TTVH Online

Lời giải cho bài toán khủng hoảng nhân lực ngành hàng không sau dịch Covid-19

Phong Cầm 22/07/2021 18:30 GMT+7

Việc khủng hoảng về nhân lực sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát cũng đang làm đau đầu các nhà quản lý hàng không và các hãng hàng không.

Dịch covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã làm cho mọi kịch bản phục hồi của các hãng hàng không bị phá vỡ và đứng trước những khó khăn do cạn kiệt dòng tiền mặt, bên bờ vực phá sản. Đặc biệt, khủng hoảng về nhân lực sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát cũng đang làm đau đầu các nhà quản lý hàng không.

Báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), dự báo năm 2021, ngành hàng không Việt Nam đang hứng chịu những thiệt hại nặng nề khi đường bay quốc tế bị đóng băng. Khó khăn nối tiếp khó khăn khi một số đường bay nội địa cũng chỉ duy trì với tần suất thấp do diễn biến phức tạp của đợt dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành.

Khó khăn nhưng các hãng hàng không vẫn cố gắng giữ người lao động - Ảnh 1.

Các hãng hàng không đang tính toán tới các chính sách để giữ người lao động. (Ảnh: B.B)

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways,... đã phải thay đổi kế hoạch hoạt động, cắt giảm các chi phí, thậm chí cắt giảm nhân sự hoặc nghỉ việc không lương hoặc làm việc luân phiên đồng thời đào tạo cho phi công, tiếp viên để khi thị trường phục hồi sẽ có đủ nhân lực.

Tuy nhiên, điều khiến các cơ quan quản lý và các hãng hàng không cần phải tính toán tới chính là làm thế nào để giữ chân các nhân sự khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.

Lo ngại về việc thiếu nhân sự, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết, một người lao động mới tuyển dụng có thể đảm nhận vị trí làm việc độc lập trong dây chuyền cung cấp dịch vụ thì cần thời gian khoảng 3-5 năm đối với kiểm soát không lưu. Khoảng 2 năm đối với các dịch vụ còn lại như thông tin, dẫn đường, giám sát, thông báo tin tức hàng không, khí tượng hàng không, tìm kiếm cứu nạn hàng không".

Tuy nhiên, nếu tình hình thu nhập tiếp tục sụt giảm, Tổng công ty có thể đối mặt với khó khăn là tình trạng thiếu lao động cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trong giai đoạn khi hoạt động bay phục hồi trở lại," phía VATM đánh giá.

Về phía các hãng hàng không đang duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet cho biết, Vietjet đã đưa ra chính sách để giữ người lao động và duy trì mức lương và phụ cấp cho người lao động nhằm chuẩn bị cho thời kì phục hồi hậu Covid-19.

"Đồng thời đây là khoảng thời gian để tranh thủ đào tạo, nâng cao năng lực cho nhân viên, đầu tư, lắp đặt thêm thiết bị mô phỏng bay, tăng cường đào tạo phi công, đào tạo trực tuyến," bà Phương chia sẻ.

Khó khăn nhưng các hãng hàng không vẫn cố gắng giữ người lao động - Ảnh 2.

Các nhân viên làm việc tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: VNA)

Trong khi đó, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho hay, đã có dần 9.700 người lao động trên tổng số hơn 20.000 cán bộ nhân viên của Vietnam Airlines đã phải tạm rời xa vị trí làm việc hoặc giảm thời gian làm việc để chia sẻ khó khăn với Vietnam Airlines.

"Trong đó, 30% lực lượng lao động của Vietnam Airlines phải thực hiện nghỉ không lương, 70% còn lại đi làm với mức lương chỉ bằng 40-50% so với giai đoạn trước Covid-19", ông Hoà chia sẻ.

Theo ông Hoà, với những nỗ lực này, tổng chi phí nhân công năm 2021 dự kiến sẽ cắt giảm hơn 700 tỷ đồng so với kế hoạch, bằng 62% so với năm 2019. Trên cơ sở nguồn quỹ tiền lương được phê duyệt, căn cứ tình hình kinh doanh và khả năng cân đối dòng tiền, Vietnam Airlines tập trung triển khai sửa đổi chính sách phân phối, khuyến khích, giữ chân lực lượng lao động đặc thù, lao động có trình độ chuyên môn, làm việc năng suất, trách nhiệm và sáng tạo.

Cùng với đó, Vietnam Airlines đã triển khai một số chế độ chính sách hỗ trợ người lao động từ nguồn Quỹ phúc lợi các năm trước còn lại chuyển sang năm 2020 để hỗ trợ lương tối thiểu vùng với người lao động trong thời gian ngừng việc. Đối với lao động tạm hoãn/nghỉ không lương năm 2020 - 2021, Vietnam Airlines hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng và duy trì liên tục các chế độ phúc lợi (bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, chế độ vé miễn giảm cước).

Vietnam Airlines cũng sẽ có lộ trình đưa dần người lao động trở lại làm việc khi thị trường phục hồi, đồng thời thông tin kịp thời đến người lao động về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, chính sách lao động, tiền lương nhằm tạo niềm tin, sự chia sẻ, gắn kết, nỗ lực của người lao động vượt qua khó khăn, đặc biệt đối với lực lượng lao động chuyên ngành.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, tỷ trọng doanh thu vận tải hàng hoá của các hãng hàng không nội địa đã tăng gấp 3 so với thời điểm trước dịch.

Đối với hãng hàng không Vietnam Airlines tỷ trọng doanh thu từ vận tải hàng hoá tăng từ 11,1% lên 31,4%. Tương tự Vietjet cũng có tăng trưởng từ 3% lên 10%; Bamboo Airways cũng tăng từ 2,7% lên 8,2%.

Đến nay, các hãng hàng không đã hoán đổi 9 máy bay từ chở khách sang chở hàng hoá theo hình thức tháo ghế hành khách để chở hàng trên khoang. Trong đó, Vietnam Airlines hoán đổi 5 máy bay (2 máy bay A321 và 3 máy bay A350), Vietjet Air hoán đổi 4 máy bay A321, cùng với đó là một số máy bay không tháo ghế nhưng vẫn chở hàng.

Việc chuyển sang vận chuyển hàng hoá, được coi là giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhưng đã phát huy được hiệu quả nhất định giúp các hãng hàng không duy trì được hoạt động.

Thế Anh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN