khách có nhiều hành lý, nhưng suy đi nghĩ lại, rõ ràng không thể thỏa hiệp được với các hành vi bất lương, dù có đi xa cũng quyết nói không với tình hình chặt chém.

"Phỏng tay" ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất vì nạn xe dù "chặt chém" - Ảnh 4.

Du khách xếp hàng ra về đông nghịt tại sân bay Phú Quốc. Nguồn: NVCC

Không chỉ hướng dẫn điểm bắt xe hợp lý cho hành khách, anh Lư Mê Li còn chia sẻ tình hình này lên trang facebook cá nhân để các anh em đồng nghiệp, các hành khách từ các nơi khác trở về có thể tránh bị "chặt chém". Không ngờ rằng, sau khi chia sẻ, anh Lư Mê Li còn được tư vấn thêm nhiều cách né xe chặt, xe dù.

Chẳng hạn, tài khoản có tên Pham Minh Luan cho rằng: "Sau khi xuống ga quốc nội, không cần gì phải di chuyển ra đường Trường Sơn làm gì cho xa. Cứ đi bộ qua ga đến quốc tế cách đó vài trăm mét là đón được xe công nghệ ngay. Bởi ga quốc tế hiện tại khách khứa vẫn lèo tèo, qua đó dễ đón xe, không phải chờ đợi, không bị chặt chém như tình hình tại ga quốc nội".

Còn tài khoản có tên Sĩ Thành Ti thì cho biết thêm: "Em đi bộ ra ga quốc tế cột số 10, 11, 12, đặt xe là xe đến tận nơi. Giá thêm 100 ngàn đồng so với ngày thường".

Anh Lư Mê Li kết luận: "Thực sự, rất nhiều người năm nào cũng qua lại sân bay vào dịp Tết, nhưng năm nào cũng bị những người làm dịch vụ theo kiểu ăn xổi ở thì "chặt chém", nhưng cũng đành chấp nhận.

Hiện tại, cũng chỉ có những biện pháp đối phó tạm thời như tôi vừa chia sẻ. Còn về biện pháp căn cơ, lâu dài... thì phải có bàn tay của cơ quan chức năng vào cuộc một cách quyết liệt".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem