Phong tục kỳ lạ tại một ngôi làng Ấn Độ khi sinh con gái

Như Nguyệt Thứ năm, ngày 08/10/2015 12:30 PM (GMT+7)
Tại Ấn Độ, bên cạnh nhiều phong tục kỳ lạ trong quá khứ vẫn được lưu giữ, đã có nhiều phong tục tiến bộ và tích cực ra đời.
Bình luận 0

Hầu hết các nền văn hóa châu Á đều có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Dù xã hội đã phát triển, vai trò của người phụ nữ ngày càng trở nên quan trọng, nhưng lối suy nghĩ cũ vẫn ảnh hưởng đến rất nhiều người. Đặc biệt những quốc gia có văn hóa lâu đời như Ấn Độ, việc sinh con gái được xem là một trách nhiệm không mong muốn cho phụ huynh, vì chuẩn bị của hồi môn cho con gái cũng trở thành một gánh nặng kinh tế gia đình. Bởi lý do này, các bé gái Ấn Độ thường không được làm lễ kỷ niệm long trọng như những bé trai.

img

Tuy nhiên, tại ngôi làng Piplantri ở Rajasthan (Ấn Độ), người dân lại ăn mừng sự ra đời của bé gái với một nghi lễ rất độc đáo: trồng 111 cây ăn quả. Cựu lãnh đạo của làng, ông Shyam Sundar Palawal là người đầu tiên nghĩ ra phong tục này vào năm 2006 sau cái chết đau lòng của con gái ông.

Vì muốn các trẻ em gái trong làng được bảo vệ, chăm sóc và nuôi dạy tử tế, ông đã đặt ra một truyền thống không chỉ giúp môi trường địa phương thêm trong lành mà còn giải quyết vấn đề tài chính cho gia đình các bé gái. Gia đình nào cứ sinh thêm một bé gái thì phải trồng 111 cây ăn quả và phải chăm sóc tốt cho cây, như chăm sóc cho con gái. Về mặt kinh tế, những cây ăn quả này sau vài năm sẽ cho thu hoạch, giúp các gia đình đỡ phải đau đầu về của hồi môn khi con gái lớn. Về ý nghĩa tâm linh, những cây ăn quả sẽ giống như những người phụ nữ của làng, làm giàu, làm đẹp thêm cho quê hương.

Để đảm bảo các cô gái trẻ chắc chắn có của hồi môn, mỗi cô gái sẽ có một quỹ riêng là 30.000 rupees (gần 11 triệu VNĐ). Quỹ này do chính dân làng đóng góp. Để được nhận quỹ này, cha mẹ của bé gái phải ký một lời thề rằng con gái của họ sẽ không kết hôn trước tuổi 18 và phải được đi học.

Phong tục độc đáo này mang lại hy vọng cho tương lai của bình đẳng giới ở Ấn Độ, nhận được rất nhiều lời khen ngợi và ủng hộ từ phía dư luận. Truyền thống trồng cây ở làng Poplantri đã kéo dài gần một thập kỷ, tính đến này đã có hơn 250.000 cây xanh được trồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem