Phú Thọ: Trồng thứ cây ra trái ít hạt lại "ngọt lên ngọt xuống", nông dân này thu nửa tỷ mỗi năm

Bình Hùng Chủ nhật, ngày 28/03/2021 13:01 PM (GMT+7)
Nhờ chuyển đổi 2ha đồi kém hiệu quả sang trồng cam V2 (cam Cao Phong), mỗi năm gia đình chị Phạm Thị Thủy (xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) thu về khoảng 500 triệu đồng.
Bình luận 0

Qua những nẻo đường ngoằn nghèo, đèo dốc, PV Dân Việt tới được đồi cam V2 của gia đình Phạm Thị Thủy ở xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Trước mắt PV Dân Việt hiện ra một vùng đồi dốc với bạt ngàn với những cây cam V2 đang vụ thu hoạch. Những quả cam V2 vàng ươm, tròn đều, sai lúc lỉu, nặng trĩu cành.

Phú Thọ: Cam V2 là cam gì mà trồng được trên đồi dốc khô cằn, thu 500 triệu đồng/2ha/năm? - Ảnh 1.

Sau 5 năm trồng cam V2, giờ đây, với 2ha, chị Thủy, xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ thu về được 500 triệu đồng/năm

Chị Thủy cho biết, sau nhiều năm trồng cho chè thu nhập thấp, năm 2016, chị đã quyết định chuyển đổi 2ha đồi kém hiệu quả sang trồng cam V2.

Giai đoạn đầu trồng cam V2, gia đình chị cũng gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, đặc biệt là việc phòng trừ sâu bệnh.

Nhờ sự giúp đỡ của khuyến nông xã Văn Miếu và khuyến nông huyện Thanh Sơn, cộng với việc tìm hiểu thêm tài liệu, học hỏi những người đi trước, dần dần chị cũng biết cách phát hiện bệnh sớm để xử lý kịp thời.

Phú Thọ: Cam V2 là cam gì mà trồng được trên đồi dốc khô cằn, thu 500 triệu đồng/2ha/năm? - Ảnh 2.

Việc chọn cây giống, chăm sóc cây cam V2 phải tuân thủ kỹ thuật nghiêm ngặt

Cũng theo chị Thủy, cam V2 có vỏ mỏng, ít hạt, màu vàng đẹp, ăn ngọt lừ. Tuy nhiên, cam V2 cũng là loại cây khó trồng hơn so với các loại cây khác nên cần phải tuân thủ kỹ thuật một cách chặt chẽ. 

Từ việc chọn cây giống, tưới nước, bón phân, tỉa cành, cắt quả đến phát hiện và điều trị bệnh phải thực sự chú tâm, đúng thời điểm và kịp thời.

Do đó, chị Thủy luôn chú ý chọn giống cam đảm bảo, có uy tín và nguồn gốc rõ ràng. Trước khi trồng, chị Thủy cũng lưu ý đến việc bón lót trước khi trồng để đảm bảo nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cây.

Cụ thể, trước khi trồng, mỗi hố chị Thủy bón lót từ 15 - 20kg phân chuồng được ủ hoai hoặc bón phân NPK từ 0,8 kg – 1kg/gốc. Sau một thời gian, chị Thủy mới trồng cây cam V2 và trồng với mật độ 5m x 5m hoặc 5m x 4m.

Phú Thọ: Cam V2 là cam gì mà trồng được trên đồi dốc khô cằn, thu 500 triệu đồng/2ha/năm? - Ảnh 3.

Bón phân, tỉa cành cho cây cam V2 cũng phải trong thời điểm thích hợp

Chị Thủy chia sẻ, so với các cây trồng có múi khác, cam thuộc loại cây trồng có nhiều sâu bệnh. Một số loại sâu bệnh thường thấy trên cây cam như: Sâu vẽ bùa, nhện đỏ, sâu đục cành… thường tập trung vào mùa mưa. 

Do vậy mọi người cần chú ý thăm vườn thường xuyên, sớm phát hiện bệnh để có biện pháp phòng tránh kịp thời.

Sau 4 năm trồng và gắn bó với cây cam, chị Thủy đã rút ra được một vài kinh nghiệm giúp cam V2 ra hoa nhiều và đậu quả tỉ lệ cao.

"Khi cam ra hoa, đậu quả cần cung cấp nhiều nước cho cam. Khi đủ nước, cây cam cũng sẽ khỏe mạnh và hạn chế được các loại bệnh rất nhiều. Chú ý khi cắt cam thì dùng kéo cắt chứ không bẻ, không bứt để ảnh hưởng đến cây", chị Thủy tâm sự.

Hiện tại, gia đình chị Thủy có hơn 400 cây cam V2, mỗi cây trung bình cho thu hoạch 50kg cam. Với giá cam V2 hiện tại là 20.000 - 25.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình chị thu về khoảng 500 triệu đồng.

Phú Thọ: Cam V2 là cam gì mà trồng được trên đồi dốc khô cằn, thu 500 triệu đồng/2ha/năm? - Ảnh 4.

Nhiều người đặt trước hoặc năm nào cũng đến vườn cam V2 của chị Thủy để mua đi biếu, cho gia đình dùng

Hiện tại, nhiều hộ gia đình trong và ngoài xã đều đến gia đình chị Thủy tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc cam V2.

Bà Trần Thị Minh (trú tại xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) cho biết, thấy mô hình trồng cam V2 của gia đình chị Thủy hiệu quả, nên gia đình bà cũng đã đến thăm hỏi, học cách chăm sóc như thế nào. 

Nhờ đó, gia đình bà biết cách chọn cây giống, bón phân, phát hiện và điều trị bệnh, biết áp dụng kỹ thuật phù hợp với từng giai đoạn của cây cam V2.

"Nhờ chia sẻ của chị Thủy, tôi có nhiều kinh nghiệm hơn và vườn cam nhà tôi cũng chuẩn bị cho thu hoạch rồi", bà Minh tâm sự.

Theo ông Ngô Thành Xuyên, Chủ tịch UBND xã Văn Miếu (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) mô hình trồng cam V2 của gia đình chị Thủy là một trong những mô hình trồng cam đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi đồng thời cũng khuyến khích bà con chuyển đổi những vùng đất cây trồng kém hiệu quả chuyển sang trồng cam để cho thu nhập cao hơn, giúp bà con ổn định cuộc sống và làm giàu trên chính quê hương mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem