Tại phiên tòa chiều 17/12, bị cáo Đinh La Thăng khai khi ở trong tù, làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra mới biết hồ sơ của Công ty Yên Khánh làm giả để tham gia đấu giá mua quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Chiều 17/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ sai phạm tại cao tốc TP.HCM - Trung Lương liên quan đến ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Hồng Trường (cựu lãnh đạo Bộ GTVT) cùng các đồng phạm.
Các luật sư và HĐXX đã tập trung làm rõ số tiền hơn 725 tỷ đồng thuộc về Công ty Yên Khánh hay Bộ GTVT.
Tại tòa, bị cáo Đinh La Thăng khai, trong quá trình thực hiện dự án mua bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương, không có ai nói với ông về những vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án bán đấu giá. Bị cáo nói từ khi làm Bộ trưởng Bộ GTVT cho đến lúc hết làm, ông không có bất kỳ thông tin gì về Công ty Yên Khánh làm giả hồ sơ để được tham gia đấu giá và trúng thầu.
"Giá bán quyền thu phí hơn 2.004 tỷ đồng đã được các cơ quan Bộ Tài chính và Bộ GTVT thống nhất. Doanh thu của Công ty Yên Khánh thuộc quyền quyết định, quyền sử dụng của họ, nếu có gì vi phạm, phát hiện được thì Bộ GTVT yêu cầu các bên cùng xử lý. Khi vào tù tôi mới biết đến hợp đồng tham gia đấu thầu mua quyền thu phí của Công ty Yên Khánh bị làm giả. Ngay cả việc giao cho Công ty Yên Khánh thu phí như thế nào, khi nào tôi không rõ", bị cáo Thăng nói.
Khi HĐXX hỏi: "Việc để có hợp đồng này bằng hành vi gian dối, với vai trò là Bộ trưởng, bị cáo thấy nó có giá trị hay không? Có nghĩa, từ ban đầu hành vi làm giả tài liệu là sai?", bị cáo Thăng nói: "Việc làm trái pháp luật thì phải xử lý theo quy định pháp luật".
Luật sư hỏi bị cáo Nguyễn Hồng Trường: "Ngoài khoản tiền 2.004 tỷ đồng, Bộ GTVT có thu bất kỳ khoản tiền nào khác của Công ty Yên Khánh không?".
Bị cáo Trường trả lời: "Trong hợp đồng nói rõ, nếu bên B chậm nộp, tính lãi tiền chậm nộp. Có 2 điều kiện ràng buộc là sau 30 ngày không nộp đủ tiền theo hợp đồng thì chấm dứt hợp đồng và tính lãi. Bộ GTVT không được thu thêm từ doanh thu của Công ty Yên Khánh. Giá bán quyền thu phí hơn 2.004 tỷ đồng đã được các cơ quan Bộ Tài chính và Bộ GTVT thống nhất giá đó".
Nói về giá mua quyền thu phí hơn 2.004 tỷ đồng, bị cáo Đinh Ngọc Hệ nói: "Về giá bán 2.004 tỷ đồng thì Bộ Tài chính, Bộ GTVT… đã xác định đúng quy định pháp luật. Công ty Yên Khánh mua lúc đó là giá cao".
Tranh cãi về số tiền hơn 725 tỷ đồng mà cáo trạng của Viện KSND Tối cao kết luận các bị cáo đã chiếm đoạt, gây thất thoát cho Nhà nước, bị cáo Đinh La Thăng nói: "Sau khi Công ty Yên Khánh nộp đủ tiền 2.004 tỷ đồng theo hợp đồng, số tiền doanh thu vượt họ được hưởng, nếu doanh thu hụt họ tự chịu. Số tiền thu vượt phải được thu đúng theo quy định pháp luật".
Trong khi đó, đại diện Công ty Yên Khánh trình bày, để tham gia mua quyền thu phí, Công ty Yên Khánh đã vay hơn 1.700 tỷ đồng và đến nay trả lãi hơn 462 tỷ đồng. Trong hợp đồng, giá mua quyền thu phí với số tiền 2.004 tỷ không có phí VAT. Tuy nhiên, sau này Công ty Yên Khánh nộp 127 tỷ đồng có cả thuế VAT, tiền lãi, tiền bồi thường… và tiền thuế đã nộp cho cơ quan thuế.
Tương tự, bị cáo Tô Phước Hùng (nguyên Kế toán trưởng Công ty Yên Khánh) cho rằng: "Công ty Yên Khánh được chuyển giao quyền thu phí thì số tiền toàn bộ có được do thu phí thuộc về Công ty Yên Khánh và số tiền đó phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (20%".
Cũng trong buổi xét xử chiều nay, trả lời câu hỏi của các luật sư về việc cáo trạng của Viện KSND Tối cao kết luận nhiều bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giúp sức cho Đinh Ngọc Hệ chiếm đoạt hơn 725 tỷ đồng, các bị cáo cho rằng đã bị kết tội oan.